21 September, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Vì sao kháng sinh gây thay đổi trạng thái tâm thần?
Triệu chứng và tần suất thay đổi trạng thái tâm thần phụ thuộc vào loại thuốc, nhóm thuốc sử dụng, gia tăng theo liều, tuổi và nặng nề hơn nếu đi kèm rối loạn hệ thần kinh trung ương, rối loạn chức năng thận đã có sẵn. Với tần suất được kê đơn cao như hiện nay, bác sĩ và dược sĩ cần phải nhận thức đúng nguy cơ gây thay đổi trạng thái tâm thần của thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, bệnh nhân và gia đình cần được tư vấn đầy đủ các tác dụng phụ, bởi hiểu biết và sử dụng kháng sinh đúng cách sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Cơ chế gây thay đổi trạng thái tâm thần của kháng sinh vẫn còn là bí ẩn lớn. Kháng sinh có thể tác động trực tiếp làm thay đổi chức năng hệ thần kinh trung ương thông qua tác động lên các chất đối kháng dẫn truyền xung động thần kinh GABA (các chất đối kháng axit gamma-aminobutyric). Điển hình của cơ chế này là nhóm fluoroquinolon, cephalosporin, và penicilin.
Kháng sinh có thể tác động gián tiếp làm thay đổi trạng thái tâm thần, ví dụ, viêm thứ phát gia tăng từ viêm màng não vô khuẩn khi sử dụng trimethoprim hoặc sulfamethoxazole ở bệnh nhân cao tuổi hoặc suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, tương tác thuốc giữa kháng sinh và các thuốc dùng kèm cũng có thể gây ra hiệu ứng lên hệ thần kinh trung ương. Ví dụ, hội chứng serotonin khi sử dụng chung linezolid với các thuốc serotonergic khác hoặc sự ức chế kháng sinh của enzym cytochrome P450, dẫn đến tích lũy các thuốc gây rối loạn hệ thần kinh trung ương khác.
Một số kháng sinh cụ thể
Fluoroquinolones: Gần đây Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo về việc sử dụng các fluoroquinolones cho bệnh nhiễm trùng thông thường, do tác dụng phụ tiềm ẩn, bao gồm cả độc tính trên thần kinh trung ương, với các dấu hiệu và triệu chứng của sự nhầm lẫn hoặc ảo giác khi sử dụng nhóm thuốc này.
Beta-lactam: Các beta-lactam khác nhau có xu hướng tác động khác nhau lên trạng thái tâm thần. Do đó, cần cân nhắc khi lựa chọn thuốc điều trị trên bệnh nhân có nguy cơ cao độc thần kinh như rối loạn co giật. Ví dụ, ceftazidime và meropenem ít độc thần kinh hơn so với cefepime và imipenem, sẽ được ưu tiên hơn trong điều trị.
Cephalosporin: Khoảng 15% trường hợp bệnh nhân được điều trị tiêm tĩnh mạch cefepime tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt, có báo cáo độc thần kinh. Những bệnh nhân này hầu như không được chỉnh liều trên thận và đa phần đều từng có bệnh thận mãn tính. Trong nhóm cephalosporin thì cefepime được coi là có nguy cơ gây độc thần kinh phổ biến hơn ceftriaxone.
Metronidazole: Sự kết hợp của metronidazole và disulfiram có thể gây rối loạn tâm thần. Điều này được cho là do tác dụng đồng ức chế aldehyde dehydrogenase. Trong một nghiên cứu trên các bệnh nhân nam sử dụng disulfiram để điều trị chứng nghiện rượu mạn tính, 20% trong số này đã dùng đồng thời metronidazole vàxuất hiện rối loạn tâm thần - tình trạng lú lẫn cấp tính.
Độc tính thần kinh do metronidazole có liên quan với tích lũy liều và phơi nhiễm. Do nguy cơ nhiễm độc thần kinh tăng lên khi sử dụng metronidazole lặp lại, người ta đã khuyến cáo giới hạn thời gian sử dụng thuốc.
Oxazolidinones (linezolid): Linezolid có tác dụng ức chế MAO (monoamine oxidase) A và B, dùng đồng thời với các thuốc làm tăng nồng độ serotonin có thể dẫn đến hội chứng serotonin và các hiệu ứng thần kinh bất lợi sau đó. Độc tính do hội chứng serotonin có thể thay đổi từ cơn chấn động thần kinh đến thay đổi trạng thái tâm thần, hôn mê hoặc tử vong. Có đến 25% các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm báo cáo đã quan sát thấy hội chứng serotonin khi linezolid được dùng đồng thời với các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (selective serotonin reuptake inhibitors -SSRIs) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine.
Năm 2011, FDA đã ban hành một cảnh báo về tác độngcủa linezolid lên hệ thần kinh trung ương, và sau đó tăng cường cảnh báo này một lần nữa để nhấn mạnh rằng "linezolid nói chung không nên sử dụng cùng với serotonin cho bệnh nhân".
Nhóm Azole điều trị nấm: Trong các thuốc kháng nấm nhóm azole, thì thuốc voriconazole đặc biệt gắn liền với độc thần kinh. Khoảng 20% - 33% bệnh nhân được điều trị với voriconazole xuất hiện những hiệu ứng độc thần kinh khi nồng độ trong huyết thanh lớn hơn 5,5 mg/ml. Bởi vậy, hướng dẫn gần đây từ Hiệp hội bệnh nhiễm trùng Mỹ trong điều trị bệnh nấm Aspergillosis khuyên: duy trì nồng độ voriconazole dưới 5-6 mg/ml.
Thuốc kháng virus (Oseltamivir): Tác động thay đổi trạng thái tâm thần của oseltamivir còn đang gây tranh cãi, do dữ liệu mâu thuẫn hoặc không đầy đủ và bởi vì bệnh cúm cũng gây ra các triệu chứng tương tự triệu chứng độc thần kinh. Tỷ lệ mắc được báo cáo thấp (5% -12%) nhưng có thể tăng đột biến lên tới 67% ở những bệnh nhân có kiểu gen cụ thể. Trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ gặp tác dụng phụ thần kinh cao hơn các độ tuổi khác.
Phòng ngừa và kiểm soát
Việc phòng ngừa các tác dụng phụ ảnh hưởng tới trạng thái tâm thần đòi hỏi phải thận trọng trong sử dụng và sự lựa chọn thuốc, cá nhân hóa liều phù hợp, thường xuyên theo dõi và giới hạn thời gian điều trị thích hợp. Bệnh nhân và gia đình cần được tư vấn, đánh giá lâm sàng về những yếu tố nguy cơ gây biến cố bất lợi, đồng thời việc theo dõi sát các dấu hiệu và triệu chứng sẽ hỗ trợ chẩn đoán sớm.
Nếu có nghi ngờ thay đổi trạng thái tâm thần liên quan đến kháng sinh, tốt nhất nên: giảm liều thuốc, lựa chọn các kháng sinh khác, hoặc ngưng thuốc nếu có thể. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng độc thần kinh sẽ biến mất trong vòng 48 giờ sau khingừng dùng thuốc. Với một số trường hợp nặng, có thể sử dụng thuốc giải độc thần kinh hoặc các biện pháp hỗ trợ tạm thời khác.
DS. Nguyễn Hải Đăng
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
U xơ tử cung và những hệ lụy không thể chủ quan
Khí gây cười và những hệ lụy khi sử dụng
6 điều nên trao đổi với người bạn đời
Mụn rộp sinh dục, chớ xem thường
4 loại vitamin và khoáng chất ngăn ngừa móng tay giòn và dễ gãy
Đánh giá