21 January, 2025 0 nhận xét Nhận xét
Chế độ dinh dưỡng là một trong những thay đổi lớn, gây nhiều băn khoăn của bà mẹ mang thai như: ăn gì là an toàn, ăn gì để có lợi cho bé, cần tránh những loại thực phẩm nào khi mang thai?
Giai đoạn 3 tháng đầu khi mang thai là giai đoạn phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ nhất của thai nhi. Trong giai đoạn này, tim và các cơ quan chính bắt đầu hình thành, nhưng thai nhi chưa có hệ miễn dịch của riêng mình.
Đây cũng là thời gian bé dễ bị tổn thương nhất với rượu, chất gây nghiện, các loại thuốc hay tình trạng bệnh tật của mẹ. Vì lý do này, các bà mẹ phải bỏ thuốc, không bia rượu hay sử dụng thuốc hết sức cẩn thận ngay từ khi phát hiện mình có thai.
Nếu không thực hiện nghiêm ngặt điều này, bé sẽ có nguy cơ gặp những bất thường về thể chất cũng như khiếm khuyết ở hệ thần kinh.
3 tháng đầu mang thai, người mẹ cần hạn chế ăn những thực phẩm sau:
Thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn
Khi mang thai ba tháng đầu, thai phụ không nên uống nước ngọt đóng sẵn, bữa ăn công nghiệp đóng hộp, bánh ngọt,… bởi những thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản, lượng đường và natri cao, nhiều calo rỗng không tốt cho mẹ và bé. Một số thực phẩm đóng gói cũng có thể chứa vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Hãy dùng bữa ăn tươi nấu tại nhà, từ các thực phẩm tự nhiên và hữu cơ.
Một số loại hải sản
Hải sản tốt cho sức khỏe bà mẹ mang thai tuy nhiên có những loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá mập, cá kình, cá ngừ, cá kiếm là loại thực phẩm nên tránh, bởi thủy ngân có thể gây ra nhiều biến chứng xấu với thai nhi, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến não.
Nộm đu đủ xanh
Trái cây tốt cho sức khỏe tuy nhiên đu đủ sống để làm nộm thì bà mẹ mang thai cần tránh vì nhựa đu đủ có thể gây ra co thắt tử cung dẫn đến sảy thai. Ngoài ra, chúng cũng có thể gây dị ứng với những biểu hiện như chảy nước mũi, sưng vùng miệng, phát ban da, thậm chí có thể nặng hơn là khó thở hay sốc phản vệ. Tuy nhiên, đu đủ chín (vỏ vàng hoàn toàn) chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho một thai kỳ khỏe mạnh như: folate, cholene, beta-carotin, kali, vitamin A, B, C, chất xơ…
Dứa
Tương tự, dứa chứa bromelain, một loại enzyme phá vỡ protein. Một trong những tác dụng phụ của bromelain là làm mềm cổ tử cung, có thể dẫn đến chuyển dạ sớm. Một vài lát dứa thì không sao, nhưng ăn nhiều và thường xuyên đối với mẹ bầu thì không nên chút nào. Ăn nhiều dứa cũng có thể gây ra các vấn đề do tính chất axit của nó, ví dụ như trào ngược, ợ nóng, thậm chí tiêu chảy. Ngoài ra, với những người ăn dứa sau một thời gian dài không ăn có thể gặp phải các phản ứng dị ứng như nghẹt mũi, ngứa, sưng ở miệng, hen suyễn…
Caffeine
Thức uống, đồ ăn chứa Caffeine không tốt cho bà mẹ mang thai vì có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây khó ngủ, hồi hộp và căng thẳng nếu tiêu thụ quá mức. Caffeine cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai.
Bia rượu
Bia rượu cũng không tốt cho sức khỏe với tất cả chúng ta, có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho hệ thần kinh của bé.
Thức ăn nhiều đường
Thai phụ không nên ăn quá nhiều bánh ngọt, thức ăn ngọt nhiều đường sẽ gây tăng cân nhanh chóng, tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
Khi mang thai 3 tháng đầu, bà mẹ mang thai nên cần tư vấn của bác sĩ để được tư vấn về dinh dưỡng. Nếu có thể bác sĩ sẽ kê vitamin bổ sung phù hợp với tình trạng của bạn, bao gồm acid folic. Ngoài ra, thai phụ cần tăng cường trái cây và rau củ, hạn chế thức ăn nhanh. Uống đủ nước. Ăn uống lành mạnh, đa dạng và chừng mực. Dư thừa dưỡng chất cũng có thể gây hại cho mẹ và thai nhi.
Medshopvn sưu tầm
Theo SKĐS
Đánh giá