13 December, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì nhưng gây ra nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm.
Cấu tạo chính của bàng quang là thành bàng quang gồm các lớp cơ trơn và lớp niêm mạc cùng với mạch máu đến nuôi dưỡng bàng quang. Cơ trơn thành bàng quang được chỉ huy bởi hệ thần kinh thực vật chi phối bởi não bộ, vì vậy, sự co bóp của bàng quang rất nhịp nhàng. Bàng quang có độ giãn rất tốt. Một người bình thường, bàng quang có thể chứa được khoảng 300ml nước tiểu hoặc nhiều hơn. Khi nước tiểu đầy sẽ có phản xạ buồn tiểu và khi đi tiểu, thành bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài theo đường niệu đạo và lỗ tiểu, sau đó bàng quang co lại và tiếp tục chứa đựng nước tiểu từ thận xuống như lúc đầu.
Bệnh viêm bàng quang kích thích?
Bệnh viêm bàng quang kích thích là khi cơ của bàng quang bị kích thích quá mức gây nên hiện tượng co bóp bất thường làm rối loạn tiểu tiện (đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp, tiểu són). Với các triệu chứng này có thể làm cho bàng quang bị nhiễm khuẩn, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, đúng, triệt để có thể gây viêm thận ngược dòng rất nguy hiểm. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, nhất là phụ nữ có tuổi (đặc biệt là viêm bàng quang kích thích có kèm nhiễm khuẩn). Bởi vì, niệu đạo của nữ giới ngắn hơn niệu đạo nam giới, hơn nữa lỗ tiểu gần kề với hậu môn rất dễ nhiễm bẩn nếu không biết vệ sinh đúng cách.
Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh
Do cấu tạo của bàng quang là cơ trơn và dưới sự chỉ huy của hệ thần kinh trung ương bằng hệ phó giao cảm (thần kinh thực vật) nên bàng quang co bóp nhịp nhàng và khi nước tiểu đầy bàng quang sẽ có hưng phấn thần kinh, kích thích co bóp gây buồn đi tiểu. Đồng thời các cơ thắt (cơ vòng) ở cổ bàng quang có chức năng co bóp đúng lúc sẽ ngăn chặn rò rỉ nước tiểu và nước tiểu không thể tự chảy ra. Nếu bị rối loạn thần kinh thực vật chi phối bàng quang làm cho bàng quang co bóp thất thường, cơ vòng ở cổ bàng quang cũng rối loạn co thắt sẽ làm rối loạn tiểu tiện, gọi là bệnh viêm bàng quang kích thích. Và khi bị bệnh viêm bàng quang kích thích có kèm nhiễm khuẩn bàng quang càng làm cho bệnh viêm bàng quang kích thích gia tăng, nặng và tiến triển xấu hơn.
Bệnh viêm bàng quang kích thích thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, nhất là phụ nữ có tuổi
Có nhiều loại vi khuẩn gây nhiễm trùng bàng quang, trong đó đáng chú ý nhất là vi khuẩn đường ruột như: E.coli, Proteus hoặc do tụ cầu da hoặc bởi vì khuẩn Chmamydia, Mycoplassma, hoặc vi khuẩn lậu cầu.
Triệu chứng
Viêm bàng quang kích thích thường khó kiểm soát việc tiểu tiện, tiểu không tự chủ. Viêm bàng quang kích thích biểu hiện đặc trưng nhất là mót tiểu (buồn tiểu), tiểu gấp, tiểu són (muốn đi tiểu ngay tức khắc, khó kiềm chế được, nếu chậm trễ có thể tiểu són ra quần), nước tiểu nhỏ giọt, tiểu khó, thậm chí gây bí tiểu. Tiểu nhiều lần trong ngày, nhất là bị đi tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.
Để chẩn đoán viêm bàng quang kích thích có thể được xác định bằng nội soi bàng quang nhằm đánh giá tình trạng niêm mạc bàng quang xem có gì bất thường không. Nếu có điều kiện, nên đo áp lực bên trong bàng quang để đánh giá tình trạng bàng quang kích thích. Bên cạnh đó, nếu nghi ngờ nước tiểu có nhiễm trùng cần xét nghiệm nước tiểu bằng cách nuôi cấy, phân lập vi khuẩn nước tiểu (xét nghiệm vi sinh y học) để xác định loại vi khuẩn gây bệnh, trên cơ sở đó tiến hành kỹ thuật kháng sinh đồ để đánh giá mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh giúp bác sĩ chọn kháng sinh thích hợp để điều trị.
Biến chứng
Sự rối loạn thần kinh thực vật làm ảnh hưởng đến sự kích thích bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài làm cho tiểu không hết gây ứ đọng. Sự ứ đọng nước tiểu trong bàng quang rất dễ làm cho vi khuẩn phát triển và đi ngược lên thận gây viêm thận, nếu không phát hiện sớm và điều trị ngay có thể gây viêm thận, ứ mủ và hậu quả là viêm thận. Khi bị viêm thận nếu không được chữa trị sớm có thể làm suy thận, tăng huyết áp, urê máu tăng cao đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi ngờ bị viêm bàng quang kích thích cần đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa tiết niệu để xác định nguyên nhân, đặc biệt trong trường hợp bị nhiễm khuẩn để được điều trị sớm, đúng đề phòng biến chứng. Không nên tự chẩn đoán bệnh, không tự mua thuốc để điều trị nếu không có chuyên môn về y học, nhất là tự mua kháng sinh để điều trị. Nếu làm như vậy, bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm ảnh hưởng rất lớn sức khỏe của người bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nếu chỉ bị viêm bàng quang kích thích đơn thuần, hàng ngày nên vận động cơ thể, tránh ngồi lâu một chỗ, tránh nhịn tiểu. Mỗi buổi sáng lúc vừa ngủ dậy nên xoa bóp vùng bụng dưới với một thời gian khoảng từ 10 - 15 phút để máu lưu thông tốt hơn, kích thích thần kinh thực vật chi phối bàng quang tốt hơn. Để tránh viễm nhiễm bàng quang: cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục - tiết niệu ngoài hàng ngày, tốt nhất là dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước được lọc sạch. Với phụ nữ, cần dội nước từ trước ra sau để phòng nước bị nhiễm bẩn qua hậu môn lây nhiễm sang bộ phận sinh dục, tiết niệu vì lỗ tiểu của nữ giới gần với hậu môn.
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Đánh giá