19 October, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Cục u ở vú – dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất của ung thư vú
Hãy đi khám ngay khi phát hiện có khối u ở vú.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Khoa Ung bướu Singapore – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, xuất hiện u cục ở vú là dấu hiệu rất thường gặp của ung thư vú. Khối u ở vú liên quan tới ung thư thường có đặc điểm là: u cứng, không di động, thường không đau. Tuy nhiên, đặc điểm này không phải lúc nào cũng đúng. Bác sĩ Dung cho biết, nếu phát hiện có khối u ở vú, gây đau chị em đừng nên yên tâm rằng không phải ung thư vú bởi có khoảng 2-7% bệnh nhân ung thư vú cũng bị đau do khối u. Bác sĩ giải thích cơn đau này có thể gây ra do khối u kích thích các dây thần kinh trong vú.
Thêm vào đó, khối u di động cũng chưa chắc không phải ung thư vú vì theo bác sĩ Dung, ở giai đoạn sớm, khối u còn nhỏ nên có thể di chuyển trong mô vú. Còn những trường hợp khối u cố định vào da vú hoặc thành ngực, thường là khi khối u đã phát triển rộng và xâm lấn. Đối với trường hợp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn vẫn còn di động, người bệnh chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ khối u, và hiệu quả lên tới 94%.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư vú khác:
1. Thay đổi kích thước, hình dạng hoặc cảm giác của vú: chẳng hạn như vú to hơn, hoặc trông khác thường
2. Đau vú: đau thường không phổ biến do ung thư, nhưng có thể liên quan tới giai đoạn muộn. Hãy cảnh giác khi bạn bị đau ở một hoặc 2 vú trong thời gian dài
3. Thay đổi da vú: nhăn nheo, nổi ban đỏ, da dày hơn, v.v.
4. Thay đổi ở núm vú: núm vú tụt vào trong, núm vú tiết dịch hoặc máu
5. Các triệu chứng ung thư vú viêm: vú sưng đỏ và đau, da sần vỏ cam, v.v.
6. Bệnh Paget của vú: phát ban đỏ, có vảy trên vú như eczema.
Các triệu chứng nêu trên có thể liên quan tới các bệnh lý tuyến vú khác, nhưng đi khám là việc rất cần thiết để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường
Chụp quang tuyến vú là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm ung thư vú, khi khối u còn nhỏ thậm chí chưa cảm nhận được.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư vú, chị em có thể cần làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh bao gồm:
Siêu âm vú: Nếu khối u đủ lớn sẽ quan sát được hình ảnh trên siêu âm. Phương pháp này giúp đánh giá khối u rắn (có thể là ung thư), hay nang chứa chất dịch (u nang tuyến vú), v.v. Siêu âm cũng đo được kích thước khối u, vị trí chính xác của nó, và quan sát kỹ hơn các mô xung quanh.
Chụp X-quang tuyến vú: được sử dụng để chẩn đoán ung thư vú khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc cũng được sử dụng để tầm soát ung thư vú ở những phụ nữ hoàn toàn không có triệu chứng nhằm phát hiện bệnh sớm. Chụp quang tuyến vú giúp hiển thị chi tiết hơn, do đó phát hiện được khối u rất nhỏ (có thể chưa cảm nhận thấy). Phương pháp này cũng có hiệu quả đối với bệnh nhân nâng ngực.
Chụp MRI: Trong quá trình chẩn đoán, nếu siêu âm và chụp X-quang không đủ để kết luận, hoặc khó quan sát vú trong những trường hợp mô vú dày đặc thì bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI để đánh giá mức độ của bệnh.
Sinh thiết: là một xét nghiệm loại bỏ mô hoặc các khu vực nghi ngờ để quan sát dưới kính hiển vi. Đây là cách duy nhất để xác định chắc chắn có phải ung thư vú hay không.
Chủ động tầm soát ung thư vú khi chưa có triệu chứng
Tầm soát ung thư vú được khuyến khích cho tất cả chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh nhằm phát hiện ung thư vú sớm, giúp điều trị thành công.
Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp số 1 ở phụ nữ, và đa số phụ nữ khi cảm nhận được các triệu chứng bất thường khi khối u đã phát triển lớn, điều trị thường cần cắt bỏ cả tuyến vú, kèm theo các phương pháp hỗ trợ như hóa trị, xạ trị, nội tiết tố, v.v. gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như sự tự tin của chị em phụ nữ. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyến khích chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh nên tầm soát ung thư vú hàng năm. Các phương pháp tầm soát ung thư vú hiện nay mang lại hiệu quả rất cao, có thể phát hiện khối u vú còn nhỏ, điều trị hiệu quả tới gần 100%.
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Cách chăm sóc người mắc hội chứng hoàng hôn
Khi nào cần bổ sung axít Folic?
Đau đầu, khởi nguồn của nhiều bệnh
Nguy hiểm do không đi khám thai
6 bệnh cần cảnh giác khi bị đau lưng
Tăng huyết áp có dùng được glucosamin?
Đánh giá