14 April, 2022 0 nhận xét Nhận xét
Đau cổ vai gáy khi mang thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể bao gồm căng lưng quá mức, ngủ và đứng không đúng tư thế, đứng quá lâu nhưng cũng có thể là dấu hiệu nghiêm trọng trong thai kỳ.
Đau cổ vai gáy khi mang thai không phải là hiếm, có thể xảy ra vì một số lý do trong suốt thai kỳ. Có một số nguyên nhân hiếm gặp gây ra đau mỏi cổ vai gáy có thể gây hại như mang thai ngoài tử cung trong 3 tháng đầu thai kỳ và tiền sản giật trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.
1. Những nguyên nhân phổ biến gây đau mỏi vai gáy trong ba giai đoạn thai kỳ
1.1 Đau mỏi vai gáy trong 3 tháng đầu thai kỳ
Hormone relaxin trong cơ thể người phụ nữ tăng lên trong thai kỳ. Hormone này cũng có rất nhiều vai trò khác nhau từ khi bắt đầu mang thai cho đến khi sinh em bé. Relaxin giúp cơ thể thai phụ phát triển và thay đổi cho thai nhi đang phát triển.
Relaxin thực hiện điều này bằng cách nới lỏng các mô liên kết của thai phụ, điều này có thể gây đau nhức ở nhiều nơi khác nhau bao gồm cả vai gáy của thai phụ.
1.2 Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ
Khi thai nhi lớn lên, cơ thể của phụ nữ mang thai cũng phát triển nuôi dưỡng thai nhi. Trong ba tháng giữa thai kỳ, hình dạng cơ thể cũng như trọng lượng của thai phụ sẽ thay đổi để có một thai kỳ khỏe mạnh. Những thay đổi trong cơ thể ảnh hưởng đến cách thai phụ ngủ, ngồi, đứng và thậm chí là đi bộ.
Trên thực tế, phụ nữ mang thai trong ba tháng giữa thai kỳ thường có tốc độ đi bộ chậm hơn so với những người không mang thai có nghĩa là những thay đổi trong cơ thể đang ảnh hưởng đến cơ bắp và vận động, do đó có thể dẫn đến đau nhức cơ bắp, bao gồm cả đau cổ vai gáy.
1.3 Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ
Trong ba tháng cuối thai kỳ, cơ thể thai phụ có rất nhiều thay đổi khi thai nhi đã sẵn sàng chào đời. Cơ thể của người mẹ thích nghi với việc mang theo một em bé thậm chí là hai, ba thai nhi, mặc dù thai nhi phát triển có thể ảnh hưởng tới cột sống của thai phụ.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh gai xương của 19 phụ nữ mang thai trong ba tháng cuối thai kỳ của họ với những phụ nữ không mang thai phát hiện ra rằng phần thắt lưng của cột sống ở phụ nữ mang thai trong giai đoạn cuối thai kỳ cong hơn.
Những thay đổi trong cột sống của thai phụ có thể dẫn đến những thay đổi ở lưng và cơ vai. Điều này có thể dẫn đến đau và nhức mỏi vai gáy khi mang thai.
Cũng trong ba tháng cuối thai kỳ, relaxin tiếp tục giúp giãn dây chằng của thai phụ để các khớp xương chậu có thể nới lỏng và mở ra để sinh con tốt hơn. Các khớp khác trong cơ thể cũng lỏng ra, bao gồm cả khớp vai.
Những thay đổi về tư thế, vị trí ngủ, cách đi bộ và mọi thứ khác có thể dẫn đến đau mỏi vai gáy trong ba tháng cuối thai kỳ.
2. Những nguyên nhân nghiêm trọng gây đau mỏi vai gáy khi mang thai
Những nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây đau mỏi vai gáy có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Đó là lý do tại sao phụ nữ mang thai nên cho bác sĩ biết nếu bị đau vai hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.
2.1 Trong 3 tháng đầu thai kỳ
Nếu cảm thấy đau vai rất sớm trong ba tháng đầu thai kỳ, nguyên nhân có thể là mang thai ngoài tử cung hoặc ống dẫn trứng do khi phôi làm tổ bên ngoài tử cung.
Phụ nữ mang thai ngoài tử cung thường có các triệu chứng từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ.
Mang thai ngoài tử cung có thể gây đau mỏi vai gáy. Cảm giác này có thể giống như một cơn đau đột ngột, kỳ lạ ngay giữa vai và cánh tay. Nguyên nhân nghiêm trọng gây ra chứng đau mỏi vai khi mang thai thực sự xảy ra là do ổ bụng bị chảy máu. Không thể nhìn thấy hiện tượng chảy máu này, nhưng nó có thể kích thích dây thần kinh chịu trách nhiệm về các cơ không tự chủ di chuyển cơ hoành. Đổi lại, dây thần kinh truyền thông tin cảm giác từ cơ hoành và vùng vai, tạo ra cảm giác đau ở vai.
Thai phụ có thể có các triệu chứng khác cùng với đau vai, như đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, chảy máu âm đạo, đầy bụng hoặc đầy hơi, đau khi đi tiêu, bệnh tiêu chảy, chuột rút hoặc đau ở một bên. Khi thai phụ mang thai ngoài tử cung cần được đến bệnh viện ngay lập tức.
2.2 Giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ
Sỏi mật
Các hormone giúp phụ nữ có thai và duy trì thai kỳ cũng có thể gây ra các tác dụng phụ, bao gồm cả sỏi mật trong một số trường hợp hiếm gặp. Thai phụ có thể hoàn toàn không biết mình bị sỏi mật, nhưng nếu sỏi mật bị mắc kẹt trong ống dẫn có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Đau vai phải khi mang thai có thể là bạn bị sỏi mật.
Các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn và nôi, cơn đau dữ dội ở bụng trên bên phải, cơn đau đột ngột ở giữa bụng, đau lưng giữa hai bả vai. Cơn đau do sỏi mật có thể kéo dài hàng phút, thậm chí hàng giờ. Trong trường hợp nghiêm trọng, thai phụ có thể bị sốt cao và thậm chí bị vàng da và mắt.
Thai phụ có thể cần phẫu thuật để loại bỏ sỏi mật nếu bị tắc nghẽn nghiêm trọng hoặc các biến chứng khác. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, sỏi mật có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, như ăn các bữa ăn bình thường, thêm nhiều thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống, tránh thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, tránh thức ăn có đường và nên tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày.
Tiền sản giật
Trong giai đoạn thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ, đau mỏi cổ vai gáy có thể là một trong những triệu chứng của tiền sản giật. Tình trạng nghiêm trọng này xảy ra khi bạn bị cao huyết áp (tăng huyết áp) và các biến chứng khác trong khi mang thai hoặc sau khi sinh.
Các triệu chứng thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nhưng chúng có thể xảy ra sớm hơn. Ngoài đau vai, các dấu hiệu khác của tiền sản giật bao gồm sưng mặt, sưng tay, đau đầu, thay đổi trong tầm nhìn, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, đau khi hít thở sâu, đau ở bụng trên, đau ở phía trên bên phải, buồn nôn và ói mửa, thở gấp hoặc khó thở.
Điều trị chứng tiền sản giật bao gồm kiểm tra huyết áp nhiều lần trong ngày và nên đến kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Thai phụ có thể cần dùng thuốc, chế độ ăn ít natri và nghỉ ngơi trên giường để giúp kiểm soát huyết áp.
Nếu các triệu chứng tiền sản giật không cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ phải sinh con sớm và thường sẽ hồi phục ngay sau khi sinh con.
3. Cần làm gì nếu đau cổ vai gáy khi mang thai?
Thai phụ có thể điều trị chứng đau nhức thông thường khi mang thai bao gồm cả đau nhức mỏi vai gáy bằng một số cách để cảm thấy tốt hơn như mát-xa, liên hệ với bác sĩ chuyên khoa, tắm nước ấm (không nóng), chườm ấm hoặc chườm lạnh, gối hỗ trợ ngủ.
Hãy hỏi bác sĩ về loại thuốc giảm đau nào an toàn trong thai kỳ và phù hợp. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong khi mang thai bao gồm đau vai dữ dội hoặc cơn đau không thuyên giảm cần đến ngay bệnh viện để theo dõi và loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây đau vai như mang thai ngoài tử cung, sỏi mật và tiền sản giật.
Bác sĩ Hồng Sơn
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Cách khắc phục 5 hạn chế về sức khỏe tình dục sau đột quỵ
Những thực phẩm nào tốt và không tốt cho sức khỏe tình dục?
Đánh giá