16 January, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Cơ thể của bạn thay đổi như thế nào khi mang thai? Những thay đổi nào là bình thường hay bất thường? Làm thế nào để bé phát triển trong bụng mẹ? Liệu em bé có phát triển bình thường không? Sau đây là những thay đổi khi mang thai bạn nên biết để quá trình mang thai được an toàn.
Thai 3 tháng đầu
Bao gồm các giai đoạn trước của phôi thai cho đến thời điểm trước 14 tuần. Quá trình mang thai thông thường được tính với chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người phụ nữ. Đó là bởi vì hầu hết phụ nữ không biết quá trình thụ thai thực sự xảy ra khi nào, nhưng có thể thường nhớ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối. Ban đầu, rất nhiều các bà bầu thậm chí không cảm thấy có sự thay đổi gì so với thời điểm chưa mang thai, nhưng hầu hết bắt đầu tác động trên vú, thấy tăng sự phát triển vú có thể gây ra đau vú tạm thời. Và mọi người đều có cảm giác buồn nôn và nôn, mệt mỏi (gọi là nghén) và tăng cân cũng rất phổ biến. Bạn thậm chí có thể nhận thấy rằng mái tóc trông đẹp hơn khi bạn đang mang thai, bởi vì lưu lượng máu tăng lên khi mang thai, tóc mọc nhanh hơn và dày hơn. Thai nhi phải trải qua giai đoạn tăng trưởng phức tạp và quan trọng nhất trong thời gian 3 tháng đầu. Trứng thụ tinh phân chia nhiều lần, và kết quả là từ 1 tế bào hợp tử phát triển và tổ chức thành phôi thai và nhau thai. Thời điểm thai tuần 12, tất cả các cấu trúc bên ngoài và cơ quan nội tạng đã được hình thành, thai nhi bắt đầu di chuyển tự do trong túi ối.
Siêu âm thai.
Thai 3 tháng giữa thai kỳ
Từ tuần 13-26 thường là thời điểm tốt nhất của thời kỳ mang thai. Trong thời gian này, người mẹ đầu tiên nhận thấy sự chuyển động của thai nhi, nói chung là trong khoảng thời gian giữa 16-20 tuần. Trong suốt thời kỳ phôi thai và sau này, thai nhi đã có những cử động, tuy nhiên các cử động là tương đối yếu, vì vậy, các cử động của thai nhi đập vào thành tử cung với lực không đủ để thông báo cho mẹ trong thời điểm thai nhi còn nhỏ. Các hệ cơ quan và cơ quan quan trọng của thai nhi tiếp tục phát triển trong suốt 3 tháng giữa. Sự phát triển của cơ quan sinh dục bên ngoài được hoàn thành và giới tính của em bé thường có thể quan sát rõ ràng được. Ở bé gái, buồng trứng của thai nhi phát triển đáng kể. Đáng chú ý, tất cả các trứng của buồng trứng được hình thành đầy đủ ở tháng thứ năm của thai kỳ. Sau khi thành lập, trứng ở vào trạng thái nghỉ ngơi, trong đó chúng sẽ vẫn còn cho đến tuổi dậy thì.
Thai 3 tháng cuối thai kỳ
Từ tuần 27-40, thai kỳ mang đến nhiều khó chịu nhất cho thai phụ với các triệu chứng có thể gặp như: nóng rát thượng vị, táo bón, trĩ, giãn tĩnh mạch chi dưới, mất ngủ và nặng tức bụng dưới. Nguyên nhân của hầu hết các triệu chứng khó chịu này do thai nhi lớn nhanh trong bụng mẹ. Cùng với đó, thai nhi cử động trong bụng mẹ, các bà mẹ luôn cảm thấy em bé như đang chơi đùa trong bụng mình. Bạn nên đi khám bác sĩ thường xuyên hơn trong thời gian này, 4 tuần/lần. Thăm khám thường xuyên sẽ giúp bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi kỹ lưỡng hơn để phát hiện các bất thường bệnh lý như: tiền sản giật, dọa sinh non, đái tháo đường thai kỳ, đa ối hay thiểu ối... Càng gần cuối thai kỳ càng tăng cảm giác hồi hộp và lo lắng có thể mất ngủ... Bạn có thể phát hiện thấy dạ con có các cơn co - mà bác sĩ gọi là cơn co Braxton-Hicks - hay gặp trong quý thứ III thai kỳ. Chúng là các cơn co sinh lý, không đáng ngại, khác với các cơn co chuyển dạ: thứ nhất, là cơn co yếu với thời gian co ngắn không gây đau bụng, thứ hai là các cơn co này không tăng thêm về tần số và cường độ và chúng sẽ biến mất. Các cơn co sinh lý này được coi như sự chuẩn bị của tử cung cho quá trình chuyển dạ sắp tới. Ngày dự kiến sinh được tính bằng cách cộng 280 ngày (40 tuần) từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Tuy nhiên, ngày dự kiến sinh không phải là tuyệt đối: chỉ có 16% trẻ sơ sinh được thực sự sinh ra vào ngày dự kiến. Phần lớn các em bé được sinh ra giữa 38 và 42 tuần. Trong thời gian này nếu bạn thấy cơn co tử cung mau hơn hoặc ra chất nhầy hồng âm đạo thì đó là dấu hiệu chuyển dạ. Lúc đó bạn có thể khăn gói vào viện để sinh bé.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để quá trình mang thai được khỏe mạnh, em bé sinh ra không bị dị tật thì trước khi mang thai chị em nên khám sức khỏe và tiêm phòng các bệnh như cúm, Rubella, viêm gan virut... (nếu chưa tiêm hoặc chưa mắc bao giờ). Khi đã mang thai cần có chế độ dinh dưỡng tốt, vệ sinh thân thể và vệ sinh tình dục tránh bệnh viêm nhiễm sinh dục. Tháng cuối cần chú ý không sinh hoặc tình dục để tránh vỡ ối sớm. Cuối cùng cần đi khám thai theo đúng định kỳ và ngay từ khi mang thai phải luôn được bác sĩ sản khoa khám, theo dõi thai định kỳ.
BS. Nguyễn Kim Dung
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Xuất tinh ngược, một nguyên nhân gây hiếm muộn
Rối loạn tiêu hóa sau uống kháng sinh, vì sao?
Cách bổ sung canxi cho người cao tuổi
Dư thừa hormon nam (testosterone) ở phụ nữ: Điều gì sẽ xảy ra?
Đánh giá