27 December, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Đối với người khỏe mạnh bình thường, việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh cũng đã cần phải lưu tâm, nhưng với bà mẹ mang thai thì điều này phải hết sức thận trọng để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Ảnh hưởng của thuốc kháng sinh đến thai nhi
Mỗi nhóm thuốc kháng sinh có phổ kháng khuẩn (sự nhạy cảm của thuốc kháng sinh trên vi khuẩn) khác nhau và đáp ứng điều trị với các bệnh lý khác nhau. Khi vào cơ thể, thuốc kháng sinh sẽ gây ra các tác dụng phụ với mức độ nhẹ như dị ứng da, buồn nôn, tiêu chảy… hoặc thậm chí nghiêm trọng như sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể gây rối loạn cân bằng tạp khuẩn đường ruột và nhiễm nấm Candida ở da, miệng, ruột… Hầu hết các thuốc kháng sinh đều vượt qua được hàng rào nhau thai và có thể gây tác hại cho thai nhi. Mức độ tác hại trên thai nhi tùy thuộc vào loại kháng sinh sử dụng, liều lượng, thời gian sử dụng và thuốc đã được sử dụng trong giai đoạn nào của thai kỳ. Các tác hại gây ra có thể là khuyết tật, dị dạng hay thậm chí tử vong thai nhi.
Việc dùng thuốc kháng sinh khi mang thai trong 3 tháng đầu, có thể gây quái thai. Đặc biệt là dùng thuốc kháng sinh trong thời kỳ phôi 75 ngày (11 tuần đầu tiên) thì khả năng ảnh hưởng của thuốc đến thai sẽ cao hơn. Vì khi đó các cơ quan thai nhi đang được hình thành, các tế bào đang được nhân lên mạnh nên rất nhạy cảm với thuốc.
Thai nhi ở thời kì trưởng thành (sau tuần thứ 14 trở đi), các cơ quan có phần hoàn thiện hơn, nhưng cũng chịu tác động của thuốc và gây ngộ độc thai. Giai đoạn cuối thai kì là giai đoạn từ tháng thứ 6, thai có thể bắt đầu tự chủ nhưng gan chưa đủ chức năng chuyển hóa thuốc, thận chưa có chức năng thải thuốc nên thuốc vẫn gây độc hại cho thai.
Khi dùng kháng sinh cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Những kháng sinh tuyệt đối tránh
Nhóm tetracyclin gây hỏng men răng
Người ta thường dùng kháng sinh nhóm tetracyclin (tetracyclin, doxycylin, minocyclin…) để trị các bệnh đi ngoài do bị tả, kiết lỵ, nhiễm E.coli. Các nhiễm trùng tiêu hóa khác cũng rất nhạy cảm với kháng sinh này. Đây cũng là một kháng sinh phổ thông, giá thành của nó thấp. Người ta thấy rằng nếu bà mẹ mang thai vào tháng thứ 7 trở đi mà dùng tetracyclin thì đứa trẻ sinh ra sẽ bị hỏng men răng, vàng xám hoặc hoen ố men răng. Đó là do tetracyclin kết hợp chặt chẽ với canxi tạo một phức hợp vô cùng bền vững.
Nhóm amioglycosid gây điếc vĩnh viễn
Kháng sinh nhóm aminoglycosid (gentamicin, amikacin, neomycin, streptomycin, tobramycin…) thường được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng tai - mũi - họng, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng màng não. Đặc biệt, thuốc hay được lựa chọn khi có hiện tượng viêm phổi xảy ra. Thuốc còn được sử dụng để bào chế các thuốc nhỏ mắt như tobra, tobrex… Đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai không được dùng các thuốc này. Nguyên nhân là thuốc có thể gây tổn thương thận và gây độc cho tai trong của em bé (gây điếc không hồi phục).
Nhóm quinolon gây hỏng sụn
Đây là nhóm kháng sinh phổ rộng với các hoạt chất chủ yếu như ciprofloxacin, offloxacin, pefloxacin… Thuốc có hiệu quả điều trị cao với các vi khuẩn trên hệ tiết niệu sinh dục. Nhưng các kháng sinh này lại có nguy cơ gây ra rối loạn sự phát triển xương khớp trẻ em. Nếu bà mẹ dùng kháng sinh quinolon trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú thì đứa trẻ hoàn toàn bị “uống” kháng sinh này một cách thụ động. Nồng độ kháng sinh trong cơ thể trẻ tăng lên. Hệ quả là xương và sụn của trẻ không phát triển được, thậm chí còn gây ra đứt gân gót. Đứa trẻ không thể kiễng chân lên được và bàn chân luôn bị gấp lại trong tư thế bàn chân chạm gót. Ngay cả khi một đứa trẻ dưới 10 tuổi uống các kháng sinh này cũng bị hậu quả tương tự, vì tác hại trên xương sụn là không thay đổi.
Kháng sinh chống nấm ketoconazol gây dị tật
Ketoconazol là một kháng sinh chống nấm có công hiệu mạnh với nấm da, nấm tóc và nấm móng. Các trường hợp như hắc lào, lang ben dùng ketoconazol có hiệu quả rất cao. Thường thì người ta chỉ dùng dạng viên uống khi người bệnh bị nấm da thể nặng, diện rộng hoặc bị nấm móng, nấm tóc. Còn đa phần thuốc được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi. Trên thực tế lâm sàng đã thu được bằng chứng rõ ràng là thuốc có thể gây độc cho thai nhi và gây dị tật dính ngón tay cho em bé mai sau. Do đó, tránh tối đa nguy cơ sử dụng thuốc này là hết sức cần thiết.
Biseptol gây thiếu máu nặng
Biseptol là kháng sinh đường ruột quan trọng và phổ rộng. Thuốc có tác dụng với trường hợp bị nhiễm khuẩn tiêu hóa và người bệnh có dấu hiệu tiêu chảy nặng, hoặc mắc các bệnh như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp, nhiễm E.coli trong nguồn nước... Tuy nhiên, đây là thuốc cần loại bỏ trong danh mục các thuốc dùng trong thai kỳ. Vì cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế có cạnh tranh với axit folic nhằm làm rối loạn chuyển hóa của vi khuẩn, làm cho vi khuẩn bị tiêu diệt. Nhưng một điều không may là thuốc lại kháng luôn cả axit folic của bà mẹ, đối tượng đang cần nhiều máu để nuôi con. Do đó, dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai thì bà mẹ sẽ bị thiếu máu nặng. Hệ quả là mẹ thì thiếu máu và thai nhi thì thiếu dinh dưỡng cho phát triển.
Lời khuyên của thầy thuốc
Cơ thể người phụ nữ mang thai có nhiều đặc điểm sinh lý thay đổi so với lúc bình thường, vì vậy, quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa của thuốc vào cơ thể cũng thay đổi. Việc thai phụ sử dụng thuốc kháng sinh phải luôn theo chỉ định của thầy thuốc (uống thuốc đúng liều lượng và đủ thời gian), chỉ ngừng thuốc khi bệnh đã khỏi hoàn toàn, tránh tuyệt đối việc sử dụng tùy tiện và lạm dụng thuốc kháng sinh gây ra những chủng vi khuẩn lờn thuốc.
DS. Nguyễn Thanh Hoài
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Để viêm âm đạo do nấm không tái phát
Bổ sung probiotics làm giảm độc tính kim loại nặng
Xử trí một số tai nạn mắt tại nhà
Đánh giá