Bóng sinh và phương pháp "ngồi bóng" khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và người ta đã ghi nhận những hiệu quả thiết thực đối với phụ nữ trong thai kỳ.
Bóng sinh tương tự như bóng được sử dụng trong các phòng vật lý trị liệu, có thể hình dung đó là phiên bản lớn hơn một chút của bóng tập gym giúp bà bầu dùng để tập thể dục, ngồi thoải mái và tập các tư thế cho quá trình chuyển dạ.
1. Hiệu quả của phương pháp ngồi bóng với phụ nữ mang thai
Ngồi bóng là một trong những liệu pháp mang lại hiệu quả cao giúp phụ nữ mang thai giảm đau và căng thẳng. Nhờ đó:
- Giảm áp lực lên cột sống, đáy chậu và đùi.
- Hỗ trợ mẹ và tạo tư thế tốt cho thai nhi.
- Tăng lượng máu lưu thông đến tử cung.
- Giúp mở rộng xương chậu và hông. Giảm bớt sự khó chịu, căng thẳng khi cơn đau kéo đến.
- Ngoài ra, việc ngồi bóng có thể giúp mẹ bầu chuyển dạ hiệu quả, thậm chí có thể rút ngắn thời gian chuyển dạ.
Ngồi bóng là một trong những liệu pháp mang lại hiệu quả cao giúp thai phụ giảm đau và căng thẳng.
2. Yêu cầu về bóng tập
Có 2 loại bóng là bóng tròn và bóng hình hạt đậu. Bóng tập cần đảm bảo theo tiêu chí:
- Có độ đàn hồi cao, chịu lực tốt, có kích cỡ lớn, làm từ nhựa dẻo. Bóng được làm từ vật liệu đặc thù chống nổ để đảm bảo trong trường hợp bị thủng khí sẽ thoát ra từ từ tránh nổ đột ngột.
- Bề mặt được thiết kế chống trơn trượt giúp phụ nữ mang thai không bị ngã xuống sàn.
- Thường kích cỡ bóng tập hữu dụng với mẹ bầu có thể đạt chiều cao từ 55cm, 65cm và 75cm tùy thuộc vào chiều cao của sản phụ.
- Thông thường, một quả bóng có thể chịu lực được 300kg và bóng phát huy trên nền cứng ở nhà hoặc trong bệnh viện.
3. Tư thế ngồi bóng thế nào?
Khi bắt đầu tập ngồi bóng, thai phụ cần được sự hướng dẫn của các bác sĩ hoặc kỹ thuật viên, nữ hộ sinh để bảo đảm tập đúng phương pháp và an toàn trong quá trình tập.
Các tư thế ngồi bóng nên được tiến hành tập, bóng được đặt trên thảm Yoga. Để thực hiện phương pháp ngồi bóng trong chuyển dạ, thai phụ cần ngồi dạng chân trên bóng tập, tay vịn vào thành giường (hay tường) để giữ thăng bằng. Sau đó, nhẹ nhàng di chuyển phần khung chậu qua lại hai bên theo hướng trước-sau được sử dụng phổ biến trên sản phụ đã nhập viện theo dõi chuyển dạ.
Tập bóng ở tư thế ngồi:
- Ngồi dạng hai chân trên bóng tập hai tay vịn vào thành giường.
- Di chuyển nhẹ nhàng sang hai bên hoặc theo hai hướng trước sau.
- Bài tập tiếp tục với thao tác xoay hông theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
Tập bóng ở tư thế đứng:
- Đặt bóng trên giường, trên sàn hoặc ôm và chọn cho mình tư thế an toàn, phù hợp.
- Đưa người sang hai bên, lên trước sau hoặc xoay theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại.
Lưu ý, thời gian ngồi bóng từ 20 phút trở lên hoặc kéo dài 1-2 giờ tùy theo sức khỏe người mẹ.
Ngồi bóng có thể rút ngắn quá trình chuyển dạ.
4. Vì sao "ngồi bóng" chưa được hưởng ứng từ phụ nữ mang thai?
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, sản phụ thường chủ động đưa ra mong muốn, nguyện vọng về cuộc sinh đẻ của bản thân. Họ chủ động yêu cầu được vận động ngồi bóng bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là do họ có kiến thức và hiểu về phương pháp này. Nhờ đó, thao tác đúng kỹ thuật, tích cực vận động với sự quyết tâm, kiên trì thực hiện thao tác cao. Ngoài ra, chồng hay người thân luôn đồng hành, động viên, hỗ trợ tinh thần sản phụ.
Tuy nhiên, ở nước ta, phương pháp ngồi bóng vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng của phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do:
- Mẹ bầu lo sợ vận động ngồi bóng sẽ làm vỡ ối, ảnh hưởng đến thai nhi.
- Động tác làm còn rụt rè, lực làm yếu chưa đúng kỹ thuật.
- Sợ quả bóng to, chân khó cử động, dễ mệt mỏi nên tập không đủ thời gian tối thiểu.
- Chồng, người thân, người chăm sóc phụ nữ mang thai chưa thực sự ủng hộ phương pháp trên với lo ngại em bé sẽ bị tác động không tốt.
- Các mẹ bầu thường ăn nhẹ trước cuộc sinh nên không đủ sức để trải qua cuộc chuyển dạ kéo dài, do đó, dễ nản chí và tập theo phương pháp được ít.
5. Làm thế nào áp dụng phương pháp ngồi bóng vào thực tiễn?
Để phương pháp "ngồi bóng" đi vào thực tiễn đời sống gần gũi hơn nói riêng và được áp dụng phổ biến trong chuyển dạ cần:
- Tổ chức các lớp tuyên truyền, giảng dạy về phương pháp vật lý "ngồi bóng" ngay từ trong cấp học trung học phổ thông.
- Nâng cao hiểu biết về sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên qua các bài giảng, buổi sinh hoạt tập thể.
- Phụ nữ mang thai ngay từ những ngày đầu tiên của thai kỳ đã cần được tư vấn, cung cấp thông tin về phương pháp này.
- Tăng cường tuyên truyền, phát các tờ rơi, áp phích giới thiệu về ngồi bóng trong các shop bán hàng sơ sinh, các lớp tiền sản được dạy tại sơ sở của shop.
- Tích cực tổ chức các lớp tập huấn tập thể thực hành vào các thời điểm phù hợp với thai phụ và thai nhi, bảo đảm sự phát triển an toàn của thai nhi.
- Khuyến khích phụ nữ mang thai đưa người thân, chồng tham gia vào các khóa đào tạo tại các bệnh viện.
- Nhờ nhân viên y tế hỗ trợ tư vấn khi người thân vẫn chưa hiểu rõ, ủng hộ thực hành phương pháp.
- Đặc biệt các thao tác kỹ thuật không quá khó, phụ nữ mang thai có thể chủ động, thuận tiện về thời gian, địa điểm khi thực hành phù hợp với hoàn cảnh sinh hoạt của từng cá nhân.
- Nâng cao, tập huấn đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, địa phương, bệnh viện.
Sưu tầm
Theo SKĐS
Đánh giá