1. Vì sao phụ nữ mang thai dễ bị viêm lợi?
Có rất nhiều thay đổi bạn phải trải qua khi mang thai, vì vậy sức khỏe răng miệng có thể không phải là vấn đề nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, viêm lợi là một nguy cơ có thể gây khó chịu, thậm chí phá hủy răng của bạn.
Nướu răng hay còn gọi là lợi, là một bộ phận nằm dưới và bao quanh chân răng. Nướu răng cũng là nơi dễ bị tổn thương nhất.
Có một mối liên hệ trực tiếp giữa việc mang thai và chảy máu nướu răng. Viêm lợi khi mang thai là do sự gia tăng nồng độ estrogen và progesterone. Đây là những hormone cần thiết giúp thai nhi tăng trưởng và phát triển, nhưng chúng cũng gây ra nhiều thay đổi cho cơ thể.
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm tăng lưu lượng máu đến mô nướu và khiến nướu của bạn nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng và sưng tấy.
Những thay đổi nội tiết tố này cũng cản trở phản ứng bình thường của cơ thể đối với vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng răng miệng. Điều này dễ khiến mảng bám tích tụ trên răng khiến bạn dễ bị viêm lợi.
2. Viêm lợi khi mang thai có ảnh hưởng gì?
Các triệu chứng chính của viêm lợi là lợi sưng đỏ và/hoặc chảy máu khi đánh răng hoặc chảy máu tự nhiên không do kích thích. Bạn cũng có thể nhận thấy hơi thở có mùi hôi, thậm chí ngay cả sau khi đánh răng.
Nướu bị sưng khi mang thai có thể bị đau và dễ bị chảy máu hơn. Mức độ nghiêm trọng của viêm lợi thường tăng lên trong khoảng 3 tháng giữa của thai kỳ.
Chưa có bằng chứng nào cho thấy tình trạng viêm lợi có thể gây hại cho sức khỏe thai nhi nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc răng miệng đúng cách, lớp lợi bên trong và xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giắt vào và có thể gây nhiễm trùng.
Khi mảng bám răng tích tụ ngày càng nhiều dưới vòm lợi, hệ thống miễn dịch của cơ thể lại càng phải gắng sức chiến đấu chống lại vi khuẩn. Và như thế các độc tố kháng vi khuẩn và các chất enzym trong cơ thể được sản sinh ra sẽ dần phá hủy hàm và các mô liên kết có tác dụng định vị, giữ cho răng chắc chắn.
Khi viêm quanh răng thì tổ chức dây chằng xung quanh răng sẽ giãn rộng, cảm giác răng lung lay, lợi sẽ bị tụt xuống làm cho chân răng lộ ra ngoài, những lỗ hổng này càng sâu, răng không còn chỗ bám nữa, sẽ trở nên lỏng lẻo và cuối cùng bị rụng mất.
Đã có nghiên cứu cho thấy ở những phụ nữ mang thai bị viêm nha chu thì có nhiều khả năng sinh non hoặc trẻ sơ sinh có cân nặng lúc sinh thấp hơn những phụ nữ có nướu răng khỏe mạnh.
3. Làm gì khi có biểu hiện viêm lợi?
Phụ nữ mang thai nếu có dấu hiệu bị viêm lợi cần đến bác sĩ chuyên khoa răng khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Trước tiên, người bệnh cần lưu ý chăm sóc răng miệng thật tốt bằng cách: Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày. Nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm có thể ít gây kích ứng nướu hơn.
Súc miệng bằng nước muối sinh lý ấm thường xuyên. Nước muối sinh lý có thể giúp làm dịu chỗ viêm, giảm đau, giảm tình trạng nhiễm khuẩn, loại bỏ thức ăn thừa và cải thiện mùi hơi thở.
Nếu tình trạng viêm lợi có biểu hiện nghiêm trọng, có thể người bệnh cần sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau… theo chỉ định của bác sĩ.
4. Cách phòng bệnh viêm lợi khi mang thai
Tuy không thể làm gì để thay đổi được nồng độ hormone trong thai kỳ, nhưng bạn có thể thực hiện các bước khác để ngăn ngừa viêm lợi.
Cách tốt nhất mà bạn có thể làm để phòng ngừa viêm lợi khi mang thai là:
- Bảo vệ sức khỏe răng miệng bằng cách đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần. Sử dụng bàn chải mềm, nên đánh răng theo vòng tròn.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn những thực phẩm gây hại men răng, nướu răng và gây sâu răng như thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, nhiều tinh bột chế biến… Mức độ cao của tinh bột và đường trong thức ăn làm tăng lượng axit trong miệng. Những chất này làm mòn men răng, làm tăng nguy cơ bị sâu răng và các bệnh về nướu lợi.
- Hạn chế các loại đồ ăn cay nóng như ớt hay các loại đồ uống có cồn như bia, rượu…
- Không ăn thức ăn quá cứng và khi ăn nên nhai kỹ để tránh tổn thương nướu răng.
- Súc miệng, đánh răng sau khi ăn thức ăn dính, ngọt bám trên răng như bánh ngọt, kẹo dẻo, trái cây sấy khô…
- Bỏ hút thuốc lá.
- Nên khám răng định kỳ phát hiện sớm tổn thương răng lợi để điều trị kịp thời.
Đánh giá