Corticoid bôi tại chỗ
Corticoid là một loại thuốc chống viêm mạnh, hiệu quả nhanh nhưng cũng chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, dễ gây lệ thuộc thuốc và hiệu ứng phản hồi. Do vậy, khi ngừng thuốc có thể gây tình trạng toàn phát, kịch phát, mụn trở lại và nặng hơn.
Các loại thuốc dùng ngoài có chứa corticoid dạng cream, thuốc mỡ như: cortibion, synalar, halog, flucinar, diprosone... cho ra tác dụng tức thời làm nhiều người rất thích và ngộ nhận như da mịn, láng hơn, trắng hơn. Trong thời gian đầu sử dụng thuốc dùng ngoài có chứa corticoid, mụn giảm nhanh chóng nhưng sau một thời gian là một loạt tác dụng ngoại ý xảy ra, hệ thống bảo vệ da bị yếu đi, trứng cá xuất hiện trở lại với tình trạng nặng nề hơn hoặc bị mụn đỏ, mụn li ti, teo da, rạn da, tăng tiết bã nhờn, giãn mạch máu, làm tổn thương da mặt...
Kháng sinh
Vi khuẩn chính gây nên mụn trứng cá đỏ là Propionibacterium acnes (P.acnes). Ban đầu, kháng sinh tiêu diệt được một lượng lớn vi khuẩn nhưng vẫn còn một lượng nhỏ chưa bị diệt nằm sâu trong các nang lông. Vi khuẩn này có thể bị đột biến và có khả năng vô hiệu hóa lại các kháng sinh đó. Do đó, da sẽ quay về tình trạng ban đầu: mụn, viêm mủ, sưng đỏ.
Không lạm dụng corticoid bôi mụn trứng cá đỏ.
Điều trị kháng sinh bằng đường uống trong một thời gian dài cũng sẽ làm mụn trứng cá bị nặng hơn, gây rối loạn một số chức năng trong cơ thể. Kháng sinh diệt khuẩn đồng thời cũng diệt luôn một số lợi khuẩn như acidophilus - loại có tác dụng làm khỏe, làm sạch tế bào da. Một trong những tính năng của lợi khuẩn là bảo vệ đường tiêu hóa, ngăn ngừa nhiễm ký sinh trùng và nấm. Dùng kháng sinh dài hạn để điều trị mụn trứng cá gây áp lực lên chức năng chuyển hóa của gan, đây chính là một trong những cơ quan quan trọng nhất để thanh thải độc tố, cải thiện làn da.
Vitamin A
Vitamin A acid (retinoid acid hay RA) thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, đặc biệt với trứng cá mụn mủ nặng, dai dẳng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu khuyến cáo thì không được lạm dụng nó mà cần phải cân nhắc khi tiến hành điều trị vì vitamin A acid có một số tác dụng phụ nguy hiểm như sau:
Khi dùng quá liều có thể gây quái thai cho phụ nữ sinh đẻ muốn có con hoặc đang mang thai.
Vitamin A có thể gây khô da, bong tróc da, rối loạn tuyến bã nhờn. Vì vậy, người sử dụng vitamin A acid nhiều khiến tuyến bã nhờn hoạt động kém đi dẫn đến tình trạng da khô, dễ bị mụn, dễ bị nhiễm khuẩn hơn hoặc tuyến bã nhờn hoạt động quá mức khiến da mặt luôn bóng nhờn.
VitaminA acid còn khiến da bị nhạy cảm với ánh sáng. Do đó, da dễ bị thâm sạm do nắng, nhiều trường hợp bị nám mảng, nám đốm trên diện rộng.
Vitamin A acid còn ảnh hưởng đến gan, làm tăng men gan.
Chính vì những tác dụng không mong muốn trên mà hiện nay sử dụng vitamin A acid điều trị mụn trứng cá bị hạn chế. Khi bị trứng cá đỏ, có thể sử dụng vitamin A từ nguồn thiên nhiên như: các loại rau cải có lá xanh, các loại trái cây có chứa beta caroten (cà chua, gấc, đu đủ cà rốt...) với một lượng thích hợp sẽ cải thiện tốt cho làn da.
Bỏ thói quen làm tăng mụn trứng cá
Ngoài các thuốc trên, người bị mụn trứng cá đỏ cần bỏ các thói quen có hại như hút thuốc. Ngoài các tác hại trên phổi, tim mạch... thì hút thuốc còn là nguyên nhân lão hóa tế bào da, làm cho các mao mạch dưới da dễ bị tổn thương, lấy đi các dưỡng chất cần thiết để tái tạo và duy trì các tế bào da khỏe mạnh, gây ra mụn trứng cá.
Đối với nam giới, nên sử dụng dao cạo râu đúng cách, dùng dao cạo sắc, 1 lần để tránh làm tổn thương da dẫn đến tình trạng trứng cá nặng hơn, nguy cơ trở thành trứng cá bội nhiễm nếu không có cách khắc phục sớm. Trước khi cạo râu, cần sử dụng loại kem, lotion chuyên dụng để làm mềm sợi lông. Cẩn thận khi dùng các loại kem có nguồn gốc từ dầu vì có thể tạo mụn nhiều hơn nữa. Nếu không sử dụng kem sẽ tạo ra độ ma sát lớn làm cho da dễ bị tổn thương gây viêm lỗ chân lông, vi khuẩn tích tụ làm cho trứng cá nặng nề hơn. Khi cạo râu, cần chú ý tránh các vùng da đang bị mụn trứng cá.
Không dùng tay bóp, nặn trứng cá vì nếu tay không sạch sẽ khiến da dễ nhiễm khuẩn nặng hơn. Việc nặn mụn không đúng cách cũng sẽ làm phá vỡ các nang lông, mủ và nước vàng chảy ra làm mụn tấy lên, tấn công sang các vùng da khác, để lại các vết thâm... Ngoài ra, mụn trứng cá có thể mọc ở nơi có nhiều dây thần kinh, tự ý lấy tay nặn, bóp trứng cá có thể gây biến chứng.
DS. Bùi Ngọc Lan Hương
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Top 10 mẹo trị bỏng đơn giản mà hiệu quả bất ngờ
Bí quyết tạm biệt đôi môi xỉn màu
Đánh giá