07 January, 2014 0 nhận xét Nhận xét
12 cách dưới đây giúp khuyến khích trẻ ở mọi lứa tuổi biết cư xử tốt hơn
1. Trẻ con cư xử theo người lớn. Trẻ nhỏ thường quan sát người lớn để biết cách cư xử trong cuộc sống, vì thế, bạn hãy là người làm mẫu, dùng chính hành động của mình để dạy bé. Những việc bạn làm thường quan trọng hơn nhiều so với những điều bạn nói. Nếu bạn muốn con nói từ “làm ơn”, bản thân bạn hãy thường dùng từ đó trước. Nếu bạn không muốn con cao giọng khi nói chuyện, hãy luôn giữ giọng nói của mình ở mức vừa phải.
2. Giữ lời hứa. Khi bạn giữ lời hứa của mình, dù là tốt hay xấu, con bạn sẽ tin tưởng và tôn trọng bạn. Vì thế, khi bạn đã hứa sẽ đi bộ cùng con sau khi con dọn dẹp đồ chơi, hãy chắc rằng bạn đang chuẩn bị giày đi bộ. Khi bạn nói bạn sẽ rời thư viện nếu con cứ chạy loanh quanh, hãy sẵn sàng đứng lên khi con không nghe lời. Không cần phải làm ầm lên, hãy nhớ rằng, hành động càng bình tĩnh càng tốt.
3. Hạ mình xuống tầm của con. Quỳ xuống hay ngồi xổm cạnh con là một phương pháp tốt để giao tiếp tích cực với con. Gần con cho phép bạn biết con đang nghĩ gì hay cảm thấy thế nào. Đồng thời nó cũng giúp con tập trung vào điều bạn đang nói hay đang yêu cầu con thực hiện. Nếu bạn gần con và được con chú ý, bạn sẽ không cần phải bắt con nhìn vào mình.
4. ‘Mẹ nghe con.’ Lắng nghe tích cực là một phương pháp khác giúp trẻ nhỏ xử lí cảm xúc của mình tốt hơn. Thông thường trẻ nhỏ rất hay bực mình, đặc biệt là khi chúng không thể thể hiện mình qua lời nói. Vì thế, khi bạn nhắc lại với con những gì bạn nghĩ về cảm xúc của con, điều đó sẽ giúp giải tỏa phần nào sự căng thẳng của con và làm con thấy được tôn trọng và an ủi. Nó có thể giúp làm tan đi nhiều cơn thịnh nộ tiềm ẩn.
5. Khen con đúng lúc. Điều này đơn giản có nghĩa là khi con bạn cư xử theo cách bạn thích, bạn có thể đưa ra những phản hồi tích cực, chẳng hạn như, “Ôi, con chơi ngoan quá. Mẹ vui khi con giữ tất cả đồ chơi lên bàn như thế’. Như thế sẽ có tác dụng hơn là “đợi” đồ chơi rơi xuống sàn nhà trước khi bạn phát hiện thấy và hét lên, “Này, dừng lại đi!”. Những phản hồi tích cực kiểu như thế còn được gọi là ‘khen ngợi miêu tả’. Hãy cố gắng nói sáu phản hồi tích cực (bao gồm khen ngợi và khuyến khích) cho mỗi một lời phê bình tiêu cực (bao gồm phê phán và quở trách). Cũng quan trọng khi nhớ rằng trẻ sẽ tìm cách lôi kéo phản hồi tiêu cực của bạn nếu trẻ chỉ còn một lựa chọn khác là không hề có sự quan tâm, chú ý nào.
6. Khôn khéo chọn lúc dạy con. Trước khi can thiệp vào bất cứ việc gì con đang làm, bạn nên tự hỏi mình xem có thực sự quan trọng không. Biết hạn chế đến mức tối thiểu những kiểu giảng giải, yêu cầu hay phản hồi tiêu cực, bạn sẽ tạo ít mâu thuẫn và cảm giác khó chịu hơn. Quy tắc là quan trọng, nhưng hãy để dành chúng cho những điều quan trọng.
7. Nói với bé thật đơn giản. Nếu bạn có thể đưa ra cho con những hướng dẫn rõ ràng với ngôn ngữ dễ hiểu, bé sẽ hiểu ra bạn mong đợi ở bé điều gì. (‘Hãy nắm tay mẹ khi mẹ con mình sang đường nhé’).
8. Trách nhiệm và kết quả. Khi con lớn dần lên, bạn có thể từ từ giao cho con trách nhiệm đối với hành vi cư xử của chính mình và cho con cơ hội được trải nghiệm những kết quả tự nhiên của hành vi cư xử đó. Bạn không phải luôn luôn là người xấu. Chẳng hạn như, nếu con quên không để đồ ăn trưa vào túi đi học, bé sẽ bị đói. Chính nhờ cái đói bé phải chịu cùng với hậu quả này sẽ giúp bé sửa chữa để không bị đói thêm lần nào nữa. Đôi khi, với mong muốn dành cho con những điều tốt nhất, chúng ta làm hết mọi việc cho con và không cho con cơ hội được tự học cho chính mình. Tuy vậy, thỉnh thoảng cha mẹ cũng nên cho con gánh chịu hậu quả cho hành vi cư xử không được ngoan của mình. Các trường hợp này sẽ có hiệu quả nhất khi bạn đã giải thích cho con về hậu quả bé sẽ phải chịu và con bạn đã đồng ý với điều đó từ trước rồi.
9. Nói một lần thôi và hành động. Cằn nhằn và chỉ trích sẽ làm bạn nhàm chán và cũng không có tác dụng. Con bạn cuối cùng sẽ phớt lờ những điều bạn nói. Vì thế, nên tránh những lời hăm dọa không đâu. Con bạn sẽ nhanh chóng hiểu ra và lờ chúng đi. Cách tốt nhất là hãy để con biết bạn nghĩ gì một lần, sau đó hãy hành động để xác định giới hạn hay quy tắc của ứng xử.
10. Làm cho con cảm thấy mình quan trọng. Trẻ nhỏ rất thích khi được đóng góp cho gia đình. Vì thế, hãy bắt đầu cho bé làm vài việc nhà đơn giản để bé có thể đóng góp phần quan trọng của riêng mình giúp đỡ gia đình. Điều này sẽ làm bé cảm thấy mình quan trọng, và bé sẽ thấy thật đáng tự hào khi giúp đỡ người khác. Nếu bạn cho con được thực hành một việc nhiều lần, bé sẽ giỏi hơn về việc đó, và sẽ tiếp tục cố gắng. Các công việc an toàn giúp trẻ nhỏ cảm thấy có trách nhiệm, xây dựng sự tự tin cho bé, đồng thời cũng giúp chính bạn nữa.
11. Chuẩn bị cho những tình huống phức tạp. Có những trường hợp thật khó khăn để có thể vừa trông nom con cái vừa làm được những việc mình cần. Nếu bạn nghĩ trước về những tình huống phức tạp này, bạn có thể lên kế hoạch trước về nhu cầu của con và nói với con tại sao bạn lại cần bé hợp tác. Khi đó bé sẽ được chuẩn bị cho những gì bạn mong đợi.
12. Giữ khiếu hài hước. Một cách giúp giải tỏa căng thẳng và mâu thuẫn khác là sử dụng khiếu hài hước. Bạn có thể giả vờ làm con quái vật đáng sợ hay làm âm thanh động vật. Tuy vậy, nên nhớ rằng, hài hước chế nhạo cũng không tốt; trẻ nhỏ thường dễ bị tổn thương vì cha mẹ trêu chọc. Những hành động hài hước làm cả hai cùng cười sẽ rất tốt.
Theo raisingchildren.net.au
Dịch bởi MedShop.vn
Các bài gần đây
11 sự thật cha mẹ nên biết về não bộ của trẻ sơ sinh
10 điều giúp bạn trở thành ông bố tuyệt vời khi mới có con đầu lòng
9 cách kì lạ trẻ có thể bị thương
6 sai lầm nghiêm trọng khi cho con ngủ của các bậc phụ huynh và cách phòng tránh
8 khác biệt giữa bé trai và bé gái
Tám loại thực phẩm giúp chống dị ứng
7 lợi ích từ rễ maca với nữ giới
Đánh giá