06 July, 2012 0 nhận xét Nhận xét
Bạn có thể giúp trẻ hình thành thói quen hành vi, ăn uống và hoạt động lành mạnh từ khi bé chào đời. Nếu những thói quen này được hình thành từ sớm như 1 phần của lối sống gia đình – 1 phần tự nhiên theo cách bạn thường làm- bạn sẽ không cần phải dùng tới những nguyên tắc không phổ biến sau này.
Duy trì những thói quen tốt ngay từ đầu sẽ giúp gia đình bạn tránh gặp những vấn đề về lối sống có thể xảy ra sau này, chẳng hạn như tăng cân hay béo phì, tiểu đường tuýp 2, các loại ung thư và vấn đề về huyết áp.
- Tăng cường ăn uống lành mạnh tại nhà. Trẻ có xu hướng phát triển hành vi ăn uống lành mạnh khi trẻ được lựa chọn thức ăn tốt cho sức khỏe tại nhà, vì vậy hãy mua các loại thức ăn bổ dưỡng và chuẩn bị những bữa ăn cũng như các món ăn nhẹ dinh dưỡng cho cả gia đình. Hạn chế tối đa các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe (ví dụ đồ uống có ga, khoai tây chiên, thỏi kẹo và bim bim) trong tủ, có nghĩa là bạn không cần phải cấm trẻ ăn.
- Hãy nhắc nhở bản thân về các nhóm thực phẩm cơ bản, gồm: hoa quả, rau xanh, ngũ cốc, thịt nạc và cá và các loại thực phẩm ít béo từ sữa. Hãy liệt kê thực phẩm cần mua theo nhóm trên để tiện cho việc chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Bạn cũng có thể làm 1 poster về các nhóm thực phẩm này và dán trong bếp hoặc trên tủ lạnh, và có thể cho trẻ cùng tham gia công việc trên với bạn.
- Hãy ý thức về lượng thức ăn và chuẩn bị 1 lượng vừa đủ cho gia đình bạn. Việc chuẩn bị vừa đủ sẽ khiến mọi người không ăn quá nhiều. Trẻ cũng vì thế sẽ lấy lượng thức ăn vừa đủ cho mình.
- Phân biệt giữa thực phẩm “hàng ngày” và “thỉnh thoảng”. Thực phẩm hằng ngày nằm trong nhóm thực phẩm lành mạnh trong khi đó những thực phẩm thỉnh thoảng dùng sẽ không thực sự tốt cho cơ thể. Đó có thể là những loại thực phẩm nhiều chất béo hoặc nhiều đường và không chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Bạn có thể sẽ thích loại thức ăn này nhưng chỉ thỉnh thoảng ăn. Hãy nói cho trẻ biết sự khác nhau giữa 2 loại thực phẩm này.
- Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Ăn uống lành mạnh không chỉ là việc lựa chọn loại thực phẩm mà còn là việc ăn uống đều đặn, theo cách thông thường. Chẳng hạn, các việc sau là quan trọng:
- Ăn sáng mỗi ngày
- Ăn các bữa và ăn bữa phụ đều đặn mỗi ngày
- Ăn cơm cùng cả nhà trên bàn ăn hoặc khu vực ăn uống hơn là trước màn hình tivi (rất nhiều cha mẹ chọn cách tắt tivi khi dùng bữa)
- Cho trẻ đủ thời gian để ăn uống thoải mái thay vì ăn vội vàng hoặc ăn quá lâu
- Tuyên dương trẻ khi chúng chọn các loại thực phẩm tốt cho cơ thể và nhắc con về lợi ích của việc ăn uống lành mạnh. Cố gắng tránh tranh cãi hoặc gây gổ trong bữa ăn. Bạn khuyến khích việc hình thành thói quen tốt trong ăn uống bằng cách tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn – bạn có thể làm điều này bằng cách phản hồi tích cực lựa chọn của trẻ . Ví dụ có thể nói: “wow, con ăn chuối với bữa sáng ah! Ngon quá!”, hoặc “uống sữa sẽ giúp cho xương của con chắc khỏe đấy”.
Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể cho trẻ tham gia vào việc lựa chọn đồ ăn trưa và bữa ăn phụ cho trẻ để mang theo tới trường. Hãy khuyến khích tự chuẩn bị thức ăn cho mình và bảo trẻ giúp bạn chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Hãy chuẩn bị thực phẩm phong phú, đa dạng để cho trẻ lựa chọn và bạn cũng không phải lo lắng về lựa chọn của con.
- Hoạt động thể chất mỗi ngày. Nhiều người cho rằng năng động có nghĩa là phải chơi thể thao hoặc thực hiện những bài tập nặng, nhưng đó chỉ là 1 cách. Chẳng hạn, khi tới 1 địa điểm gần bạn có thể khuyến khích trẻ đi bộ thay vì bắt ô tô, hay đi dạo với chú chó cưng thay vì xem ti vi và đi cầu thang bộ thay cho đi thang máy tại các trung tâm mua sắm. Bạn hãy làm gương cho trẻ và chọn trở nên năng động để trẻ thấy việc đó thật dễ dàng. Dành chút thời gian để chú ý và nhận xét khi trẻ chọn các hoạt động thể chất mỗi ngày.
Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất mỗi ngày bằng cách nói rằng:
- “Đã tới lúc chơi ngoài trời rồi con yêu”
- “Chú chó nhà mình cần phải luyện tập bắt bóng. Thật tuyệt nếu con có thể ra ngoài và ném bóng cho nó”
- “Đi bộ tới cửa hàng với mẹ nào”
- “Wow, con đang nhảy trên tấm bạt lò xo cũ ah”
- “Con vừa giúp mẹ làm1 việc tuyệt vời, con đã nhổ cỏ trong vườn nhà mình. Thật giỏi”
- “Hôm nay, con đã đạp xe 1 quãng đường dài. Tốt lắm”
- Thích thú với các hoạt động thể chất cùng cả nhà. Gia đình bạn có thể cùng đạp xe hay cả nhà ra công viên chơi trò ném đĩa hoặc đá bóng. Hãy nói về điều này như những hoạt động vô cùng thú vị hơn là luyện tập. Vui chơi ngoài trời sẽ dần trở nên thú vị hơn so với các trò chơi trong nhà, vì vậy hãy dành hầu hết thời gian cho hoạt động ngoài trời.
- Hãy cho trẻ - đặc biệt là trẻ lớn tuổi – cơ hội thử sức với nhiều môn thể thao khác nhau và các cách để trở nên năng động. Việc này bao gồm các hoạt động hoặc các môn thể thao tại trường và hoạt động ngoại khóa. Nếu con bạn hứng thú với môn thể thao hoặc hoạt động nào đó thì trẻ tự sẽ năng động (mặt khác, đôi khi trẻ bị ép buộc tập luyện hoặc tham gia các hoạt động trẻ không thích, điều này sẽ làm hình thành thái độ tiêu cực với hoạt động thể chất nói chung). Hãy ủng hộ trẻ bằng cách xem trẻ chơi và giúp con chơi tốt thông qua việc đưa trẻ đi tập luyện. Đây là sự khuyến khích to lớn và có thể tăng khả năng trẻ tiếp tục tham gia hoạt động đó.
- Hạn chế thời gian ngồi trước màn hình của trẻ, ví dụ như xem ti vi và DVD, chơi game điện tử.
- Khuyến khích trẻ trân trọng giá trị cơ thể hơn là nhìn vào vẻ bề ngoài. Cố gắng không chú ý nhiều tới cân nặng của cơ thể trẻ, ngay cả khi bạn lo lắng về điều đó. Nếu bạn bàn luận về cân nặng với trẻ, hãy dùng những thuật ngữ như “cân nặng khỏe mạnh nhất” hơn là việc dùng từ “béo phì”, “quá cân” hoặc “béo”. Hình ảnh cơ thể lành mạnh đặc biệt quan trọng với teen vì đây là lứa tuổi hay suy nghĩ về ngoại hình bản thân.
- Làm gương. Cha mẹ có lối sống lành mạnh, tích cực hoạt động thể chất sẽ dễ dàng khuyến khích trẻ tạo thói quen giống bạn. Hãy ghi nhớ sức mạnh của việc làm gương cho trẻ. – con bạn sẽ học hầu hết từ những gì bạn làm chứ không phải những gì bạn bảo trẻ làm. Hãy thực hiện nói đi đôi với làm
Medshop.Vn dịch
Theo Raisingchildren
Đánh giá