30 December, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Trên 10 tuổi, các em gái chính thức bước vào một giai đoạn quan trọng, đó là tuổi dậy thì. Với hầu hết các em gái, giai đoạn này không dễ dàng. Ngoài sự thay đổi về tâm lý (vui - buồn vô cớ, lo âu, dễ xúc động...), các em còn phải đối mặt với những thay đổi về sinh lý khi có kinh nguyệt. Thống kinh, rong kinh - rong huyết... là những bệnh hay gặp ở em gái khi bước vào tuổi dậy thì với các biểu hiện: xanh lướt, mệt mỏi, trí nhớ sút kém...
Người lớn cần quan tâm chăm sóc trẻ gái tuổi dậy thì
Thống kinh: Là triệu chứng đau quặn thắt ở vùng bụng dưới (kèm thêm đau lưng, nhức đầu, tiêu chảy) khi hành kinh. Có khoảng 60-70% em gái trong 3 năm đầu dậy thì bị triệu chứng này. Nguyên nhân gây thống kinh là do niêm mạc tử cung tiết ra nhiều prostaglandin trong ngày hành kinh, đặc biệt là trong 48 giờ đầu (trường hợp này gọi là thống kinh nguyên phát); do thiếu vi chất hoặc do các bệnh lý khác (gọi là thống kinh thứ phát). Thống kinh không nguy hiểm nhưng nó khiến các em thấy đau đớn, mệt mỏi, lo lắng và thiếu tự tin. Những trường hợp bị thống kinh nặng, nhiều cô bé phải nghỉ học, thậm chí phải dùng các thuốc hormon nữ progesteron, estrogen, thuốc kháng viêm không steroid... làm cho sự phát triển của niêm mạc tử cung kém đi, ức chế sự tổng hợp prostaglandin dẫn đến làm giảm đau; thuốc hướng cơ làm giảm co thắt để giảm đau. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ mất đi khi hệ nội tiết hoạt động ổn định hơn.
Rong kinh, rong huyết: Rong kinh là hành kinh kéo dài hơn 1 tuần. Rong huyết là hiện tượng ra huyết ở bộ phận sinh dục không phải do kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần. Khi kinh nguyệt kéo dài, máu kinh không đông, lượng máu ra nhiều vào giữa đợt có kinh, rong kinh kéo dài hơn 15 ngày, gọi chung là rong kinh - rong huyết. Sở dĩ có tình trạng này là do khi mới vào tuổi dậy thì, hoạt động của hệ nội tiết chưa ổn định như estrogen tăng cao nhưng lại không có hiện tượng phóng noãn; progesteron không được tiết ra cân đối với estrogen. Tất cả khiến cho nội mạc tử cung dày lên mãi nhưng mạch máu không tăng trưởng kịp, không đủ máu nuôi dưỡng, bị hoại tử, bong ra từng mảng nhỏ, gây chảy máu dài.
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho bé tuổi dậy thì.
Những trường hợp bị rong kinh - rong huyết nhẹ (máu không ra nhiều và không có hiện tượng thiếu máu) thì không cần điều trị, vì sau một vài chu kỳ, khi nội tiết hoạt động ổn định, hiện tượng này sẽ hết. Trường hợp rong kinh - rong huyết ở mức độ trung bình (máu ra không nhiều, nhưng thiếu máu) thì phải dùng thuốc có chứa estrogen và progesterone giúp cho chu kỳ kinh nguyệt ổn định. Trường hợp rong kinh - rong huyết ở mức độ khá nặng (máu ra nhiều, thiếu máu) thì vẫn dùng thuốc có chứa estrogen và progesteron, nhưng dùng liều gấp đôi. Nếu rong kinh - rong huyết nặng (máu ra nhiều gây mất máu cấp tính), phải tới bệnh viện để theo dõi và tiêm estrogen hay uống estradiol để làm ngừng sự chảy máu cấp. Tất cả các trường hợp phải dùng thuốc nội tiết nói trên phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thiếu máu nhược sắc: Khoảng 20-25% thiếu nữ bị thiếu máu nhược sắc hay còn gọi là “chứng xanh lướt thiếu nữ”. Đó là biểu hiện của chứng thiếu máu do thiếu sắt. Ở tuổi vị thành niên, nhu cầu sắt ở thiếu nữ vào khoảng 2,4ml/ngày (gấp đôi bé trai). Tuy nhiên, do chế độ dinh dưỡng không cân đối, thậm chí thiếu chất, cộng với sự mất máu khi có kinh nguyệt khiến các cô bé bị mất chất sắt. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới thiếu máu. Những em gái có vấn đề bất thường về kinh nguyệt như đã nêu trên thì tình trạng thiếu máu do thiếu sắt càng nặng hơn nữa. Chứng thiếu máu nhược sắc còn do các bệnh đường ruột, do bị nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc (80-100% lứa tuổi học sinh bị nhiễm giun).
Để phòng tránh chứng thiếu máu nhược sắc, các em gái cần tẩy giun theo định kỳ; điều trị tốt chứng thống kinh, rong kinh - rong huyết (nếu có). Đặc biệt, các em cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng như ăn uống đủ chất, không bỏ bữa, bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất sắt và vitamin C (vì vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn) trong bữa ăn, nhất là ở giai đoạn có kinh nguyệt. Nên bổ sung thêm thuốc chứa chất sắt phối hợp với acid folic (rất cần cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này).
Lời khuyên của thầy thuốc
Ở lứa tuổi dậy thì, cần cung cấp thêm những thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, iốt. Canxi giúp phát triển khối xương, có nhiều trong sữa, sản phẩm từ sữa, tôm tép, đậu hũ và rau xanh. Việc nhận đủ canxi ở giai đoạn dậy thì không chỉ giúp trẻ phát triển chiều cao, tăng độ chắc xương mà còn giảm nguy cơ gãy xương khi về già. Kẽm cần thiết cho sự phát triển khối cơ và hệ sinh dục; có nhiều trong thực phẩm giàu đạm (thịt gia cầm, trứng, sữa...) và ngũ cốc nguyên hạt. Sắt cần cho sự tạo máu và sự hình thành myoglobin ở cơ bắp. Nam cần sắt nhiều hơn nữ để phát triển khối cơ, tuy nhiên, vì nữ bắt đầu có hiện tượng mất máu sinh lý hằng tháng qua chu kỳ kinh nguyệt nên nhu cầu sắt bổ sung ở nữ lại cao hơn. Sắt có nhiều trong gan, tiết, thịt, cá, trứng và rau xanh. Sắt trong thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ dễ hấp thu hơn thực vật. Thiếu iốt dẫn đến bệnh bướu cổ, trí tuệ không phát triển, bị thấp lùn, làm não bị tổn thương, học tập thụ động dẫn đến trì trệ, giảm tiếp thu.
BS. Thanh Hà
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Thay đổi sinh lý ở bạn gái dậy thì
Một số tai biến thường gặp khi mang thai trước 18 tuổi
Đánh giá