29 September, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Chơi với con
Chơi đùa là một trong những điều tốt nhất bạn và con có thể làm cùng nhau. Đó là cách con bạn hình thành và phát triển bản thân và vị trí của mình trong cuộc sống.
Các trò chơi của trẻ dưới 1 tuổi
Gây ồn cùng nhau. Nhẹ nhàng gõ nồi, xoong, hát các bài hát vui nhộn, (xem Karaoke trẻ em để có thêm ý tưởng), bắt chước tiếng động vật (‘Bò kêu ‘Moooooo”).
Bắt đầu đọc sách. Trẻ nhỏ dùng sách để nhai, chơi khi tắm, khám phá chất liệu mới, và đôi khi còn xem. Bằng cách đọc sách cùng con thường xuyên, con bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng đọc sách là cách lí tưởng để mẹ con bên nhau.
Thám hiểm an toàn. Hãy tạo ra những nơi an toàn trong nhà nơi con bạn có thể khám phá thế giới của mình và thực hành những kĩ năng như ngồi, bò, nhổm người, mở ngăn kéo, nhặt đồ, ném đồ, cho đồ vào miệng, và cuối cùng là, tập đi.
Chơi các trò chơi đơn giản. Các trò chơi như vỗ tay theo nhịp điệu, ú òa, và ‘con lợn con đi chợ’ thực sự mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ. Đồng thời, chúng cũng giúp rất nhiều cho kĩ năng học và vận động của bé. Hãy cù vào bụng bé và chỉ cho bé cách lè lưỡi trêu chọc. Té nước cùng nhau khi tắm trong ngày ấm áp. Cho cúc áo vào lọ nước ép trái cây đã dùng để làm cái lúc lắc. Bạn có thể làm cho danh sách trò chơi này dài hơn tùy theo trí tưởng tượng của mình.
Ghép hình. Bạn có thể giúp trí tưởng tượng của con phát triển từ từ bằng cách cho con chơi những mẩu thừa lặt vặt. Thử dùng 1 hộp nhiều mảnh vải có màu và một vài hộp carton.
Tivi không được khuyến cáo cho trẻ dưới 2 tuổi. Nếu bắt buộc phải bật tivi, hãy cố gắng hạn chế thời gian xem của con đến khoảng 10 phút/ngày, và cho con xem các chương trình mang tính giáo dục, thân thiện với trẻ em như PlaySchool.
Sự vui chơi của trẻ nhỏ bắt đầu từ khi nào?
Trẻ nhỏ bắt đầu vui chơi từ khi chào đời. Khi con bạn sinh trưởng và phát triển, sự vui chơi thay đổi từ hình thức bạn chơi cùng con, tới hình thức con bạn từ từ học cách chơi với đồ vật và – cuối cùng là – các bạn khác.
Con học như thế nào
Mọi thứ đều mới với con bạn – những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt với chúng ta, nhưng đối với trẻ lại là mới lạ. Vì thế, hãy để con tự khám phá và thấy nhàm chán theo nhịp độ của riêng mình. Bạn có thể từ từ giới thiệu đồ chơi cho con, mỗi lần 1 vật, sau khi con đã khám phá hết cách sử dụng của vật đang chơi. Điều này giúp phát triển kĩ năng học và chú ý của con.
Con bạn vừa nhặt cái xúc xắc lên. Bé chuyển động cánh tay. Cái xúc xắc giật lên và phát ra âm thanh vui nhộn. Bé lại chuyển động bàn tay mình. Cái xúc xắc lại phát ra âm thanh tương tự. Lần này, bé cử động cánh tay với quyết tâm lớn. Cái xúc xắc kêu to hơn. Nhờ thế, bé đã tạo ra sự kết nối thú vị. Bé phát hiện ra rằng khi bé lắc cái xúc xắc, bé có thể tạo ra âm thanh. Bé đã học được rằng bé có thể làm 1 điều gì đó xảy ra. Vì thế, bé biết mình có quyền lực điều khiển một phần thế giới của mình.
Trẻ nhỏ còn học một cách tự nhiên, chẳng hạn như:
- Làm sao để thấy buồn ngủ vào 1 thời điểm trong ngày (điều này dựa trên đồng hồ sinh học của trẻ)
- Làm sao để có những gì mình cần (và, sau này là, những thứ mình muốn)
- Ăn thức ăn như thế nào
- Thở qua miệng như thế nào khi bị nghẹt mũi do cảm lạnh
Khám phá là một trong những cách giúp con bạn học mọi điều trong cuộc sống. Nhiệm vụ của bạn là làm bé an toàn. Điều đó có nghĩa là từ ‘không’ nên được dùng ít nhất có thể khi bé đang đi mò mẫm, vì bạn đã biết cách giữ cho bé an toàn rồi.
Theo raisingchildren.net.au
MedShop.vn dịch
Đánh giá