16 June, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Ở tuổi này, trẻ trở nên rất tò mò với những nhu cầu và đòi hỏi của riêng mình
Bé có thể dành cho bạn rất nhiều điều ngạc nhiên đáng yêu ở tuổi này. Khi bạn sai bé làm việc gì đó, có thể bé sẽ làm ngay lập tức! Ở tuổi này, rất nhiều bé bắt đầu biết điều khiển sự thôi thúc, thay đổi cách ứng xử, và làm những gì cha mẹ bảo, mặc dù tất nhiên là không phải lúc nào cũng như vậy.
Tên gọi cho khả năng tuyệt vời này là sự tự điều chỉnh. Đây là một trong những mốc quan trọng nhất trong cuộc đời con người.
Dưới đây là một số điều cần lưu ý về cách ứng xử của trẻ ở tuổi nhà trẻ:
* Trẻ ở tuổi nhà trẻ thường hay tò mò một cách tự nhiên về thế giới. Bé học bằng cách kiểm tra và thử nghiệm với mọi thứ xung quanh mình. Liên tục bảo con “không” sẽ có thể dội nước lạnh lên tính tò mò tự nhiên này. Bạn nên thử một vài cách khác để thay đổi cách ứng xử của con nếu bạn không muốn như vậy.
* Hãy cho phép con khám phá. Nên cố gắng tạo ra các tình huống mà con có thể khám phá cuộc sống mà ít dùng đến các từ như “không được” hay “không”. Ví dụ như, nếu như bạn không chấp nhận việc con mình thổi bong bóng trong cốc sữa vào giờ ăn trưa, hãy để con ra ngoài sau đó và thổi bong bóng nước. Hãy đặt các vật yêu thích của bạn xa rời tầm với của bé để bạn không phải bảo con không được chạm vào chúng.
* Hãy thực hiện trao đổi. Nếu bé đang mút chiếc khăn yêu thích của bạn, hãy thay thế nó bằng cái khác ít giá trị hơn mà vẫn có hương vị như vậy. (Xem thêm hướng dẫn về cách đánh lạc hướng bé).
* Hãy đưa ra hai lựa chọn. Hầu hết trẻ con thích có được chút quyền năng. Bằng cách đưa ra cho bé hai lựa chọn (cả 2 cái bạn đều hài lòng), bạn có thể dẫn bé đến kết quả mà bạn mong muốn. Vì thế, nếu bạn nghĩ rằng bé cần đi tiểu, bạn có thể hỏi, “Con muốn đi tè bằng bô hay ngồi vào bồn vệ sinh?”
* Hãy thay đổi môi trường. Khi bé muốn “giúp” bạn trong bếp, hãy mang bé xa khỏi lò nóng và đưa cho bé cái thìa gỗ với cái xoong để gõ.
* Hãy cho bé biết bạn cảm thấy thế nào. Nếu bé kéo tóc bạn, hãy thể hiện một khuôn mặt buồn rầu và kêu “ouch”. Nếu bé vẫn tiếp tục làm vậy, hãy quay đi và tách ra một chút. Dùng từ “Mẹ” sẽ có tác dụng, ví dụ như “Mẹ không thích con kéo tóc mẹ đâu.” Bé sẽ nhận ra xúc cảm của bé ở trong bạn, giống như qua chiếc gương, và bé có thể tự cảm nhận cho bạn.
* Tránh việc khen thưởng những cách ứng xử xấu của bé. Sự chú ý của bạn là một phần thưởng có ý nghĩa rất lớn đối với bé. Tránh làm điều này khi bé làm điều gì mà bạn không thích. Đặt bé xuống (nếu bạn đang bế) hay bỏ đi là những cách hay thể hiện sự không quan tâm nếu bé cố tình làm những điều bạn không thích sau khi bạn đã yêu cầu bé dừng lại.
* Hãy giải thích các hậu quả mà ứng xử của bé gây ra để bé có thể khám phá ra điều gì là sai. Điều này giúp bé hiểu tốt hơn về thế giới xung quanh.
* Thay đổi các trạng thái hoạt động của bé một cách cẩn thận. Ở tuổi này, trẻ em có thể thấy rất khó thay đổi từ hoạt động này sang hoạt động khác. Thêm chút thời gian và kế hoạch sẽ có tác dụng hơn. “Con chơi cầu trượt 5 phút nữa rồi mẹ con mình sẽ về”.
Kỷ luật
Thực tế thì từ “kỷ luật” mang nghĩa là “dạy” hơn là “phạt”. Nếu sử dụng các chiến lược trên thì bạn sẽ không cần phải phạt con theo cách “cổ truyền”.
Tát con, dù ở lứa tuổi nào cũng không phải cách phạt có thể chấp nhận được, và cũng không mang lại hiệu quả. Đánh con cũng không làm cách ứng xử của bé trở nên tốt được. Nó có thể tạm dừng cách ứng xử đó lại, trong khi bé đang tìm cách hiểu bạn, song ngay sau đó bé sẽ thấy bối rối khi bé bắt chước lại cách xử sự đó và gặp vấn đề khi đánh người khác. Điều này cũng không mang lại cho bé cơ hội học hỏi về các hậu quả liên quan hay giải quyết vấn đề cho riêng mình. Thay vào đó, nó có thể làm bé thấy sợ hãi, mất an toàn, và không bằng lòng. Một số bậc cha mẹ có thể đánh con vì họ đang cố gắng thoát khỏi căng thẳng và bực bội. Để biết thêm về cách giải quyết căng thẳng cũng như những cảm giác bực bội, hãy đọc thêm "Cảm thấy căng thẳng và Khi bạn cảm thấy mình có thể làm tổn thương con".
Khi nào nên nói “Không”
Thông thường trẻ ứng xử tồi vì chúng biết sẽ thu hút sự chú ý (và đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi, sự chú ý tiêu cực còn hơn không có sự chú ý nào). Vì vậy chú ý quá nhiều đến các ứng xử xấu của bé có thể khuyến khích thêm những ứng xử đó.
Nếu bé nhận thức được cách ứng xử đúng, bé sẽ chỉ tôn trọng bạn nếu bạn làm theo những hậu quả hiển nhiên mà bạn đã đồng ý trước đó. Nếu bé chưa nhận thức được, thì những câu nói kiên quyết như “Không” hay “Dừng ngay việc đó lại” là điều mà con bạn nên hiểu, nhưng nên hạn chế những câu nói này cho đến khi thực sự cần hay trong những trường hợp nguy hiểm. Lần gần đây, mặc dù con bạn có thể vừa đi vừa nói, và mặc dù bé dừng lại lề đường khi bạn nói “Không”, điều đó không có nghĩa lúc nào bé cũng không qua đường một mình. Vì vậy, bạn vẫn phải chắc chắn rằng mình luôn luôn nắm tay bé chặt nhưng vẫn thoải mái khi sang đường hay ở trong những trường hợp nguy hiểm khác.
Nếu bạn thực sự lo lắng về cách cư xử của bé, hay tìm kiếm lời khuyên của chuyên gia.
Theo Raisingchildren.net.au
MedShop.vn dịch
Đánh giá