18 June, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Viết bởi Susan Du Plessis
Hầu hết các bậc cha mẹ đều rất mong chờ ngày con mình nói được từ đầu tiên. Ngày đó thường đến khi bé được khoảng chín tháng tuổi cho đến một năm. Từ khoảng hai tuổi trở đi, bé phải nói được các cụm từ đơn giản, và đến khi được ba tuổi, bé phải nói được các câu đầy đủ. Khi được bốn tuổi, bé phải biết nói hoàn toàn, tuy nhiên bé có thể mắc vài lỗi ngữ pháp. Đến tuổi thứ năm, bé phải lĩnh hội được những ngôn ngữ cơ bản.
Không còn nghi ngờ gì khi cho rằng sự lĩnh hội ngôn ngữ là một trong những mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Phần lớn sự phát triển về trí tuệ và xã hội của trẻ trong tương lai phụ thuộc vào bước đệm này. Những khó khăn trong lĩnh hội ngôn ngữ có thể gây ra tình trạng tự cô lập và thu mình, gây khó khăn cho việc học hành, dẫn đến kết quả kém. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên kết quan trọng giữa ngôn ngữ nói và viết ở trẻ em, và tầm quan trọng của sự lĩnh hội ngôn ngữ đối với các kĩ năng đọc cơ bản.
Rất nhiều các bậc phụ huynh tin rằng cụm từ “phát triển ngôn ngữ” là ngụ ý rằng sự lĩnh hội ngôn ngữ ở trẻ là một quá trình diễn ra tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không đúng. Không có gì con người có thể biết hoặc có thể làm mà không phải học. Điều này càng đặc biệt đúng với sự lĩnh hội ngôn ngữ.
Trẻ bắt đầu học ngôn ngữ ngay khi vừa chào đời. Ngay từ giây phút đầu tiên quan trọng ấy, cha mẹ phải có trách nhiệm đặt nền tảng thích hợp giúp con lĩnh hội những kĩ năng ngôn ngữ thích hợp. Tương tự như việc phải đảm bảo cho con mình có chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh và cân bằng để có thể phát triển tối đa về thể chất, các bậc cha mẹ phải có những biện pháp thích hợp để tối đa hóa khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Ngôn ngữ được lĩnh hội như thế nào?
Cha mẹ nên nói với con mình ngay từ khi bé chào đời. Một số bà mẹ vốn trầm tính và khép kín. Một vài lại có ý nghĩ không đúng rằng thật nực cười khi nói chuyện với trẻ con, chúng có hiểu gì đâu! Những người mẹ không nói khi cho con ăn, khi tắm, và khi mặc quần áo cho con sẽ làm cho con chậm nói trong tương lai.
Trẻ em học ngôn ngữ theo một cách duy nhất, đó là cách thông qua ngôn ngữ nghe được từ cha mẹ và đáp ứng lại. Cha mẹ càng nói thường xuyên với trẻ, càng thường xuyên nhắc đi nhắc lại các từ, các cụm từ, cấu trúc, trẻ học ngôn ngữ càng sớm.
Một điều quan trọng đáng chú ý ở đây là khi bé được chín tháng tuổi, bé phải hiểu được những từ và yêu cầu đơn giản. Cũng có thể bé có thể nói được một vài từ đơn giản. Tuy nhiên, thường thì chúng ta sẽ thấy những gì trẻ hiểu thì nhiều hơn rất nhiều so với những gì trẻ có thể nói. Trên thực tế, điều này đúng với bất kì ai trong cuộc đời của mình. Trong bất kì ngôn ngữ nào, thậm chí trong ngôn ngữ mẹ đẻ, người ta luôn hiểu nhiều hơn là có thể sử dụng nó trong diễn đạt. Điều này càng đúng hơn khi ta sử dụng bất kì ngôn ngữ thứ hai hay thứ ba nào.
Điều này đã chỉ ra rằng chúng ta có ít nhiều hai khối kiến thức ngôn ngữ riêng biệt, đó là kiến thức bị động (còn gọi là ngôn ngữ tiếp thu), và kiến thức chủ động (hay còn gọi là ngôn ngữ biểu thị). Khi ta đọc hay nghe, ta sử dụng lượng từ vựng bị động, khi ta nói và viết, ta sử dụng từ vựng chủ động.
Một điều quan trọng cần lưu ý ở đây là lượng từ vựng bị động của trẻ có được nhờ thường xuyên và liên tục được nghe đi nghe lại các từ, cụm từ và cấu trúc. Một khi một từ, cụm từ, hay cấu trúc đã được nhắc lại đầy đủ, nó sẽ trở thành một phần trong lượng từ vựng chủ động của trẻ. Điều này cho thấy từ vựng chủ động chỉ có thể được phát triển thông qua lượng từ bị động. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một đứa trẻ chỉ nói được khi phải nghe một từ khoảng 500 lần trước khi nó trở thành một phần trong lượng từ vựng chủ động của trẻ. Điều này có nghĩa là cha mẹ nên tạo càng nhiều cơ hội cho bé nghe cha mẹ nói chuyện càng tốt.
Bí quyết đọc cho trẻ
Cha mẹ nên đọc cho trẻ nghe càng thường xuyên càng tốt. Tuy vậy, bí quyết để tối ưu hóa sự phát triển ngôn ngữ là hãy đọc đi đọc lại nhiều lần một chuyện nhiều lần.
Ngày xưa thường không có nhiều sách truyện như bây giờ, vì thế, cha mẹ bắt buộc (đây cũng là một phần của truyền thống nuôi dạy con) phải kể đi kể lại cho con nghe những câu chuyện họ biết, hoặc đọc đi đọc lại cho con nghe số ít sách họ có. Họ cũng dành nhiều thời gian dạy con về giai điệu và các bài hát. Thông qua đứa con trai của mình, tôi phát hiện ra rằng việc lặp đi lặp lại những câu chuyện và vần điệu như thế có tác dụng đặc biệt to lớn đối với sự lĩnh hội ngôn ngữ. Thật ra, tôi đã tận dùng điều này đến mức đặc biệt, chỉ đọc cho con nghe 1 cuốn sách trong suốt gần hai năm.
Ngay sau khi đứa con trai lớn của tôi, Gustav ra đời, tôi mua cho bé quyển chuyện về Pinocchio. Quyển sách đó dành cho trẻ bốn tuổi. Ngoài việc nói với con thường xuyên, tôi bắt đầu đọc cho bé nghe quyển sách đó ngay khi bé mới được hai, ba tháng, thường xuyên hết mức có thể, và cứ thế, lặp đi lặp lại. Tất nhiên, tôi thấy việc này rất nhàm chán. Tuy vậy, Gustav rất thích điều này, và kết quả của thử nghiệm này đã làm cho tất cả những nỗ lực của tôi đáng giá. Con trai tôi không chỉ biết nói sớm hơn rất nhiều so với các bé cùng tuổi, mà khi cháu mới được hơn hai tuổi, cháu còn có thể kể lại gần hết các trang trong cuốn Pinocchio. Khi giở sang trang mới, chỉ cần đọc một hai từ đầu trên trang đó là cháu có thể kể lại phần còn lại như một con vẹt vậy. Có thể bạn nghĩ điều này là vô dụng, nhưng nó lại rất quan trọng khi từ vựng trong cuốn sách đó đã trở thành một phần trong giao tiếp của con trai tôi. Xét về sự phát triển ngôn ngữ, cháu vượt xa các bạn cùng tuổi. Thật ra, cho đến ngày hôm nay, lượng từ vựng và khả năng nói rõ ràng của cháu khá ấn tượng.
Khi trẻ lớn hơn một chút, bạn có thể dạy chúng những bài hát ru. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kiến thức về các bài hát ru của trẻ ba tuổi là nhân tố quan trọng trong dự đoán kĩ năng đọc, thậm chí cả khi hai nhân tố IQ của trẻ và trình độ học vấn của người mẹ được ẩn.
Nếu như mỗi ngày ăn một quả táo sẽ giúp bạn luôn khỏe mạnh, thì nói sẽ luôn luôn làm con bạn thông minh hơn.
Theo learninginfo.org
MedShop.vn dịch
Đánh giá