Ho, sổ mũi là phản ứng của cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân bên ngoài và những loại virus, vi khuẩn gây bệnh khác nhau.
Ho có rất nhiều loại, nhưng được chia thành hai loại chính là ho khan - thường gặp khi bị viêm mũi họng, ho có đờm - là dấu hiệu thường thấy của bệnh nhiễm trùng thanh khí quản. Nguyên nhân, do dị ứng thời tiết, thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc do lây nhiễm virus qua đường hô hấp. Bệnh thường hay phát về đêm và dễ nhận thấy khi nghe tiếng thở của bé khò khè, thở lớn, chảy nước mũi, hắt hơi và sốt nhẹ.
Những lưu ý dưới đây sẽ giúp trẻ vượt qua cảm giác khó chịu khi bị ho.
Rửa mũi, giữ ấm có thể
Sổ mũi và ho dễ khiến trẻ nhỏ ngạt mũi, nôn trớ. Nếu chăm sóc không tốt mũi, trẻ có thể bị biến chứng như viêm amidal, viêm tai giữa, viêm phổi. Vì vậy, bạn nên thường xuyên rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý giúp làm ẩm niêm mạc mũi, long - loãng đờm khi mũi bị viêm mà không lo có tác dụng phụ.
Ngoài ra, khi trẻ bị ho bạn nên chú ý không để trẻ bị lạnh khiến tình trạng ho nặng thêm. Thay vào đó, nên chú ý giữ ấm cơ thể nhất là khi đi ra ngoài và vào ban đêm. Bạn cũng có thể dùng dầu khuynh diệp để mát xa lòng bàn chân rồi mang vớ cho trẻ trước khi đi ngủ.
Cha mẹ cũng nên giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, cách ly trẻ với những người bị cảm cúm để tránh lây nhiễm.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ rất quan trọng vì trẻ dễ có cảm giác lười ăn, hay nôn trớ khi bị ho, sổ mũi. Thực phẩm sẽ giúp con bổ sung các chất cần thiết, tăng cường sức khỏe.
Nếu trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ, bạn nên cho trẻ bú sữa thường xuyên vì trong sữa mẹ có rất nhiều dưỡng chất, bên cạnh đó, sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp bé tăng cường khả năng miễn dịch.
Vệ sinh mũi thường xuyên, giữ ấm cơ thể và sử dụng các bài thuốc dân gian có thể giúp trẻ dễ dàng vượt qua cảm giác mệt mỏi khi bị sổ mũi, ho. Ảnh: Cbsnews
Đối với trẻ lớn, bạn nên cho con ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu, đủ dinh dưỡng như: súp, cháo, sữa... đảm bảo 4 nhóm bột, béo, đạm, rau và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ. Nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, chất kẽm và sắt như: thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh đậm, đỏ. Cần hạn chế những món chiên, xào…
Trẻ ho nhiều có thể nôn ra thức ăn nên thay vì ép con ăn nhiều bạn nên chia nhỏ ra thành nhiều bữa trong ngày, đặc biệt cần tăng cường cho con uống nhiều nước và ăn thêm trái cây giàu vitamin C như cam, táo, chuối, nho...
Không lạm dụng kháng sinh
Nhiều người có con nhỏ đang thực hiện “công thức” cứ ho là phải dùng kháng sinh, nhất là khi kèm theo sốt cao. Tuy nhiên, cha mẹ không biết ho là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau ở trẻ và không phải lúc nào những kháng sinh cũng có tác dụng.
Ho nhiều là phản xạ khạc nhổ các dịch chất tiết (đờm), chất nhầy từ mũi xuống họng. Nguyên nhân gây ra ho, sổ mũi thường do virus trong khi đó thuốc kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng với virus, vì thế trong trường hợp này cha mẹ không nên dùng kháng sinh. Việc uống kháng sinh nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy, sức đề kháng của trẻ yếu đi nhiều, làm bệnh lâu khỏi hơn.
Những bài thuốc dân gian an toàn cho trẻ
Theo các chuyên gia y tế, để điều trị ho và các bệnh viêm đường hô hấp, ngoài việc vệ sinh và phòng bệnh cho trẻ, các thuốc tân dược (là các loại thuốc kháng sinh) còn có rất nhiều bài thuốc trị ho dân gian dễ tìm có khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả, an toàn cho trẻ.
Tần dày lá (húng chanh): Với thành phần chứa tinh dầu, có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi khuẩn gây bệnh ho như: Staphylococcus, Salmonella typhi, Shigella sonnei… tần dày lá thường dùng để trị cảm cúm, chữa ho, viêm họng, khản tiếng.
Núc nác: có tác dụng sát trùng, làm dịu cơn ho dùng để chữa viêm họng, ho khan tiếng, ho lâu ngày, viêm khí quản.
Gừng: làm ấm cổ, dịu các cơn ho, giúp kháng khuẩn và diệt virus bám trên niêm mạc đường hô hấp. Ngoài ra, gừng còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng sức đề kháng trước các tác nhân bên ngoài tấn công.
Nếu trẻ ho, sốt, sổ mũi mà vẫn ăn, chơi bình thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu riệu triệu chứng ho kéo dài dù đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau thì bạn nên đưa con đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.
Theo Vnexpress
Các bài gần đây
5 cách đơn giản giúp sức khỏe dồi dào trong năm mới
Đường máu cao khi mang thai dễ dẫn đến các khuyết tật tim ở trẻ
Mối quan hệ hôn nhân bền vững-phương thuốc nhiệm màu cho sức khỏe
Bị ung thư vú có nên quan hệ tình dục?
Đánh giá