08 October, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Giống như những cha mẹ luôn muốn điều tốt nhất đến với con mình, Trish Bragg đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng Isabel, Charlie, và Madeline khỏe mạnh, có thật nhiều hoạt động thú vị trong ngày, và được yêu thương vô điều kiện. Nhưng, giống như rất nhiều người khác, chị luôn băn khoăn với câu hỏi đáng giá hàng triệu đô la của các bậc cha mẹ: Liệu con mình có hạnh phúc không? Bragg nói “Tôi và tất cả bạn bè của mình đều muốn biết điều này.”
Bạn có thể thấy ngạc nhiên về những điều làm cho trẻ em hạnh phúc. Các chuyên gia về sự phát triển của trẻ em nói rằng hạnh phúc không phải là thứ bạn có thể mang cho con mình như là một gói quà được bọc xinh xắn. Trên thực tế, Edward Hallowell, nhà tâm lý học, cũng là tác giả của cuốn “Ngọn nguồn trẻ thơ của hạnh phúc người lớn”, cho rằng những đứa trẻ được nuông chiều quá mức – như được tặng thật nhiều đồ chơi hay được bao bọc để tránh khỏi những muộn phiền về tình cảm – lại dễ trở thành những đứa trẻ dễ chán nản, hay hoài nghi, và ít thấy niềm vui. “Những điều dự báo tốt nhất về hạnh phúc nằm ở bên trong, chứ không phải bên ngoài”, Hallowell nói, và ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp con trẻ có những kỹ năng sống trong tâm hồn để giúp con vững chãi suốt cả cuộc đời sau này.
Tin tốt lành là bạn không cần phải là chuyên gia tâm lý trẻ em mới có thể dạy con sự thông minh và sức mạnh tâm hồn cần thiết để vượt qua sóng gió trong đời. Bằng sự kiên nhẫn và linh hoạt, cha mẹ có thể tạo ra nền tảng cho cuộc sống hạnh phúc của con.
Hãy học cách tìm hiểu các dấu hiệu
Khi bé của bạn còn bé xíu hay mới biết đi thì bạn vẫn có thể đoán được là bé có hạnh phúc hay không, như mặt bé sáng lên khi thấy bạn về, hay lại khóc không ngừng khi chú chó xé nát cái mảnh chăn yêu thích của mình.
Khi bé lớn hơn, những cảm xúc cũng trở nên phức tạp hơn. Nhưng may mắn là, khả năng điều khiển cảm xúc của bé đã tốt hơn. Và cũng không hề khó để nhận ra những biểu hiện cho thấy bé có hạnh phúc hay không. Một đứa bé hạnh phúc sẽ cười, chơi, thể hiện sự ham hiểu biết, quan hệ với bạn bè, và không cần sự khuyến khích liên tục.
Ngược lại, Hallowell nói, biểu hiện của một đứa trẻ không hạnh phúc lại rất rõ ràng: Đứa bé thường “thu mình, trầm lặng, ăn ít, không tự động tham gia chơi cùng các bạn khác, không chơi, không hỏi, không cười, và nói rất ít.”
Nếu con bạn là đứa bé nhút nhát tự nhiên hoặc sống nội tâm, không cười và giao tiếp nhiều thì không có nghĩa là bé không hạnh phúc. Sự nhút nhát không giống với buồn rầu, nhưng bạn sẽ phải cố gắng nhiều hơn để nhận biết các biểu hiện của con. Hallowell cho rằng cần nhận biết được những thay đổi lớn trong cách ứng xử của con – như trở nên biệt lập hơn hay sợ hãi hơn – đều cho thấy con đang gặp vấn đề mà bạn cần để tâm tới.
Tiến sỹ tâm thần học Paul C. Holinger, người đang làm việc tại trung tâm y tế Rush-Presbyterian-St. Luke's ở Chicago đã chỉ ra 9 dấu hiệu bẩm sinh mà con trẻ dùng để thể hiện cảm xúc. Bạn cũng có thể nhận ra những dấu hiệu này với trẻ ở tuổi mẫu giáo. Hai trong số những dấu hiệu này, “sự quan tâm” và “sự thích thú” là cảm xúc tích cực, trong khi những dấu hiệu tiêu cực như “sự đau buồn” “giận dữ” và “sợ hãi” lại dần tạo thành một đứa bé không hạnh phúc.
Hầu hết các bậc cha mẹ nhận ra rằng đứa trẻ hay sợ hãi, và dễ đau khổ thì không hạnh phúc; song Holinger nhận thấy nhiều cha mẹ không biết rằng những đứa bé hay giận dữ lại thường biểu hiện sự buồn phiền. Dù ở lứa tuổi nào thì “tức giận cũng thể hiện đau buồn cực độ”, ông Holinger nói. Khi con bạn đánh em hoặc hét lên “Tao ghét mày” thì có nghĩa là bé thấy tức giận quá khả năng giải quyết của mình.
Có thể con bạn có những cách riêng để chỉ cho bạn biết khi nào nó đang phải đối mặt với khó khăn. Một số bé sẽ tự thu mình, một số lại nổi cơn thịnh nộ, còn một số lại mắc cỡ. Khi bạn biết được tính khí của con mình, bạn sẽ giỏi hơn trong việc nhận ra các dấu hiệu cho thấy có điều gì không ổn với con. Để biết thêm các cách hiểu được tính cách tự nhiên của con trẻ, xem thêm bài “Có phải trẻ em sinh ra đã hạnh phúc?”
Hãy tạo không gian cho niềm vui
Nếu con bạn dành một phút để nghĩ về những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của bé, có thể bé sẽ nhận ra rằng điều làm cho bé thấy hạnh phúc nhất chính là bạn. Và đó là chìa khóa đầu tiên để tạo nên một đứa bé hạnh phúc. Hallowell khuyên: “Hãy gắn bó với con, hãy chơi với chúng”. “Nếu bạn chơi đùa với chúng, chúng sẽ có niềm vui. Nếu bạn có thể tạo ra được cái gọi là “tuổi thơ gắn bó” cho trẻ, và đó chắc chắn là bước tốt nhất để đảm bảo con bạn sẽ hạnh phúc.”
Chơi đùa mang lại niềm vui, và cũng là cách con bạn phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Vui chơi tự do giúp bé khám phá những điều nó muốn làm – xây dựng thành phố bằng những mẩu gỗ, dạy thú nhồi bông đếm – những điều này có thể hướng bé tới những mơ ước nghề nghiệp mà vẫn giống như chơi vậy, Chơi không có nghĩa là những bài học sau khi ở trường, những môn thể thao, hay những hoạt động theo khuôn khổ khác. Chơi là khi trẻ phát minh, sáng tạo và mơ mộng.
Kim Orr (Atlanta) cho biết khi đứa út được sinh ra, hai anh chị lớn hơn đã phải bỏ một số những hoạt động thường ngày của chúng. “với nhiều thời gian tự do hơn,” “thực sự bản thân chúng hạnh phúc hơn. Tôi thấy con mình có khả năng điều khiển cuộc sống của chúng tốt hơn, và điều này mang lại hạnh phúc bên trong cho chúng.”
Hãy giúp con phát triển năng lực của chúng
Biện pháp tạo ra hạnh phúc lâu dài mà Hallowell đưa ra bao gồm một điều rất đáng ngạc nhiên: Những người hạnh phúc thường là người đã thành thạo một kỹ năng nào đó. Ví dụ như, khi con bạn tập bắt bóng, nó sẽ học được từ những lỗi khi chơi, sẽ nâng cao tính kiên trì và tính kỷ luật, và sau đó sẽ tận hưởng niềm vui khi thành công nhờ vào những cố gắng của chính bé.
Bé cũng nhận được phần thưởng là sự thừa nhận về khả năng từ những người xung quanh. Quan trọng nhất là, bé khám phá ra rằng mình đã có chút quyền năng trong cuộc sống. Nếu bé cố gắng làm điều gì đó, bé thấy thỏa mãn vì tìm ra điều đó, cùng với lòng kiên trì, cuối cùng bé sẽ làm được điều ấy. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cảm giác có được quyền năng qua tập luyện và biết kiên trì chờ đợi thành công là điều quan trọng trong việc quyết định hạnh phúc của cuộc sống trưởng thành.
Hallowell cảnh báo rằng, trẻ em, cũng giống như người lớn, cần theo đuổi niềm yêu thích riêng của chúng, nếu không sẽ không có niềm vui trong thành công của chúng. Rebecca Marks (Cleveland Heights, Ohio) cho biết yêu thích số một của cậu con trai 3 tuổi Zachary là xây dựng. “Bé rất thích kiến trúc mọi vật và giúp bố làm một số công trình đặc biệt. Nó làm cho bé thấy tự hào về bản thân. Chúng tôi cố gắng giúp bé tập trung vào những việc bé có khả năng tự nhiên, và chúng tôi thấy bé thực sự rất vui”.
Những cơ thể khỏe mạnh, những đứa bé hạnh phúc
Tập luyện, ngủ nhiều và một chế độ ăn khỏe mạnh là điều quan trọng với bất kỳ ai, đặc biệt là với trẻ em. Đối với tập luyện, bé của bạn không cần phải là thành viên của đội bóng”: chỉ cần chạy loanh quanh bên ngoài cũng giúp cho tâm tính của bé. Và hãy chú ý đến nhu cầu về trật tự của bé: Trong khi một số bé rất thoải mái trong cuộc sống, hầu hết lại phát triển mạnh và hạnh phúc hơn nếu hoạt động theo một kế hoạch có trật tự đã xếp đặt sẵn để bé biết mình sắp phải làm gì tiếp theo.
Bạn cũng cần chú ý đến mối quan hệ giữa tâm tính của con mình với một số loại thức ăn. Một số cha mẹ thấy rằng trong khi đường có thể làm tăng năng lượng cho trẻ, nó cũng có thể gây nên thay đổi về tính khí hay ứng xử hung hăng. Nhạy cảm hay dị ứng với thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong tính cách và cư xử của trẻ.
Hãy để trẻ đối mặt với khó khăn
Có thể bạn sẽ nói: Nhưng tôi đang muốn tạo nên một đứa con hạnh phúc! Tại sao tôi không nên sà xuống bao bọc và làm mọi chuyện tốt hơn? Trên thực tế, Carrie Masia-Warner, nhà tâm lý học trẻ em và phó giám đốc viện Lo lắng và những rối loạn tâm lý – đại học Y New York, cho rằng đây là một lỗi rất lớn mà rất nhiều cha mẹ yêu con, có chủ định tốt đã phạm phải.
Masia-Warner khuyên “Cha mẹ luôn cố gắng làm mọi thứ tốt hơn cho con, và luôn làm chúng hài lòng. Điều đó không thực tế. Đừng lúc nào cũng nhảy vào và làm mọi việc”. “Con trẻ cần học để biết chịu đựng một số buồn phiền, một số điều không vui. Hãy để chúng đối mặt, tự mình khám phá ra cách giải quyết, vì điều đó sẽ giúp chúng học cách đương đầu với khó khăn.”
Hallowell đồng ý với quan điểm rằng để trẻ trải nghiệm thật nhiều, thậm chí với những thứ khó khăn hay đáng sợ, sẽ giúp tạo được sức mạnh bên trong, và điều này sẽ mang lại hạnh phúc cho trẻ. Dù một đứa bé mới 7 tháng tuổi đang tập bò hay đã 7 tuổi phải vật lộn với phép tính trừ, đều sẽ giải quyết những điều bất lợi tốt hơn bằng cách tự làm nhiều lần.
Bọn trẻ học được rằng dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa, chúng vẫn sẽ tìm ra cách giải quyết. Điều này không có nghĩa là chúng không nên hỏi sự giúp đỡ nếu chúng thực sự cần, nhưng vai trò của bạn là giúp chúng tìm ra hướng giải quyết, chứ không đưa sẵn cách làm cho chúng. Học cách đối mặt với những thất bại, và khó chịu tất yếu của cuộc sống là điều then chốt với hạnh phúc tương lai của trẻ.
Kiểm tra con bạn
Điều tốt nhất và đơn giản nhất để biết được con bạn có hạnh phúc hay không là hãy nói chuyện với con. Thậm chí Hallowell cho biết, quan trọng hơn là hãy lắng nghe. “Đây là một cách kiểm tra, và để cho chúng biết rằng bạn rất quan tâm.”. Nhưng bạn nên lắng nghe tích cực, đừng hỏi trống rỗng: “Khi tôi thường xuyên hỏi các con mình là có hạnh phúc hay không thì chúng đều xoay lòng đen mắt trêu tôi”.
Masia-Warner đồng ý rằng trò chuyện cởi mở là điều thiết yếu để hiểu được tâm trạng của con mình. “Ví dụ như, hãy nói với con, ‘Trông con buồn thế. Có điều gì con muốn nói với mẹ không? điều gì làm phiền con như vậy?’ Rồi, hãy để cho con nói.” Nếu con bạn gạt đi, bạn hãy thử vào ngày tiếp theo xem sao.
Nhưng Orr (Atlanta) cho biết rằng có thể con bạn sẽ ”xả” ngay khi bạn ít để ý nhất. “Giống như một lần khi chúng tôi đang ở siêu thị và thật bất ngờ khi ở kho sản xuất thì con gái tôi bật khóc về một điều gì đó đã xảy ra ở trường từ đầu tuần.”
Hãy cho phép con buồn rầu hay bực dọc
Lúc con bạn hờn dỗi trong một góc ở một bữa tiệc sinh nhật nào đó, chắc chắn phản ứng tự nhiên của bạn sẽ là “Lẽ ra con phải vui vẻ như các bạn kia chứ!” Nhưng điều rất quan trọng là bạn phải cho phép bé buồn rầu. Hallowell cho biết một số cha mẹ tỏ ra lo lắng mỗi khi con họ bị gạt bỏ như chúng không được mời dự tiệc sinh nhật, hay chúng khóc khi không nhận được những gì chúng muốn.
Trẻ con cần phải biết rằng đôi khi buồn bực cũng không sao – đơn giản đó là 1 phần của cuộc sống. Và nếu chúng ta cố gắng xoa dịu bất cứ sự buồn bực nào, có thể chúng sẽ hiểu rằng cảm giác buồn bực là sai. Chúng ta cần để chúng trải qua những cảm xúc của mình, kể cả nỗi buồn.
Bạn có thể khuyến khích con mình nói tên cảm xúc đang có và thể hiện chúng bằng lời, như thế sẽ giúp con bạn điều chỉnh được cảm xúc. Đừng cố gắng giải quyết vấn đề hộ con bạn. Thay vào đó, hãy chỉ lắng nghe và giúp con bạn nói ra cảm giác của con.
Sharon Cohn đến từ West Orange, New Jersey, tin rằng đối với đứa con gái 5 tuổi, Rebecca của cô, nên học cách thể hiện cảm xúc hơn là giữ chúng trong lòng. “ Nó sẽ nói, ‘Mẹ, con cảm thấy rất tức giận với mẹ’ hay là ‘ con rất buồn khi chúng ta không thể đến đây’. Tôi cố gắng xác nhận cảm giác của nó. Tôi nói, ‘Mẹ xin lỗi là con thấy giận’ hay ‘mẹ cũng thấy buồn’ và chúng tôi nói chuyện về điều đó.”
Tuy nhiên, Masia – Warner cảnh báo, bạn không nên phản ứng thái quá đối với những cảm xúc tiêu cực của con trẻ. “đối với trẻ con việc đôi khi trở nên quá nhạy cảm hay mắc cỡ, lo lắng vì điều gì đó trong cuộc sống là rất bình thường, nhưng nó không phải là sự buồn rầu.”
Hãy làm gương
Theo Dora Wang, phó giáo sư tâm thần học của trường đại học Y New Mexico và là mẹ của cô bé Zoe 3 tuổi, nghiên cứu cho thấy rằng bạn có thể truyền tính khí cho con bạn – không nhất thiết là qua gen, mà có thể qua cách cư xử và cách bạn nuôi dạy trẻ. Dù tốt hay xấu, con trẻ đều bắt chước tâm trạng của cha mẹ. Thậm chí những đứa trẻ sơ sinh cũng bắt chước cung cách cảm xúc của cha mẹ, điều này kích hoạt một số đường dẫn truyền thần kinh.
Nói cách khác, khi bạn cười, con bạn cũng cười và não trở nên “bắt sóng” với tiếng cười. Nhưng hãy chân thật – con bạn sẽ cảm nhận được nếu bạn giả vờ. Nếu bạn tỏ ra thật thích thú với những việc dù rất nhỏ và nói ra vì sao bạn lại có những cảm xúc như vậy, bạn sẽ là một tấm gương mẫu mực cho con mình.
Bạn có thể giúp con mình biết nhìn vào chiếc cốc nửa đầy hơn là nhìn vào chiếc cốc vơi 1 nửa. Ví dụ, nếu trận bóng chày phải hoãn lại vì trời mưa, bạn hãy chỉ cho con biết đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để đi xem buổi biểu diễn ban chiều. Cohn thường nói với con mình “Hãy vui vì những thứ con có thay vì buồn rầu vì những thứ mình không có.” Thời gian ăn tối có thể là lúc tuyệt vời nhất để mỗi thành viên trong gia đình thổ lộ điều tốt đẹp nhất trong ngày là gì.
Peggy O’Leary (Montara, California) thấy rằng khi cô căng thẳng cực độ thì các con phản ứng ngay lập tức. “Chúng im lặng, và thu mình lại.” Một lần khi O’Leary thấy buồn bực, con trai của cô, August đã nói, “Mẹ con mình lại chơi trò đuổi bắt đi, giống như lúc mẹ vui ấy.” Điều đó đã làm cô nhận ra rằng con mình thật nhạy cảm với cảm xúc của mẹ nó. Hiện giờ cô đang cố gắng để biểu lộ nhiều thái độ tích cực hơn.
Tuy vậy, bạn cũng không cần phải giấu giếm nỗi muộn phiền của mình. Bạn có thể cho con biết bạn đang buồn vì người bạn thân nhất đã chuyển đi, và nếu bạn tiếp tục bằng cách nói rằng hai người sẽ giữ liên lạc, và sẽ thật vui khi đi thăm người đó, bạn sẽ dạy cho con mình biết được nỗi buồn cũng là một phần của cuộc sống và cách tìm ra con đường thoát khỏi nó.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy căng thẳng liên tục, hay thậm chí thất vọng, thì tìm kiếm sự giúp đỡ là điều rất quan trọng. “Những bậc phụ huynh hay phiền muộn thường không kiên định với việc đưa ra khuôn mẫu và những kỷ luật mà họ đặt ra, hoặc biết khen ngợi, vui vẻ với con mình. Tất cả những điều này có thể gây ra những vấn đề về xúc cảm,” Masia-Warner nói.
Hãy dạy con làm những việc có ý nghĩa
Khoa học đã chỉ ra rằng những người thấy mình có ý nghĩa trong cuộc sống sẽ thấy ít muộn phiền hơn. Cohn, bà mẹ đến từ New Jersey, nói rằng làm từ thiện và giúp đỡ những người khác là một phần rất lớn của gia đình họ. Thậm chí những đứa trẻ nhỏ cũng có thể học được nhiều từ điều này.
Cohn nói rằng sau khi con gái cô Rebecca biết về Trận bão Katrina, bé và các bạn cùng lớp đã thu thập dụng cụ học tập và ba lô để tặng cho các bạn nhỏ đã mất đồ dùng của họ. Thậm chí chỉ cần tham gia vào những công việc nhỏ trong gia đình, như lấy quần áo ra khỏi máy sấy, cũng làm cho bé thấy mình có ích.
Hãy tìm sự giúp đỡ
Nếu bạn lo lắng rằng con mình đang trải qua một giai đoạn khó khăn, hãy nói chuyện với cô giáo của bé và cha mẹ của con bạn để xem họ đã quan sát được những gì. O’Leary cho biết thời gian ở mẫu giáo của bé Jean nhà cô thật sự rất căng thẳng. “Tôi biết ngay từ trong cái nhìn trong mắt Jean, và những giọt nước mắt sau đó, là bé đã bị quá tải.” Cô đã nói chuyện với cô giáo của Jean để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra ở lớp, và xem có thể giúp bé bằng cách nào để vượt qua giai đoạn chuyển tiếp đó.
Hầu hết thời gian con trẻ thấy buồn phiền và lo lắng do những điều khó khăn trong môi trường của chúng, như đánh nhau với bạn, căng thẳng ở trường, hay ở nhà. Nhưng đôi khi nguyên nhân của những bất bình đó có thể nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn thấy con mình có những biểu hiện dai dẳng của buồn phiền – như giận dữ, khóc lóc, hung hãn, phàn nàn liên tục, thất vọng dễ bị kích động, thường xuyên đau đầu, đau bụng, khó ăn, khó ngủ - thì đừng ngại xin tư vấn của chuyên gia sức khỏe để biết mức độ sự việc. Dù bạn tới gặp nhà trị liệu, tâm lý học, tâm thần học, thì cũng cần chắc chắn là người đó phải là chuyên gia về trẻ em. Hãy nhớ rằng: Masia-Warner đã nói trầm cảm ở trẻ em là rất hiếm.
Theo BabyCenter.com
MedShop.Vn dịch
Đánh giá