Nhân lúc bố nó đi mua thêm cho một chiếc balô nhỏ, thằng bé chép miệng nói với tôi:
- Bố biến mất cả tuổi thơ của con, bây giờ tự dưng lại quan tâm cứ như người ốm ăn giả bữa.
Tôi bật cười vì sự so sánh đó nhưng cũng ngầm công nhận con mình không phải không có lý. Tôi có hai đứa con. Thằng con trai không hiểu sao không được lòng... bố nó. Bao giờ chồng tôi cũng khe khắt với nó. Khi nó 15 tuổi, có lần nó bảo tôi:
- Con Bông nhà mình làm gì bố cũng chỉ cười. Còn con, bố cho ăn đòn rõ đau.
- Con không nên sống mãi với những kỷ niệm xấu như vậy, tích độc trong người hại lắm.
- Mẹ ơi, khi mà mẹ bị đập cái điều khiển tivi vào đầu vào lúc 7 tuổi thì mẹ sẽ nhớ đến năm 70 tuổi.
- Mẹ không nghĩ vậy, mẹ không thích con lớn lên với những ý nghĩ thù hận, cho dù nó xuất phát từ những chuyện rất nhỏ.
- Con không thù hận, con chỉ muốn được đối xử công bằng.
Công tâm mà nói, đúng là chồng tôi phân biệt đối xử giữa hai đứa con thật. Con gái đi học về nhà để đồ bừa bãi, anh chỉ nhắc nhẹ. Còn thằng con trai thì nguy cơ bạt tai là chuyện bình thường. Việc học hành của con trai thì anh khoán trắng cho tôi. Nhớ hồi con trai còn bé, tôi có bầu vẫn phải chở nó đi học hàng ngày, trong khi anh cứ đủng đỉnh ngủ trễ, rồi dậy ăn sáng, đủng đỉnh đến cơ quan. Anh thay đổi hẳn khi con gái chúng tôi vào cấp I. Xung phong đưa và đón đã đành, anh còn thường xuyên mua sắm váy áo, giày trượt băng... cho cô gái rượu. Xót con, tôi góp ý với anh nhiều lần nhưng hầu như chả có tác dụng gì. Anh bảo tôi: Người ta nói con gái là người tình kiếp trước của cha, anh có quan tâm chăm sóc nó một chút thì em chăm con trai bù lại cho công bằng. Nghe ông chồng vô tư nói thế, tôi quả thật cũng chạnh lòng.
Chính cái sự khó tính của chồng với con trai khiến tôi có phản xạ che giấu các khuyết điểm của con. Tôi sợ cơn lôi đình chồng trút xuống con trai mỗi khi nó có điểm xấu hoặc là có tin không vui từ trường học. Vào tuổi dậy thì, con trai cũng ngỗ ngược như mọi đứa trẻ. Nhưng thay vì chia sẻ cùng chồng để tìm hướng giải quyết thì tôi lại như trở thành một kẻ đồng lõa. Con bỏ học đi chơi tôi cũng không dám nói với chồng cùng giải quyết. Tôi bí mật đi theo con, bỏ cả chục buổi làm, rồi lựa lời khuyên nhủ. Chả biết thằng bé nghe theo được bao lâu. Tôi thấy những câu chuyện như thế này mà được nói kiểu “đàn ông với nhau” thì chắc kết quả sẽ tốt hơn nhiều. Thế nhưng bố nó bao giờ cũng kết luận con hư trước khi phân tích hơn thiệt. Cứ phải nhừ đòn, thế mới nhớ đời. Câu kết luận xanh rờn của chồng khiến tôi luôn sợ cảnh ầm ĩ nhà cửa. Và vì thế, phản xạ che giấu lại bắt đầu.
Con trai đã lớn rồi, vậy mà tôi cho đến giờ cũng không thể quên được có một lần nó chỉ một cặp bố con hàng xóm đang dắt tay nhau trên đường, bảo tôi:
- Sao bố không bao giờ ôm con, không nắm tay con khi đi ngoài đường mẹ nhỉ?!
Võ Hồng Thu
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Hậu quả của thiểu ối trong thai kỳ
Ăn đường thế nào khi mang thai?
Dấu hiệu nhận biết mắc bệnh phụ khoa
Bí quyết giữ dáng xinh, linh hoạt xương khớp
Đánh giá