Sốt siêu vi là một bệnh lý do nhiễm siêu vi gây ra. Trung bình người trưởng thành có thể bị sốt siêu vi từ 2 đến 3 lần mỗi năm, trẻ em có thể bị nhiều hơn khoảng 5 đến 6 lần trong năm. Đây là một bệnh lý cấp tính, đa số tự giới hạn trong vòng 2 tuần. Thường chỉ cần điều trị triệu chứng tại nhà và bệnh thường tự hết hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng trên một số người bệnh có bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch….) hay một số đối tượng đặc biệt (người lớn tuổi, trẻ nhỏ, béo phì, có thai…) do các biến chứng gây ra do sốt siêu vi và cần điều trị tích cực tại bệnh viện.
Sốt siêu vi hay còn được gọi với tên khác là sốt virus. Có hơn 200 loại siêu vi khác nhau có thể là nguyên nhân gây nên sốt siêu vi, chúng được chia thành nhiều họ khác nhau trong đó phổ biến nhất có thể kể đến các họ như Rhinovirus, Adenovirus, Coronavirus, Enterovirus, Influenza virus (virus cúm). Thường khó phân biệt loại virus bị nhiễm do biểu hiện lâm sàng tương tự nhau, chỉ khác nhau ở một vài đặc điểm nhỏ về lâm sàng. Nhóm gây bệnh phổ biến nhất là nhóm Rhinovirus chiếm khoảng 50% số trường hợp sốt siêu vi với những đặc điểm triệu chứng liên quan đến đường hô hấp trên như ho, sổ mũi, chảy nước mũi. Nhóm thường gặp thứ 2 là nhóm virus corona chiếm 15% các trường hợp, COVID-19 chỉ là một chủng trong họ này. Nhóm lớn thứ 3 thường gặp là nhóm Influenza virus chiếm khoảng 10%.
Căn bệnh phổ biến trong mùa lạnh và thời khắc giao mùa
Ở các quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, virus tồn tại ở tất cả các thời điểm trong năm chứ không chỉ riêng mùa lạnh hay thời điểm giao mùa. Sốt siêu vi là bệnh lý thường gặp tại khoa cấp cứu và các phòng khám ngoại trú. Đây là một bệnh lý có tính lây nhiễm cao, do đó việc phòng ngừa sốt siêu vi cần được chú trọng thường xuyên, liên tục nhất là trong mùa lạnh hay lúc giao mùa vì những sự thay đổi của thời tiết có thể làm cơ thể suy yếu giúp siêu vi dễ dàng tấn công và gây bệnh hơn.
Ai trong chúng ta đều có nguy cơ mắc sốt siêu vi, dù là trẻ hay già, ở bất cứ cơ địa nào. Câu hỏi được đặt ra là sốt siêu vi ở nhóm đối tượng nào thường xuất hiện triệu chứng nặng và biến chứng nguy hiểm?
Các biến chứng thường gặp của sốt siêu vi là viêm phổi do virus hay do bội nhiễm vi trùng thường gây tử vong nhiều nhất. Các biến chứng khác bao gồm viêm não, màng não, viêm cơ gây hủy cơ và suy thận cấp. Ngoài ra bệnh còn làm nặng lên các bệnh mạn tính có sẵn của người bệnh. Dấu hiệu nặng thường gặp nhất là khó thở, đau ngực, đau bụng, ói nhiều, thay đổi ý thức…
Các cơ địa đặt biệt như trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, phụ nữ có thai và người trên 65 tuổi có các bệnh kèm theo như suy tim, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, suy giảm miễn dịch, béo phì, đái tháo đường, ung thư, HIV… thường dễ bị các biến chứng do sốt siêu vi. Người bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị.
Bất ổn từ yếu tố môi trường
Virus lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, tiếp xúc gần trong phạm vi 2 mét. Qua bề mặt như bắt tay, chạm tay vào các bề mặt có nhiễm virus như nắm cửa, quầy hàng, tay vịn cầu thang, điện thoại…
Sốt siêu vi là một bệnh lây nhiễm có liên quan đến virus và sự lây truyền do đó nguy cơ nhiễm bệnh của mỗi người không chỉ phụ thuộc vào khả năng đề kháng của cơ thể mà còn phụ thuộc vào mức độ, nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh của cơ thể. Trong môi trường kín, thời gian tiếp xúc nguồn lây khoảng 30 tiếng trong vòng 2 ngày khả năng bị lây bệnh khoảng 25%. Nếu cơ thể khỏe mạnh, môi trường thông thoáng, dùng các biện pháp bảo vệ phù hợp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… sẽ là giảm nguy cơ lây bệnh xuống thấp hơn rất nhiều lần.
Một số môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao như khu vực tập trung đông người, môi trường kín không khí lưu thông kém hoặc môi trường có nguy cơ xuất hiện nguồn bệnh cao như bệnh viện thì khả năng xuất hiện mầm bệnh cũng như nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn, do đó cần phải chú trọng hơn công tác phòng, chống bệnh tại các môi trường này. Với người có dấu hiệu bệnh thì cần hạn chế đi đến nơi đông người, tiếp xúc người trong khoảng cách gần… để hạn chế lây nhiễm cho người khác.
Nhận biết sốt siêu vi
Sốt siêu vi thường diễn tiến qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn nhiễm bệnh (ngày 1): Nhiễm siêu vi chưa có triệu chứng.
- Giai đoạn ủ bệnh (ngày 2- 4): Virus sinh sôi, thời kỳ này đã có khả năng gây bệnh.
- Toàn phát (ngày 5-9): Thời kỳ lây bệnh.
Triệu chứng của sốt siêu vi xảy ra đột ngột bao gồm sốt 38-410C. Đa số trường hợp sốt trên 38.50C đi kèm với các triệu chứng về đường hô hấp như đau họng, ngạt mũi, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước, ho khan.
Các triệu chứng toàn thân bao gồm đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói, chóng mặt, đau đầu, mất ngủ. Triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt người lớn tuổi thường có dấu hiệu không điển hình như sốt nhẹ, ớn lạnh, chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, chóng mặt, đi lại yếu. Trẻ em sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú, ít hoạt động hơn ngày thường.
- Giai đoạn hồi phục (ngày 10-14): Hết sốt, ăn uống ngon miệng. Hồi phục hoàn toàn trong các trường hợp bệnh nhẹ và không có biến chứng.
Sốt siêu vi không biến chứng chỉ cần điều trị ở nhà. Điều trị triệu chứng như hạ sốt giảm đau bằng thuốc thông thường, giảm ho, uống đủ nước (nước lọc, nước trái cây, nước có chất điện giải) và không cần truyền dịch. Nghĩ ngơi, ăn nhẹ, nên lựa chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa.
Để giảm lây nhiễm người bệnh cần thực hiện cách ly tại nhà trong thời gian sốt siêu vi, nhất là trong thời điểm có sốt. Không đến cơ quan, trường học và nơi đông người. Hạn chế tiếp xúc với người thân trong gia đình. Đeo khẩu trang và thay khẩu trang thường xuyên. Rửa tay bằng các dung dịch rửa tay thông thường. Trở lại sinh hoạt bình thường khi người bệnh hết sốt trên 24 giờ mà không cần dùng thuốc hạ sốt.
Khi ho, hắt hơi, sổ mũi cần che bằng khăn giấy hay tay áo. Rửa tay sau khi ho hắt hơi giúp giảm lây nhiễm cho những người xung quanh. Khi phải chăm sóc người bệnh cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và theo dõi các dấu hiệu của sốt siêu vi.
Biện pháp phòng ngừa khác bao gồm rửa tay thường qui, không đến gần người đang bị sốt, không sờ vào mắt mũi miệng, vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc thường xuyên, chú ý vệ sinh các vật dụng dùng chung như tay nắm cửa, mặt bàn, cầu thang. Thông khí tốt nơi sinh hoạt bằng cách không mở máy lạnh liên tục và mở cửa thường xuyên.
BS.CKI NGUYỄN THỊ DIỄM HÀ
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Cuồng và chán ăn: Hai cực rối loạn cần được cân bằng
Một số vitamin cần thiết duy trì bản lĩnh phái mạnh
Đánh giá