15 July, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Vì trẻ ở tuổi nhà trẻ có rất nhiều thái độ nhưng ít từ ngữ để diễn đạt, nên để hiểu được trẻ ở lứa tuổi này cần rất nhiều sự giúp đỡ của các bậc cha/mẹ.
Trẻ ở giai đoạn này lắng nghe tất cả mọi lời nói của chúng ta (cho dù chúng ta không để ý đến điều này). Trẻ hiểu được hơn rất nhiều so với những điều chúng ta nghĩ về khả năng của chúng. Trẻ có thể rất nhạy cảm, gắt gỏng và khóc nức nở khi bị người lớn nói hay cười chê điều gì. Thế giới của trẻ ở lứa tuổi này là một hỗn hợp những xúc cảm lớn với các kĩ năng giao tiếp vẫn còn rất khiêm tốn. Đối với các bé, đôi khi có quá nhiều cảm xúc, nhưng lại không có đủ ngôn ngữ để cho người lớn biết có điều gì xảy ra. Chúng bị giành giật giữa sự sợ hãi không được ở bên bố mẹ và niềm khao khát được tự do. Ngoài ra, trong giai đoạn này, trí não của trẻ đã nắm bắt được ý tưởng rằng trẻ có thể thay đổi được thế giới. Vì thế, trẻ bắt buộc phải giao tiếp để có thể nhận được sự giúp đỡ cho các nhu cầu hàng ngày, đồng thời để được cảm thấy an toàn, được gia đình hiểu và chấp nhận.
Trẻ nhỏ thực sự cần được lắng nghe, và sau đó là, được mọi người hiểu. Điều này có thể rất khó khăn với trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, khi mà chúng chưa có khả năng thể hiện chính mình một cách đầy đủ. Vì thế, rất có khả năng trẻ thấy thất vọng, và bực dọc, cáu kỉnh dẫn đền cơn hờn hay cơn phẫn nộ.
Các cách để giao tiếp hiệu quả với trẻ ở giai đoạn nhà trẻ
Thật sự chú ý đến những gì con đang muốn nói. Đồng thời, hãy để ý đến những xúc cảm đằng sau đó.
Thường xuyên giao tiếp với con theo cách riêng của mình. Thậm chí chỉ hai phút trong mỗi nửa giờ đã làm nên sự khác biệt.
Khi con cần bạn, hãy tạm gác mọi việc đang làm để nói chuyện cùng bé – có thể bé chỉ cần bạn chú ý hoàn toàn đến bé trong khoảng một, hai phút mà thôi.
Hạ mình xuống tầm của con bằng cách quỳ xuống hay ngồi xổm xuống cạnh con.
Để con nói hết câu rồi mới nói, cho dù con nói lắp bắp, vòng vo như thế nào đi chăng nữa.
Đọc và kể chuyện cho con nghe. Sách có tranh ảnh sẽ giúp trẻ học được nhiều về ngôn ngữ.
Luôn trung thực. Trẻ thông minh hơn người lớn nghĩ về chúng nhiều. Khi chúng ta nói dối, chúng ta sẽ đánh mất lòng tin nơi trẻ.
Nói chuyện của trẻ ở tuổi nhà trẻ
Khi bị mắc từ, trẻ ở tuổi nhà trẻ sẽ dùng hành động để truyền đạt điều mình muốn. Bé có thể kéo quần bạn để được bế, lắc hay gật đầu và dùng các cử chỉ rõ ràng để nhắc bạn tránh xa bé ra. Nếu bạn đã dạy bé một vài tín hiệu ngôn ngữ dành cho trẻ nhỏ, bé có thể sử dụng chúng khi được 18 tháng tuổi và thậm chí sẽ tự tạo thêm cho riêng mình – hãy tìm ra những khoảnh khắc sáng tạo như thế của bé và cho bé cùng tham gia để bạn có thể chia sẻ với bé điều bí mật của riêng bạn. Một tín hiệu được yêu thích là “Mẹ/Con yêu Con/Mẹ” giúp làm dịu mỗi lần chia tay và có thể “nói” từ xa.
Khi con bạn dùng ngôn ngữ cơ thể, bạn có thể giúp bé phát triển ngôn ngữ nói. Nhắc lại với bé những gì bạn nghĩ là bé muốn bằng lời và giải thích cho bé hiểu phản ứng của bạn. Chẳng hạn như, “Con muốn mẹ bế nhưng một tay mẹ lại đang bận rồi, con cầm tay kia của mẹ nhé’, hay ‘Mẹ biết con không muốn cái đó. Thế cái này thì sao?’
Nói chuyện tích cực
Bằng cách nói lên tiếng về tất cả mọi thứ, ngay cả công việc nhà bạn đang làm, bạn có thể giúp phát triển từ vựng và các kĩ năng ngôn ngữ của con.
Chúng ta ai cũng thích được nói về những gì mình có thể làm, hơn là những gì không nên làm. Và con bạn cũng như vậy. Chẳng hạn như, thay vì nói câu ‘Đừng chạy trong nhà’, bạn có thể nói ‘Hãy đi khi ở trong nhà’, hay “Đừng la hét” có thể được thay bằng ‘Nói nhẹ nhàng thôi con nhé’.
Theo raisingchildren.net.au
MedShop.vn dịch
Đánh giá