16 March, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Hiện nay tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra khá phổ biến và việc sử dụng kháng sinh để điều trị rất tùy tiện, trong đó có cả nhiễm khuẩn bệnh viện đã được các nhà khoa học cảnh báo. Đồng thời, hiện tượng vi khuẩn kháng lại với các loại thuốc kháng sinh đang sử dụng cũng là vấn đề làm hạn chế kết quả can thiệp.
Nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi có bằng chứng về tình trạng nhiễm khuẩn hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Những trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, giang mai bẩm sinh, uốn ván sơ sinh nên dùng kháng sinh diệt khuẩn đường tĩnh mạch và phối hợp các loại kháng sinh với nhau. Nếu có điều kiện nên cấy vi khuẩn tìm tác nhân gây bệnh trước khi chỉ định dùng kháng sinh theo kinh nghiệm, đồng thời để có định hướng điều trị hiệu quả.
Lưu ý cần thận trọng khi dùng những loại kháng sinh có độc tính cao đối với gan và thận như Chloramphenicol, Aminoglycoside, Quinolone; không được trộn lẫn các loại kháng sinh khác nhau khi dùng; phải ngưng ngay kháng sinh khi không có bằng chứng xác định về tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh phải được sử dụng kháng sinh đúng nguyên tắc với các loại kháng sinh cần thiết.
Các loại kháng sinh sử dụng theo tuyến y tế
Ở tuyến xã, phường, thị trấn: chỉ định sử dụng kháng sinh bằng đường tiêm bắp thịt tại vị trí mặt ngoài và giữa đùi khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm khuẩn và nên chuyển bệnh nhi lên tuyến trên. Phải tuân thủ nguyên tắc tiêm bảo đảm an toàn. Các loại thuốc kháng sinh thiết yếu cần có ở tuyến này là Benzyl penicillin, Ampicillin, Gentamycin. Đồng thời phải có sẵn các loại dịch truyền tối thiểu như Glucose 10%, Natri chlorid 0,9%, nước cất pha tiêm để sử dụng khi cần thiết.
Ở tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố: thực hiện chỉ định như tuyến xã, phường, thị trấn. Có thể sử dụng kháng sinh bằng đường tĩnh mạch và phối hợp kháng sinh trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng. Nếu không thể thiết lập được đường truyền tĩnh mạch, cần cho một liều kháng sinh bằng đường tiêm bắp thịt cho đến khi có đường truyền tĩnh mạch. Lưu ý phải chuyển bệnh nhi lên tuyến trên khi vượt quá khả năng điều trị cho phép hoặc tình trạng bệnh lý không được cải thiện sau 2 ngày điều trị, nên hội chẩn phác đồ điều trị phù hợp trước khi chuyển tuyến bệnh viện. Các loại thuốc kháng sinh thiết yếu cần có ở tuyến này bao gồm các loại kháng sinh như ở tuyến xã, phường, thị trấn và cần bổ sung các thuốc Cefotaxim, Oxacillin, Amikacin, Nystatin. Đồng thời phải có sẵn các loại dịch truyền tối thiểu như Glucose 10%, Natri chlorid 0,9%, nước cất pha tiêm, Glucose 30%, Natri bicarbonat 4,2% và 1,4%, Natri chlorure 10%, Kali chlorure 10%, Calci chlorure 10% để sử dụng khi cần thiết.
Ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương: cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh và tìm nguyên nhân gây nhiễm khuẩn. Phải lựa chọn kháng sinh sử dụng theo kết quả của kháng sinh đồ. Sau 72 giờ điều trị nếu tình trạng bệnh lý không cải thiện thì phải đánh giá lại chẩn đoán và xem xét việc thay đổi kháng sinh sử dụng phù hợp. Lưu ý nên dừng sử dụng kháng sinh ngay khi không có bằng chứng xác định về tình trạng nhiễm khuẩn. Các loại thuốc kháng sinh thiết yếu cần có ở tuyến này bao gồm các loại kháng sinh như ở tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố và cần bổ sung các thuốc Cefepim, Ticarcillin, Imipenem, Meropenem, Vancomycin, Fluconazole, Amphotericine B. Đồng thời phải có sẵn các loại dịch truyền tối thiểu như: Glucose 10%, Natri chlorid 0,9%, nước cất pha tiêm, Glucose 30%, Natri bicarbonat 4,2% và 1,4%, Natri chlorure 10%, Kali chlorure 10%, Calci chlorure 10%, dung dịch Calci gluconate, axít amin và lipid 20% dùng cho trẻ sơ sinh hoặc 10% hay 6,5% để sử dụng khi cần thiết.
BS. NGUYỄN HOÀNG ANH
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
7 động tác yoga giúp bà bầu luôn khỏe mạnh
8 điều cần làm sau khi sinh con
Lý do nên tập Kegel sau khi sinh con
Hóa giải đau bụng tiêu chảy khi mang thai
Một số vi chất dinh dưỡng với tăng trưởng và phát triển
Dấu hiệu tố bạn có hệ miễn dịch kém
Có thể mang thai sau khi điều trị ung thư cổ tử cung?
Đánh giá