02 October, 2015 0 nhận xét Nhận xét
Tại sao con bạn lại nổi giận
Sự nổi giận này là trạng thái cảm xúc tương tự cơn bão hè – đột ngột và đôi khi đáng sợ. Có thể phút trước trẻ còn đang thích thú thưởng thức bữa ăn tối với bạn trong nhà hàng nhưng ngay phút sau bé lại càu nhàu, nhăn nhó rồi la hét vì ống hút của mình bị cong. Trẻ ở độ tuổi từ 1 – 3 đặc biệt có xu hướng hay nổi giận.
Mặc dù bạn có thể lo lắng trẻ sẽ biến thành một người có tính chuyên chế, nóng giận – nhưng ở tuổi này, bé không nổi xung để nhận sự chú ý mà đang trong giai đoạn khủng hoảng để đáp ứng với sự thất vọng.
Theo Claire B.Kop, một giáo sư tâm lý phát triển ứng dụng tại trường California's Claremont Graduate University, một yếu tố khác nữa ảnh hưởng tới việc nổi giận của trẻ là do vấn đề kĩ năng ngôn ngữ chưa hoàn thiện. “Trẻ tập đi đang bắt đầu hiểu nhiều hơn số từ bé nghe được nhưng khả năng xuất ngôn còn giới hạn”. Khi không thể bày tỏ cảm giác, ý muốn tức thì bé dễ nổi giận.
Giải quyết vấn đề: 7 cách
- Không mất bình tĩnh. Cơn nóng giận trông có gì đó không được đẹp. Thêm vào hành động đá, la hét, đập cửa, bé còn có thể ném đồ đạc, đập phá và hằm hằm ngậm cục tức khiến mặt mày xanh xám. Trường hợp này rất khó kiểm soát song cần biết rằng đây là những hành vi bình thường khi trẻ tức giận.
Khi trẻ đang trong cơn thịnh nộ, bé không thể lắng nghe lí do, thậm chí sẽ phản ứng tiêu cực khi bạn hét hay đe dọa bé. “Tôi phát hiện khi tôi càng quát ngừng lại thì bé càng cuồng dại hơn”, chia sẻ của 1 bà mẹ có bé 2 tuổi. Thay vào đó, bà mẹ này khám phá ra rằng, khi bé nổi giận, bạn chỉ cần ngồi xuống và ở cạnh bé.
Nói chung, việc ở cùng con khi bé lên cơn giận là một điều hay. Chạy ra ngoài có thể khiến bé cảm thấy mình bị bỏ rơi. Và cơn bão cảm xúc đang trải qua sẽ khiến trẻ kinh hãi và sẽ đánh giá cao khi biết bạn đang gần bên con.
Nếu bạn cảm thấy mình điên tiết, một số chuyên gia cho rằng, nên ra ngoài để lấy lại bình tĩnh vài phút rồi trở lại khi bé đã ngừng khóc. Bằng việc giữ bình tĩnh, bạn sẽ giúp bé lấy lại sự bình tĩnh.
Một số chuyên gia khuyên bạn nên đón con và ôm lấy bé nếu có thể (nếu bé không quá hung hăng), và nói con hãy ôm lấy bạn. Nhưng một số ý kiến khác lại cho rằng làm vậy sẽ cố súy cho hành vi tiêu cực của trẻ, ngược lại, nên lơ đi tới khi trẻ bình tĩnh trở lại.
Bạn cũng có thể sẽ nhận thấy rằng, sử dụng hình phạt cách ly một cách khôn ngoan là một giải pháp hay. Bằng phép thử và sai, bạn sẽ học được đâu là cách phù hợp với con mình. Tuy nhiên, khi lựa chọn giải pháp, kiên định là chìa khóa của vấn đề.
2. Hãy nhớ rằng bạn là người lớn. Cho dù cơn giận của bé kéo dài bao lâu, đừng nhân nhượng với những yêu cầu vô lí hay cố gắng thương lượng với đứa trẻ đang la hét. Vì các lần sau, bé sẽ dùng cách này để kết thúc mọi vấn đề. Cố gắng đừng lo lắng về những gì người khác nghĩ – bất kì ai cũng từng là một người cha người mẹ.
Bằng cách nhân nhượng, bạn sẽ dạy trẻ rằng ném đồ đạc là một cách tốt để đạt những gì mình muốn, gây ra những xung đột tương lai. Bên cạnh đó, con cũng sẽ bị sợ hãi với việc không thể kiểm soát bản thân. Điều cuối cùng bé cảm nhận được cũng chính là việc bạn đang mất kiểm soát giống trẻ.
Nếu hành vi của bé leo thang đến độ đánh người khác hay vật nuôi, ném đồ đạc hoặc la hét không ngừng, hãy nhấc trẻ lên, đưa đến một nơi an toàn như phòng ngủ. Nói cho trẻ biết tại sao lại phải ở đó (“vì con đánh bác”, chẳng hạn) và để con biết rằng bạn sẽ ở đó cùng bé tới khi nào con lấy lại bình tĩnh.
Nếu đang ở nơi công cộng – một nơi dễ nảy sinh cơn giận – hãy chuẩn bị sẵn tư tưởng đưa con ra ngoài chờ tới khi bé nguôi giận.
“Khi cô con gái 2 tuổi của tôi nổi cáu tại một nhà hàng vì bé gọi món mỳ Ý thường nhưng phục vụ lại mang ra 1 đĩa mỳ có rau mùi tây băm nhỏ rắc phía trên. Mặc dù nhận ra tại sao bé lại buồn chán, tôi không thể để bé phá bĩnh bữa tối của người khác nên đã đưa con ra ngoài tới khi bé bình tĩnh trở lại”, một bà mẹ kể lại.
- Sử dụng hình phạt cách ly. Tùy thuộc vào trẻ, đôi khi bạn có thể dùng hình phạt cách ly, đối với bé từ 18 tháng tuổi, có thể giúp bé kiểm soát tâm trạng tốt hơn khi nổi giận. Hình phạt này hiệu quả khi bé hay nổi nóng và các biện pháp khác không hiệu quả. Để bé vào một nơi yên tĩnh hoặc – tốt hơn- là nơi chán ngán trong 1 khoảng thời gian ngắn (khoảng 1 phút/1 năm tuổi) có thể là một bài học tốt về tính tự xoa dịu bản thân.
Giải thích những việc bạn đang làm (“Giờ mẹ để con phải ở yên trong này để con bình tĩnh lại và mẹ sẽ ra ngay ngoài này”) đồng thời để trẻ biết rằng đây không phải hình phạt. Nếu bé từ chối, hãy để bé ở nơi chắc chắn và mát mẻ rồi tiếp tục công việc của bạn. Trước khi chắc chắn bé an toàn, không giao tiếp hay chú ý tới bé trong thời gian thực hiện biện pháp này.
- Nói chuyện với trẻ sau đó. Khi cơn bão qua đi, hãy ôm con lại gần và nói về những điều vừa xảy ra. Thảo luận về cơn giận bằng những thuật ngữ đơn giản cũng như thừa nhận sự thất vọng của con. Giúp bé nói ra cảm xúc bằng lời, chẳng hạn “Con rất tức giận vì thức ăn không như ý muốn của mình”. Hãy để trẻ thấy rằng khi diễn ra được bằng từ ngữ, bé sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Hãy nói một cách vui vẻ “Mẹ xin lỗi đã không hiểu con. Giờ con không còn la hét nữa, mẹ có thể biết con muốn gì”.
- Để con biết bạn rất yêu con. Khi con bình tĩnh và bạn có cơ hội nói chuyện với con về cơn giận vừa qua, hãy ôm và nói rằng bạn yêu con. Rất quan trọng để thưởng cho hành vi tốt bao gồm cả việc bé có thể ổn định và nói chuyện với bạn.
- Cố gắng giảm thiểu các tình huống dễ khiến bé nổi giận. Chú ý tới các tình huống khiến bé dễ giận dữ và chuẩn bị trước đó. Nếu bé hay xung đột khi đói, hãy nhớ mang theo đồ ăn nhẹ cho con. Còn nếu bé trở nên gắt gỏng khi chiều muộn, hãy làm các công việc vặt sớm hơn.
Nếu bé gặp khó khăn chuyển từ hành động này sang hành động tiếp theo, hãy nhẹ nhàng chuẩn bị giúp bé trước mỗi sự chuyển đổi. Báo trước với bé về việc sẽ rời sân chơi ra về hoặc chuẩn bị tới bữa tối (“Chúng ta chuẩn bị ăn khi nào con với bố xong mẩu chuyện nhé”). Cho bé cơ hội để điều chỉnh thay vì phải phản ứng.
Nếu bé vẫn giận dỗi, cố gắng phân tán con bằng cách thay đổi địa điểm, cho con một món đồ chơi hoặc làm gì đó con không mong đợi đến, chẳng hạn tạo khuôn mặt ngờ ngệch hay chỉ cho bé xem chú chim nào đó trên cây.
Bé tập đi sẽ càng ngày càng tự lập vì vậy nên cho bé lựa chọn bất cứ khi nào có thể. Không ai thích bị sai bảo phải làm gì. Chẳng hạn thay vì nói “Ăn ngô đi con”, bạn có thể nhẹ nhàng rằng “Con thích ăn ngô hay carot nào?”. Điều này sẽ cho bé cảm giác được kiểm soát tình huống.
Điều chỉnh tần suất nói “không” của bạn. Nếu nhận ra bạn dùng thường xuyên, vô tình có thể bạn đã tạo áp lực không cần thiết lên cả bé và bạn. Cố gắng thoải mái và lựa chọn tình huống.
- Theo dõi các dấu hiệu quá căng thẳng của con. Mặc dù việc nổi nóng hàng ngày với bé tuổi này là điều bình thường, song tốt nhất bạn vẫn nên để mắt tới những vấn đề có thể xảy ra. Có sự thay đổi nào đó trong gia đình không? Đây là một giai đoạn cực kì bận rộn và vội vàng chăng? Hay căng thẳng giữa 2 bố mẹ? Tất cả đều có thể kích động trẻ.
Nếu những cơn nổi nóng của bé quá thường xuyên hoặc mãnh liệt (hoặc bé tự làm tổn thương bản thân hoặc người khác), hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các mốc phát triển và hành vi của con khi đưa bé đi kiểm tra. Đây là những cơ hội tốt để bạn chia sẻ về mối lo lắng của mình với hành vi của trẻ đồng thời giúp phát hiện các vấn đề tâm sinh lý nghiêm trọng của con. Bác sĩ cũng sẽ gợi ý cho bạn các cách để giải quyết tình huống khi bé nóng giận.
Bạn cũng cần cho bác sĩ biết nếu con sợ những cơn nín thở khi giận dữ. Có một vài bằng chứng cho thấy hành vi này liên quan tới việc thiếu sắt.
Medshop.vn dịch
Theo Baby center
Đánh giá