14 September, 2021 0 nhận xét Nhận xét
Dù bạn bị đái tháo đường trước khi mang thai hay bị đái tháo đường thai kỳ, quan trọng nhất vẫn là giữ lượng đường trong máu ổn định. Có 5 cách để bà mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ kiểm soát tiến triển bệnh.
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ (GDM) là bệnh đái tháo đường phát triển trong thời kỳ mang thai. Ở đa số phụ nữ, sau khi thai kỳ kết thúc, bệnh đái tháo đường thường biến mất và lượng đường trong máu trở lại bình thường. Bệnh thường không gây nguy hiểm nghiêm trọng như với các thai phụ đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 hoặc type 2 trước khi mang thai.
Đái tháo đường thai kỳ sẽ không nguy hiểm nếu được kiểm soát tốt bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc nếu cần thiết. Mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cần được theo dõi chặt chẽ và tất nhiên, vẫn có rủi ro. Bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến nguy cơ sinh non cũng như các biến chứng khác, đặc biệt nếu nó không được kiểm soát và điều trị sớm.
Duy trì mức đường huyết mục tiêu trong thời kỳ mang thai thường giống như một hành động cân bằng.
Một mặt, bạn giữ mức đường huyết đủ thấp để tránh các triệu chứng tăng đường huyết. Kiểm soát lượng đường trong máu có thể tránh được các triệu chứng của tăng đường huyết, bao gồm đau đầu, mệt mỏi, mất tập trung và mờ mắt.
Mặt khác, bạn phải tránh mức đường huyết xuống thấp đến mức gặp phải các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm run rẩy, choáng váng, lú lẫn, buồn nôn, nôn mửa và ngất xỉu.
5 bước để kiểm soát lượng đường huyết
Hầu hết phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ sinh ra những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, để được như vậy, bạn có thể cần phải thay đổi lối sống của mình để phát triển một thai kỳ khỏe mạnh và tránh bất kỳ rủi ro nào cho em bé của bạn (bao gồm sinh non, sinh quá cân và hội chứng suy hô hấp).
Việc quản lý liên quan đến việc đưa ra các lựa chọn lành mạnh và bạn cần phải tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn khi bắt đầu được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
1. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Bởi vì ăn đúng chế độ là yếu tố quan trọng để kiểm soát bệnh đái tháo đường, bạn không nên lo lắng quá mức hoặc tự mình tạo ra một chế độ ăn kiêng. Thay vào đó, hãy trao đổi với bác sĩ theo dõi sức khỏe của bạn để đảm bảo rằng nó được điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng và sức khỏe cụ thể của từng cá nhân.
Chế độ ăn lành mạnh bao gồm việc cân bằng lượng carbohydrate phù hợp để cung cấp cho bạn năng lượng và lượng glucose cần thiết nhưng không quá nhiều khiến lượng đường trong máu của bạn mất cân bằng. Điều này có thể yêu cầu bạn phải đếm lượng carbs của mình mỗi ngày và lập kế hoạch cho các bữa ăn của bạn hàng ngày, đảm bảo rằng bạn có vừa đủ lượng tinh bột, trái cây, rau, protein, sữa và chất béo.
2. Tập thể dục vừa phải
Tập thể dục vừa phải không giống như làm việc nhà hoặc một lớp học căng thẳng. Nó đòi hỏi bạn phải tham gia vào các hoạt động thể chất như đi bộ, bơi lội hoặc tham gia một lớp thể dục nhịp điệu trước khi sinh. Làm như vậy có thể giúp cơ thể bạn điều chỉnh insulin tốt hơn và do đó kiểm soát được lượng đường trong máu ổn định.
Đi bộ giúp cân bằng đường huyết ở phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ.
3. Duy trì trọng lượng khỏe mạnh
Cho dù bạn đang thừa cân hay cân nặng bình thường, bạn cần duy trì kiểm soát sự tăng cân của mình trong suốt quá trình mang thai.
Tùy thuộc vào cân nặng và chiều cao của bạn tại thời điểm thụ thai, bác sĩ sẽ cho biết bạn nên tăng bao nhiêu cân vào từng giai đoạn của thai kỳ.
Giảm cân khi mang thai không chỉ có hại mà còn có thể nguy hiểm. Tuyệt đối không nên bắt đầu chương trình giảm cân bất kỳ khi bạn đang hoặc có ý định mang thai. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc kiểm soát mức tăng cân của bạn trong giới hạn khuyến nghị bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp.
4. Theo dõi mức đường huyết
Để duy trì sự kiểm soát lượng đường trong máu, bạn sẽ cần phải kiểm tra đường huyết thường xuyên. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách đo và số lần đo cũng như cách ghi chép lại để theo dõi đường huyết. Bạn có thể thực hiện đo đường huyết tối đa 5 lần mỗi ngày.
Kiểm tra đường huyết lúc đói điều đầu tiên vào buổi sáng trước khi ăn sáng.
Kiểm tra 1-2 giờ sau khi ăn sáng.
Kiểm tra 1-2 giờ sau bữa trưa.
Kiểm tra 1-2 giờ sau bữa ăn tối.
Kiểm tra ngay trước khi đi ngủ.
Nên theo dõi mức đường huyết hằng ngày để kịp thời điều chỉnh và cân bằng đường huyết.
5. Sử dụng insulin nếu cần
Ngay cả khi bạn tuân thủ chế độ ăn và tập luyện, bạn vẫn có thể cần dùng insulin để giữ lượng đường trong máu trong tầm kiểm soát. Đừng quá lo lắng dùng insulin sẽ ảnh hưởng tới thai kỳ,việc làm này chỉ đơn giản là thực hiện các bước bổ sung để ngăn ngừa những biến chứng khi mà chế độ ăn uống và tập thể dục đều không thể kiểm soát hoàn toàn.
Nếu được kê đơn insulin, bác sĩ sẽ chỉ cho bạn cách thức, thời gian và liều lượng phù hợp. Với sự theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ, bạn sẽ có thể đạt được các biện pháp kiểm soát cần thiết để đảm bảo một thai kỳ bình thường, khỏe mạnh.
BS. Nguyễn Hải Giang
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nam giới căng tức vùng kín, cảnh giác với tràn dịch màng tinh hoàn
Đánh giá