30 October, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Thời gian hành kinh từ 3 - 5 ngày với lượng máu mất đi khoảng 50 - 80ml/chu kỳ. Khi bị rong kinh, lượng máu mất đi vượt quá 80ml/chu kỳ kinh nguyệt.
Phân biệt rong kinh với rong huyết: rong huyết là hiện tượng ra máu từ đường sinh dục kéo dài trên 7 ngày và không có chu kỳ. Nói một cách khác, rong huyết là ra máu không liên quan đến kỳ kinh. Còn rong kinh là ra máu kinh kéo dài trên 7 ngày.
Nguyên nhân thường gặp
Nguyên nhân rong kinh cơ năng: Rong kinh cơ năng là tình trạng chảy máu do các nguyên nhân như rối loạn nội tiết tố. Thường gặp trong giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ hoạt động sinh sản.
Rong kinh ở tuổi dậy thì: Trong vòng 2 năm đầu tiên khi bắt đầu có kinh, cơ thể bạn gái đang trong quá trình phát triển. Hoạt động của buồng trứng, tử cung và nội tiết tố nữ dần hoàn thiện. Do vậy, chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn không đều.
Hướng điều trị: Đầu tiên, cần loại trừ những nguyên nhân ác tính, các bệnh về máu, nhất là ở những người lần đầu thấy kinh đầu tiên đã bị rong kinh. Sau đó mới đặt vấn đề điều trị cầm máu. Các biện pháp cầm máu như nạo bằng hormon (progesteron). Kết hợp với các thuốc cầm máu, thuốc co hồi tử cung như oxytocin, ergotamin.
Đề phòng rong kinh có thể cho progestagen đơn thuần vào nửa sau dự kiến của vòng kinh. Hoặc kết hợp estrogen với progestagen như kiểu viên thuốc tránh thai. Nếu điều trị bằng mọi biện pháp không kết quả mới phải nạo buồng tử cung bằng dụng cụ.
Rong kinh tuổi tiền mãn kinh: Giai đoạn tiền mãn kinh thì chu kỳ kinh nguyệt thưa dần, ra máu kéo dài hoặc ra nhiều huyết hơn. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, niêm mạc tử cung thường quá sản dạng tuyến nang gấp 10 lần so với lứa tuổi 20 - 45. Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh cũng cần phải loại trừ các nguyên nhân ác tính.
Hướng điều trị: Cầm máu tốt nhất là nạo niêm mạc tử cung. Do vừa giúp cầm máu nhanh, vừa có thể lấy bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh loại trừ nguyên nhân ác tính và xác định rõ ràng tình trạng quá sản niêm mạc tử cung để điều trị hormon tiếp theo.
Rong kinh do nguyên nhân thực thể: Là tổn thương thực thể do các bệnh lý như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, polyp tử cung, buồng trứng đa nang, ung thư nguyên bào nuôi, ung thư nội mạc tử cung... Nếu bệnh nhân trên 40 tuổi điều trị nội khoa không hiệu quả, nên mổ cắt tử cung.
U xơ tử cung: Đây là những khối u lành tính của tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 30 - 50 tuổi. U xơ tử cung có thể gây nên tình trạng chảy máu kinh nguyệt nhiều hoặc kéo dài.
Việc điều trị tùy theo kích thước khối u và biến chứng u xơ tử cung gây ra. Nếu khối u nhỏ có thể theo dõi định kỳ kết hợp điều trị nội khoa. Nếu khối u to kèm theo rong kinh rong huyết nhiều thì phẫu thuật bóc tách khối u hoặc cắt tử cung.
Polyp tử cung: Polyp tử cung là một khối u dính vào thành trong tử cung và sa vào buồng tử cung. Polyp được hình thành từ sự phát triển quá mức của các tế bào nội mạc tử cung. Kích thước của chúng từ vài mm cho đến vài cm. Polyp được nối vào thành tử cung qua một chân rộng hoặc một cuống nhỏ. Đôi khi chúng không gây ra những dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Một số trường hợp dẫn tới tình trạng rong kinh rong huyết kéo dài.
Ung thư: Ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung... là các nguyên nhân ác tính gây nên tình trạng chảy máu bất thường đường sinh dục. Quá trình điều trị khó khăn và tiên lượng kém cho người bệnh nếu phát hiện muộn. Khám phụ khoa định kỳ và sàng lọc bằng PAP test có giá trị phát hiện sớm bệnh ung thử cổ tử cung.
Nhiễm trùng: Một số tình trạng rong kinh do viêm nhiễm đường sinh dục như viêm nội mạc tử cung gây ra.
Cha mẹ cần quan tâm đến các em tuổi dậy thì. Nếu là bệnh lý, cần đưa các em đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Một số nguyên nhân khác
Dụng cụ tránh thai: Rong kinh là một tác dụng phụ thường gặp khi đặt vòng tránh thai trong buồng tử cung.
Thuốc: Một số loại thuốc như thuốc kháng viêm, thuốc nội tiết estrogen và progestin hay thuốc chống đông máu như warfarin (coumadin, jantoven) hoặc enoxaparin (lovenox) có thể góp phần làm cho kinh nguyệt kéo dài hơn.
Rối loạn đông cầm máu: Ví dụ như xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh Von willebrand gây thiếu yếu tố đông máu quan trọng có thể gây rong kinh. Một số bệnh lý khác như bệnh gan, bệnh thận cũng có thể dẫn tới rối loạn này.
Như vậy, rong kinh có thể là biểu hiện của một rối loạn nội tiết tố tạm thời hoặc là nguyên nhân của những bệnh lý như u xơ tử cung, polyp tử cung. Hay nguy hiểm hơn như ung thư nội mạc tử cung... Vì thế, để xác định được nguyên nhân chính xác của hiện tượng này, cần đi khám và tư vấn cụ thể bởi bác sĩ sản khoa để có biện pháp điều trị rong kinh thích hợp.
BS. Nguyễn Thu Thủy
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Những thực phẩm “khắc tinh” của tuyến giáp
Những lầm tưởng về “chuyện ấy”
Chọn thực phẩm hỗ trợ thụ thai
Đánh giá