04 December, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Một trong những triệu chứng rất hay gặp đó là hồi hộp đánh trống ngực. Những triệu chứng này có thật sự là bệnh lý không? Khi nào cần phải đến khám bác sĩ? Cách nào phòng tránh?
Các triệu chứng thường gặp của tiền mãn kinh
Phụ nữ tiền mãn kinh thường có các triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực. Đó là cảm giác nhịp tim của bạn đập nhanh hơn bình thường. Bạn có cảm giác bị đè nặng ở ngực và cảm giác này lan lên đến cổ và hàm của bạn.
Bên cạnh đó, giai đoạn tiền mãn kinh bạn có thể có các triệu chứng sau: Mệt mỏi không giải thích được; cảm giác bốc hỏa; ra mồ hôi đêm; khô vùng âm đạo; kinh nguyệt không đều, có nhầy hoặc chảy máu giữa kỳ; ngủ kém; tính khí thất thường; da và tóc khô; giảm trí nhớ; giảm khả năng tình dục.
Nguyên nhân hồi hộp đánh trống ngực ở phụ nữ mãn kinh
Trong thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen giảm sút. Cuối thời kỳ mãn kinh, cơ thể bạn sẽ dừng không sản xuất ra loại hormon này. Thay đổi hàm lượng estrogen dẫn đến hồi hộp đánh trống ngực. Cơn hồi hộp đánh trống ngực hay kèm theo khi bạn có cơn bốc hỏa. Tần số tim lúc này có thể tăng lên từ 10-20 nhịp.
Các nguyên nhân khác cũng góp phần làm hồi hộp đánh trống ngực ở phụ nữ tiền mãn kinh là: Căng thẳng; Dùng cà phê, rượu hoặc thuốc lá; dùng các thuốc chống cảm lạnh, thuốc ho hoặc các thuốc giãn phế quản; sốt; Nhịp tim nhanh do các bệnh lý rối loạn nhịp như rung nhĩ và tim nhanh trên thất; Huyết áp tụt hoặc đường huyết hạ; mất nước.
Khi cơn hồi hộp đánh trống ngực ngày càng nhiều hơn kèm khó thở, đau ngực, cần phải đến khám bác sĩ ngay.
Khi nào bạn phải đến bác sĩ khám?
Nếu thỉnh thoảng bạn mới có cơn hồi hộp đánh trống ngực hoặc cơn này chỉ kéo dài một vài giây, bạn không cần thiết phải đến khám bác sĩ. Chỉ đến khám bác sĩ khi: cơn hồi hộp đánh trống ngực ngày càng nhiều hơn; cơn kéo dài trên vài phút; càng ngày càng thấy khó chịu hơn.
Cần phải đến bệnh viện ngay nếu hồi hộp đánh trống ngực kèm khó thở; đau ngực; choáng váng; ngất.
Các phương pháp chẩn đoán
Khi có cơn hồi hộp đánh trống ngực, bạn nên đến khám các bác sĩ tim mạch, đặc biệt là các bác sĩ làm điện sinh lý học tim. Thường các bác sĩ sẽ hỏi bạn các câu:
Triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực bắt đầu khi nào? Nó có đi kèm với triệu chứng trong thời kỳ bạn tiền mãn kinh không? Cơn hồi hộp bắt đầu như thế nào? Xảy ra đột ngột hay từ từ? Nó bắt đầu sau khi gắng sức, khi gặp căng thẳng hay sau dùng thuốc? Cơn này kéo dài bao lâu? Nó hết như thế nào? Nó có kèm theo các triệu chứng như đau ngực, choáng váng hoặc ngất không?...Sau khi khám, các bác sĩ sẽ thường làm các xét nghiệm bao gồm: Điện tâm đồ; Siêu âm tim; Nghiệm pháp gắng sức; Đeo holter điện tâm đồ.
Có phải là một triệu chứng nguy hiểm?
Hồi hộp đánh trống ngực do tiền mãn kinh thường là lành tính. Nó chỉ là tạm thời. Đa phần các triệu chứng này sẽ mất đi khi bạn qua thời kỳ tiền mãn kinh.
Một số phụ nữ có triệu chứng này có thể là triệu chứng của cơn rung nhĩ hoặc cơn tim nhanh kịch phát trên thất. Cơn rung nhĩ ở tuổi này có thể có nguy cơ tai biến mạch não cho bạn. Bạn nên cẩn trọng đến khám bác sĩ và theo dõi nếu có chẩn đoán là cơn rung nhĩ. Cơn tim nhanh kịch phát trên thất mà hay gặp thời kỳ này là tim nhanh vòng vào lại nút nhĩ thất. Rất may là các cơn tim nhanh này có thể điều trị khỏi hoàn toàn với tỉ lệ thành công trên 95% bằng phương pháp triệt đốt bằng sóng có tần số radio.
Cách nào phòng tránh?
Để phòng tránh được cơn hồi hộp đánh trống ngực, cần tránh những thức ăn và thuốc làm tăng tần số tim của bạn như: cà phê, sô cô la, nước sô đa, các thức uống tăng lực; Thức ăn quá cay; Rượu, thuốc lá hoặc thuốc phiện.
Nếu bạn quá căng thẳng trong thời kỳ này, một số biện pháp sau có thể giúp cho bạn như: hít thở sâu, tập yoga, dùng thuốc, đi massage.
Nếu tần số tim bạn quá nhanh, các bác sĩ có thể kê một số thuốc cho bạn như là chẹn bêta, chẹn kênh canxi hoặc chẹn kênh If.
Một số phụ nữ dùng hormon thay thế có thể làm giảm triệu chứng hồi hộp vì nó có thể điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh khác như bốc hỏa và khô âm đạo. Tuy nhiên, việc điều trị này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim cũng như làm tăng khả năng bị ung thư vú. Bạn nên cân nhắc với các bác sĩ của bạn về dùng hormon thay thế.
Lời khuyên của bác sĩ
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, bạn cần chú ý hơn đến sức khỏe tim mạch bằng các cách sau:
Tập thể dục bằng đi bộ, đi xe đạp, bơi hoặc tập aerobic trong 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong 1 tuần;
Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, cá và các thức ăn ít chất béo. Cắt giảm đường, muối và các chất béo bão hòa;
Khống chế huyết áp, đường máu, mức cholesterol. Nếu quá cao, các bác sĩ sẽ kê đơn điều trị cho bạn; Duy trì cân nặng; Nếu bạn hút thuốc hoặc uống rượu, hãy dừng lại.
TS.BS. Phạm Như Hùng
((Tổng thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam))
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức có hại cho sức khoẻ
7 nguyên tắc khi dùng kháng sinh
Trầm cảm, lo lắng, mất ngủ, mất kiểm soát thần kinh do nghiện smartphone
Vì sao bị thiểu năng tinh trùng?
Mắc bệnh phụ khoa khi mang thai có nguy hiểm?
Đánh giá