10 October, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Thúy Quỳnh (Hải Dương).
Táo bón là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh. Sau khi sinh, sản phụ bị mất máu, lại hay phải kiêng cữ, thường nằm một chỗ, ít vận động nên nhu động ruột càng yếu hơn. Phân lưu lại trong ruột lâu bị tái hấp thu nước nhiều nên khô và cứng lại, càng làm tăng nguy cơ bị táo bón.
Thậm chí, một số loại thuốc giảm đau khi chuyển dạ cũng có thể làm chậm hoạt động của ruột dẫn đến táo bón. Nếu không có biện pháp giải quyết sớm mà để táo bón kéo dài, người bệnh có nguy cơ bị ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa và sinh dục như: trĩ, sa dạ con, sa trực tràng, đại tiện ra máu...
Chữa trị táo bón ngay từ đầu rất đơn giản: chỉ cần tăng cường bổ sung chất xơ, uống nhiều nước, vận động nhẹ nhàng... Cụ thể, thực hiện chế độ ăn uống đúng (ăn đủ các nhóm chất bột, đường, đạm, béo, rau và trái cây), không nên chỉ ăn những thức ăn khô như cá, giò lụa, thịt kho tiêu... mà phải ăn canh, rau.
Uống nhiều nước hoặc sữa loại ít chất béo, không đường, có nhiều chất xơ.
Tập thể dục hoặc nịt bụng vì sau khi sinh tử cung nhỏ lại, ổ bụng lỏng lẻo, áp lực trên các quai ruột giảm gây táo bón.
Việc nịt bụng và tập thể dục để cơ thành bụng săn chắc lại một cách nhanh chóng sẽ làm cho áp lực ổ bụng trở lại bình thường giúp giảm táo bón.
Bạn nên ăn các món có vị chua như sữa chua, nước hoa quả có vị chua tự nhiên như nước bưởi, nước cam... hay các loại canh chua cũng rất có ích trong việc phòng tránh táo bón. Tập đi đại tiện đều đặn mỗi ngày vào một giờ cố định (buổi sáng).
BS. Nguyễn Bùi
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Các dưỡng chất thiết yếu cho phụ nữ
7 dấu hiệu nguy cơ ung thư nội mạc tử cung
Đánh giá