Thai bám sẹo mổ cũ là một dạng hiếm gặp của thai lạc chỗ, do thai làm tổ ở sẹo - nơi vết mổ lấy thai ở lần sinh trước. Ngày nay, thai bám vết mổ cũ thường gặp hơn do tỷ lệ mổ lấy thai có khuynh hướng gia tăng.
Đa số trứng thụ tinh sẽ bám ở vùng đáy tử cung có thể là mặt trước hoặc mặt sau - nơi có lớp nội mạc được chuẩn bị chu đáo. Nhưng một số trứng khác vẫn có thể bám vào mặt bên, đoạn dưới hay gần cổ tử cung. Đối với những bà mẹ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, vị trí sẹo này nằm ở mặt trước ở đoạn eo tử cung.
Đây là loại bệnh lý rất nguy hiểm, có thể dẫn đến vỡ tử cung, xuất huyết tử cung ồ ạt và những biến chứng đe dọa mạng sống nếu thai phát triển lớn.
Số liệu báo cáo những năm gần đây cho thấy tỷ lệ mổ lấy thai ở nước ta đang tăng cao. Tại nhiều bệnh viện phụ sản, tỷ lệ này lên đến 40% và những sản phụ này phải đối mặt với nguy cơ thai bám ở vết mổ cũ nhiều hơn. Về mặt diễn tiến, trường hợp thai vẫn tiếp tục phát triển đến tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 sẽ có tiên lượng sản khoa rất xấu bao gồm vỡ tử cung, nhau cài răng lược, xâm lấn bánh nhau và bàng quang gây xuất huyết ồ ạt, nguy cơ phải cắt bỏ tử cung.
Mặt khác, sai sót không nhận ra thai ở sẹo mổ lấy thai sẽ dẫn đến những can thiệp bỏ thai như nong nạo, uống thuốc phá thai không đúng cách có thể dẫn đến xuất huyết ồ ạt, ảnh hưởng đến tính mạng.
Siêu âm phát hiện sớm tình trạng thai phát triển.
Ai dễ bị thai bám vết mổ cũ?
Người đã từng mổ lấy thai hoặc người trước đó có mổ trên cơ tử cung như: bóc nhân xơ, may tái tạo tử cung, nhau cài răng lược được mổ bảo tồn, mổ nhau tiền đạo. Phụ nữ nạo phá thai nhiều lần, thai ngoài tử cung. Thụ tinh ống nghiệm hoặc người có tiền sử nhau bám chặt... có thể bị mắc nguy cơ này.
Các triệu chứng lâm sàng thường không điển hình bao gồm trễ kinh, đau bụng, ra huyết, khoảng 1/3 bệnh nhân không có triệu chứng. Cần chẩn đoán nghi ngờ khi bệnh nhân có sẹo mổ lấy thai. Siêu âm ngả âm đạo kết hợp Doppler là phương tiện đắc lực hỗ trợ trong việc chẩn đoán.
Điều trị
Nếu khối thai của bệnh nhân còn nhỏ, xâm lấn ít vào cơ tử cung. Các bác sĩ sẽ cố gắng lấy thai qua ngả âm đạo. Các phương pháp thường được áp dụng như nong nạo hay đặt bóng chèn kèm chích thuốc hủy các tế bào thai còn lại.
Bệnh nhân được theo dõi kỹ tại bệnh viện, làm các xét nghiệm theo dõi hormon thai trong máu (beta HCG), thử máu đánh giá tác dụng phụ của thuốc lên cơ thể, siêu âm kiểm tra kích thước khối thai.
Nếu lượng hormon thai, kích thước khối thai giảm và hết ra huyết sẽ cho xuất viện, tái khám mỗi tuần, sau đó tái khám mỗi tháng. Đến khi hormon thai giảm hết và khối thai tan hết là bệnh nhân đã thành công trong điều trị.
Mỗi lần tái khám sẽ thử máu kiểm tra lượng hormon và siêu âm kiểm tra khối thai.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân không được vận động mạnh, không quan hệ tình dục, không đi xa.
Bệnh nhân cần lưu ý nhập viện lại nếu: ra huyết nhiều, lượng hormon thai tăng, siêu âm khối nhau to lên hay tăng sinh mạch máu.
Đôi khi bệnh nhân sẽ cần phải phẫu thuật trong trường hợp thai lớn hay chảy máu nhiều gây nguy hiểm tính mạng, khi đó, bác sĩ sẽ cố gắng lấy phần thai và giữ lại tử cung, nếu chảy máu nhiều sẽ phải cắt tử cung.
Một lưu ý nữa là khi người bệnh xuất viện, cần theo dõi mỗi 1-2 tuần liên tục trong 3 tháng. Trong thời gian theo dõi, nếu cần tránh thai, có thể dùng bao cao su hay viên thuốc tránh thai hàng ngày có tác dụng ngừa thai và điều chỉnh tình trạng kinh nguyệt.
Những trường hợp có can thiệp thủ thuật, muốn có thai lại, tốt nhất từ 6 tháng trở đi và trên 12 tháng đối với phẫu thuật.
BS. Nguyễn Thị Ngọc Huyền
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Chị em dễ bị giảm ham muốn, vì sao?
Tổn thương do bạo hành: Chim non trước bão…
Trẻ em suy nhược cơ thể, vì sao?
Đánh giá