Dậy thì muộn có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu xuất phát từ các yếu tố như: di truyền, bệnh mạn tính, vấn đề về tuyến yên, tuyến giáp, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý...
Nguyên nhân đầu tiên cần nghĩ tới khi thấy trẻ dậy thì muộn là do gene di truyền, khi trong gia đình có bố mẹ, cô dì chú, anh em, chị em, hoặc anh em họ (gần) chậm dậy thì. Với trường hợp này thì không cần biện pháp can thiệp. Trẻ sẽ phát triển sau so với bạn cùng tuổi và không ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của cơ thể cũng như khả năng sinh sản.
Dậy thì muộn cũng có thể xảy ra khi tuyến yên hoặc tuyến giáp - các tuyến sản xuất hormon quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể gặp vấn đề.
Một số người dậy thì muộn do có nhiễm sắc thể bất thường, khiến ADN “lập trình” kế hoạch phát triển của cơ thể cũng trục trặc.
Trẻ mắc một số bệnh mạn tính cũng có thể gây ra sự chậm trễ trong tuổi dậy thì như: đái tháo đường, bệnh thận hoặc hen suyễn, vì những bệnh này có thể làm chậm quá trình phát triển của cơ thể. Khi con mắc những bệnh như vậy, gia đình nên cho con đi khám để bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị giúp con vượt qua tuổi dậy thì một cách bình thường.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong vấn đề dậy thì sớm hay muộn. Một người đang bị suy dinh dưỡng cũng có thể phát triển muộn hơn những người có một chế độ ăn uống cân bằng đủ chất. Trường hợp ăn không đủ bữa, biếng ăn, rối loạn ăn uống hay thường xuyên áp dụng chế độ giảm cân quá mức sẽ khiến cơ thể không thể phát triển với tốc độ bình thường được.
Về cơ bản, dậy thì muộn không ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể nhưng lại dễ ảnh hưởng tâm lý. Vì vậy, nếu thấy con có dấu hiệu dậy thì muộn, nên đi khám để được tư vấn cụ thể.
BS. Băng Tâm
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nhận biết suy giảm nội tiết tố nam giới
Thừa cholesterol gây hậu quả gì?
Đánh giá