22 May, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Dấu hiệu phù phổi cấp
Đối với sản phụ mang thai mắc một số bệnh lý đã được nêu ở trên, tình trạng phù phổi cấp có thể xuất hiện trong thai kỳ, trong khi chuyển dạ hoặc thậm chí cả sau lúc sinh đẻ. Sản phụ có biểu hiện khó thở đột ngột, nhịp thở nhanh, ho nhiều, môi và các đầu chi tím tái, tinh thần hốt hoảng, tức ngực, vã nhiều mồ hôi, chân tay lạnh. Nghe phổi phát hiện có ran ẩm nhỏ hạt ở đáy phổi dâng lên nhanh, gõ thấy đục ở đáy phổi. Từ triệu chứng ho khan lúc đầu chuyển sang ho khạc ra đờm với bọt màu hồng ngày càng nhiều. Nghe tim ghi nhận nhịp tim nhanh trên 100 lần mỗi phút kèm theo các tiếng tim bệnh lý, đôi khi có tiếng ngựa phi. Đo huyết áp thấy tăng cao hoặc bị kẹt. Đo áp lực tĩnh mạch trung ương thấy cũng cao, có dấu hiệu tĩnh mạch cổ nổi. Chụp phim X-quang có dấu hiệu phổi mờ. Lưu ý cần chẩn đoán phân biệt cơn hen phế với biểu hiện khi nghe phổi có nhiều ran rít và ran ngáy, gõ vang, lồng ngực căng và cơn hen tim với hiểu hiện có khó thở ở thì thở ra, ran rít.
Biện pháp xử trí can thiệp
Đứng trước một trường hợp sản phụ mang thai bị phù phổi cấp đã được chẩn đoán xác định, việc xử trí tích cực ban đầu rất quan trọng nhằm cứu sản phụ qua khỏi cơn nguy kịch để hạn chế tử vong. Lưu ý cần kêu gọi một số người đến giúp đỡ, hỗ trợ và cùng cấp cứu sản phụ. Kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp, nhịp thở, nghe tim phổi. Bảo đảm sự thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho sản phụ nằm đầu cao, hút đờm dãi làm thông đường hô hấp, cho thở oxy. Lập đường truyền tĩnh mạch để sử dụng đưa thuốc vào cơ thể khi cần thiết. Phải tư vấn, giải thích cho gia đình biết tình trạng nặng của bệnh lý, nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ lẫn con. Nếu ở tuyến y tế xã, phường, thị trấn; phải tiêm ngay cho sản phụ bằng đường dưới da 10mg thuốc morphin và chuyển ngay lên tuyến trên với nhân viên y tế đi kèm; cần cho sản phụ thở oxy nếu có, đặt tư thế đầu cao khi di chuyển.
Phù phổi cấp trong khi chuyển dạ ở phụ nữ mang thai có nguy cơ tử vong cao
Việc xử trí nguyên nhân bệnh lý gây nên phù phổi cấp ở sản phụ mang thai được thực hiện tùy theo tuyến y tế. Đối với tuyến xã, phường, thị trấn; cần gọi yêu cầu tuyến trên đến giúp đỡ, huy động tất cả nhân viên y tế sẵn có tập trung cấp cứu sản phụ; đồng thời thực hiện việc xử trí ban đầu như đã nêu ở trên; cần tư vấn, giải thích cho gia đình biết tình trạng nặng của bệnh và chuyển ngay sản phụ lên tuyến trên với nhân viên y tế đi kèm.
Đối với tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên: nếu phù phổi cấp do huyết động, cho sản phụ ngồi thẳng và để chân thõng xuống, đặt ga rô ở 3 chi và luân chuyển, đặt nội khí quản và hút đờm dãi, cho thở oxy 60% với dung lượng 8 - 12 lít trong mỗi phút; tiêm tĩnh mạch thuốc lợi tiểu với thuốc được lựa chọn thường là lasix 20mg dùng 4 ống, khi cần thiết có thể tăng liều tùy thuộc vào lượng nước tiểu và tình trạng khó thở của sản phụ; dùng thuốc trợ tim như cedilanit 0,4mg với liều lượng 1 - 2 ống; tiêm dưới da 10mg thuốc morphin; nếu cần thì phải trích máu tĩnh mạch và khuyến cáo nên trích khoảng 300ml máu; về xử trí sản khoa có thể phẫu thuật mổ lấy thai khi tình trạng sản phụ cho phép hoặc đặt forceps để hỗ trợ sinh khi đủ điều kiện. Nếu phù phổi cấp do tổn thương, phải đặt nội khí quản và cho thở máy, hô hấp viện trợ, thở oxy; truyền tĩnh mạch thuốc dopamin, truyền huyết tương; sử dụng kháng sinh liều cao, tiêm tĩnh mạch thuốc methyl prednisolon 30mg cách 4 giờ một lần; về xử trí sản khoa có thể phẫu thuật mổ lấy thai khi tình trạng sản phụ cho phép hoặc đặt forceps để hỗ trợ sinh khi đủ điều kiện.
Lưu ý tất cả các trường hợp sau khi điều trị tích cực trong khoảng 30 phút cần đánh giá lại xem sản phụ có đáp ứng với việc điều trị hay không như tình trạng khó thở có được cải thiện không. Nếu tình trạng được cải thiện thì tiếp tục điều trị duy trì, đồng thời điều trị nguyên nhân. Nếu tình trạng không được cải thiện thì phải tiếp tục điều trị tích cực, tổ chức hội chẩn chuyên khoa và mời tuyến trên đến hỗ trợ hoặc chuyển lên tuyến trên nếu cần thiết.
Lời khuyên của thầy thuốc
Như trên đã nêu, đối với phụ nữ mang thai mắc một số bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, có biểu hiện tiền sản giật hay sản giật hoặc các bệnh nhiễm trùng trong lúc mang thai thì rất dễ bị phù phổi cấp trong khi chuyển dạ, có thể trong thời kỳ mang thai hoặc thậm chí ngay cả sau khi sinh. Bệnh lý này rất dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong cho cả mẹ lẫn con nếu không được phát hiện, chẩn đoán xác định và xử trí can thiệp điều trị kịp thời. Thực tế tại một số địa phương, đặc biệt là ở tuyến đầu có các trường hợp phù phổi cấp xảy ra cho sản phụ trong khi chuyển dạ nhưng phát hiện muộn và xử trí điều trị chưa tích cực nên đã dẫn đến điều đáng tiếc, vì vậy tất cả các cơ sở y tế cần quan tâm đến vấn đề này.
BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Cách khắc phục chứng thống kinh
Bị u nang buồng trứng có sinh con được không?
Trẻ em ra nhiều mồ hôi khi vận động, vì sao?
Đánh giá