Những rối loạn thường gặp
Kinh dày, thưa: Ở phụ nữ bình thường, chu kỳ kinh trung bình là 28 ngày, có thể thay đổi từ 21-35 ngày. Nhưng chu kỳ kinh dài trên 35 ngày thì gọi là kinh thưa, chu kỳ ngắn hơn 21 ngày thì gọi là kinh dày.
Cường kinh, thiểu kinh: Nếu kỳ kinh kéo dài trên 7 ngày thì gọi là rong kinh. Lượng máu kinh nhiều hơn bình thường (bình thường khoảng 50-100ml) được gọi là cường kinh và nếu ít hơn bình thường thì gọi là thiểu kinh.
Rong huyết: Là hiện tượng huyết ra không có chu kì, nhiều khi lầm với kinh nguyệt không đều. Rong huyết thường kèm theo kinh ít và thưa
Kinh nguyệt không đều: Kinh nguyệt hoàn toàn không có tính quy luật, thời gian giữa hai kỳ kinh có thể kéo dài vài tháng mà cùng có thể là vài ngày. Lượng kinh nguyệt có lúc nhiều nhưng cũng có lúc ít.
Vô kinh: Là tình trạng không có kinh. Không có kinh từ nhỏ đến lớn thì gọi là vô kinh nguyên phát, nếu đã có kinh một thời gian rồi ngưng mà không phải do mang thai thì gọi là vô kinh thứ phát. Ngoài ra còn có tình trạng vô kinh sinh lý (có thai, mãn kinh).
Nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên.
Nguyên nhân do đâu?
Nếu ở tuổi tiền mãn kinh, RLKN cũng thất thường nhưng do hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm và có sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ (Estrogen và Progesteron), dẫn đến kinh nguyệt không đều. Đến thời kỳ mãn kinh thật sự, do buồng trứng ngưng hẳn hoạt động và ngưng tiết nội tố tố nữ, dẫn đến kinh nguyệt mất hẳn.
Ở lứa tuổi sinh đẻ, RLKN có thể do nhiều nguyên nhân:
Nguyên nhân thực thể: Có liên quan đến thai nghén như dọa sẩy thai, thai ngoài tử cung, sẩy thai sót nhau, thai chết lưu...; Nguyên nhân không liên quan đến thai như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng,... Đây là những bệnh lý có thể xảy ra cả ở lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh.
Nguyên nhân tâm lý: Do làm việc, học tập... khiến stress, có thể bị vô kinh nhiều tháng hoặc có kinh kéo dài.
Do tác dụng phụ của thuốc: Trong một số trường hợp sử dụng thuốc nội tiết thuốc tránh thai (nhất là loại thuốc tránh thai khẩn cấp) và sử dụng thuốc điều trị một số bệnh mạn tính (thuốc haloperidol điều trị bệnh tâm thần phân liệt,...) dễ bị RLKN.
Những hệ lụy
Trước hết, RLKN gây bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày và giai đoạn kỳ kinh, niêm mạc trong khoang tử cung của người phụ nữ sẽ bong từng mảng lớn, tạo nên những vết thương lớn. Cổ tử cung ở trong trạng thái mở rộng, trong âm đạo có máu, môi trường axit bình thường bị thay đổi. Tình trạng này có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại vi khuẩn, từ đó dẫn đến những bệnh viêm nhiễm như: viêm âm đạo, u màng trong tử cung, viêm buồng trứng... Mặt khác, lượng máu trong những ngày có kinh mất đi quá nhiều sẽ gây nên bệnh thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, khó chịu.
Chu kỳ kinh quá dài hay quá ngắn cũng gây khó khăn cho việc thụ thai. Và hậu quả chung là vô sinh - hiếm muộn. Vì vậy, cơ thể phát triển bình thường, vòng kinh đều đặn và ổn định là yếu tố vô cùng quan trọng đối với khả năng sinh sản của phụ nữ.
Mặt khác, vô sinh - hiếm muộn không hoàn toàn do RLKN gây ra, mà là do một hoặc một số bệnh trong cơ thể như noãn sinh trưởng bất thường, tắc ống dẫn trứng, viêm nhiễm âm đạo, u xơ tử cung... khiến kinh nguyệt không đều và cản trở trứng thụ tinh làm tổ. Nói cách khác, RLKN chính là tín hiệu không thể thụ thai, dẫn đến hiếm muộn, thậm chí là vô sinh ở nữ giới.
Khi nào thì cần đi khám bác sĩ?
Nên thường xuyên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình. Khi vòng kinh bất thường như: quá dài, ngắn, hay lượng máu mất đi trong những ngày có kinh quá nhiều, hãy cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị; nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của người phụ nữ.
BS. Nguyễn Thị Thanh
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Trẻ nói lắp, khắc phục thế nào?
Tăng mỡ máu tác động xấu đến tình dục
Đánh giá