21 October, 2021 0 nhận xét Nhận xét
U tế bào mầm buồng trứng bắt nguồn từ những tế bào buồng trứng có thể phát triển thành trứng (còn gọi là tế bào mầm). Bệnh thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ trẻ dưới 30 tuổi, trong đó dạng bệnh phổ biến nhất là u quái lành tính.
U tế bào mầm buồng trứng thường được điều trị bằng phẫu thuật. Nếu là khối u ác tính (ung thư), bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bổ trợ bằng hóa trị. Các phương pháp điều trị có hiệu quả khá cao và phần lớn bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh.
1. U tế bào mầm buồng trứng ác tính là gì?
Ung thư buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa ác tính thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư sinh dục ở nữ giới. Hàng năm thế giới có khoảng 239.000 ca mới mắc và 152.000 ca tử vong, ung thư buồng trứng đứng thứ 7 về tỷ lệ mắc trong các ung thư thường gặp ở phụ nữ.
Ung thư buồng trứng có thể chia thành ba nhóm chính là:
- Ung thư biểu mô,
- U tế bào mầm,
- U đệm sinh dục.
Sự phân loại này rất có ý nghĩa vì chúng khác nhau về nguồn gốc phát sinh, đặc điểm diễn biến tự nhiên của bệnh, thái độ điều trị và tiên lượng.
U tế bào mầm có nguồn gốc từ các tế bào mầm nguyên thủy của các tuyến sinh dục phôi thai. U tế bào mầm buồng trứng bao gồm u lành tính (u quái thuần thục hay thường gọi là u nang bì buồng trứng) và các u ác tính.
U tế bào mầm ác tính buồng trứng bao gồm u nghịch mầm, u túi noãn hoàng, ung thư biểu mô phôi, ung thư biểu mô đệm nuôi, u tế bào mầm hỗn hợp và u quái không thuần thục.
2. Bệnh hay gặp ở người trẻ
Mặc dù 20-25% các khối tân sản của buồng trứng có nguồn gốc tế bào mầm, nhưng chỉ có khoảng 3% các khối u đó là ác tính. Các khối u lành thuộc u tế bào mầm chủ yếu là các u quái lành tính.
Tại các nước phương Tây, u tế bào mầm ác tính chiếm khoảng 5% các khối u ác tính của buồng trứng. Theo ghi nhận tại một số nước châu Á và châu Phi, u tế bào mầm ác tính lại chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 15% ung thư buồng trứng, còn tại Nhật Bản tỷ lệ này lên tới trên 20%.
U tế bào mầm ác tính hay gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi. Ở những phụ nữ dưới 21 tuổi, 60% các khối u buồng trứng là u tế bào mầm và trên 1/3 là ác tính. U quái không thuần thục chiếm nhiều nhất (35,6%) trong tổng số u tế bào mầm buồng trứng, đứng thứ hai là u nghịch mầm chiếm 32,8%. Độ tuổi dao động từ 10 đến 34 tuổi, nhóm tuổi hay gặp nhất là 15-19 tuổi
3. Triệu chứng của ung thư tế bào mầm buồng trứng
Triệu chứng thường xuyên được ghi nhận của ung thư buồng trứng nói chung là đau hoặc tức bụng, bụng to lên, căng tức bụng và các triệu chứng tiêu hóa, tiết niệu như thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện, buồn nôn, khó tiêu…
Những dấu hiệu này thường mơ hồ, giống những thay đổi bình thường của cơ thể người phụ nữ qua các thời kỳ trong cuộc đời (sinh đẻ, mãn kinh…). Hoặc giống các triệu chứng của các bệnh lý thường gặp ở đường tiêu hóa, tiết niệu… Chính vì vậy, ung thư buồng trứng nói chung thường phát hiện muộn.
Trong ung thư tế bào mầm buồng trứng, các triệu chứng cũng tương tự với ung thư biểu mô buồng trứng. Nhưng nếu ung thư biểu mô buồng trứng tiến triển tương đối chậm thì ung thư tế bào mầm buồng trứng lại tăng trưởng nhanh. Điều đó giải thích cho việc 60 -70% bệnh nhân ung thư tế bào mầm buồng trứng thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Các dấu hiệu mà người bệnh có thể tự cảm thấy là:
- Đau tức vùng chậu.
- Bụng to lên.
- Tự sờ thấy u.
- Rối loạn kinh nguyệt, mất kinh hoặc ra máu âm đạo.
- Rối loạn đại tiểu tiện như khó tiểu tiện hoặc đái rắt.
- Căng tức vùng hậu môn trực tràng.
- Bệnh nhân có thể mệt mỏi, gầy sút, kém ăn… Những triệu chứng này không đặc hiệu cho bệnh và thường biểu hiện muộn.
4. Các phương tiện chẩn đoán bệnh
- Siêu âm ổ bụng có thể phát hiện u ở giai đoạn sớm. Đây thường là phương pháp đầu tiên được chỉ định. Siêu âm còn đánh giá được tình trạng dịch ổ bụng, các hạch ổ bụng.
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có cản quang giúp đánh giá kỹ hơn tổn thương gồm mức độ xâm lấn của u, tổn thương di căn phúc mạc, hạch ổ bụng, di căn gan...
- X-quang ngực hoặc cắt lớp lồng ngực cũng được chỉ định để xác định tổn thương di căn phổi hoặc biến chứng do điều trị hóa chất.
Một số chất chỉ điểm khối u có giá trị trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi bệnh như CA125, AFP và bHCG.
5. Điều trị ung thư tế bào mầm buồng trứng
Điều trị ung thư tế bào mầm buồng trứng là đa phương thức, trong đó phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng. Phẫu thuật nhằm công phá u tối đa, giúp cho điều trị hóa chất hiệu quả hơn. Hóa chất thường dùng để điều trị bổ trợ sau mổ.
Tùy theo giai đoạn bệnh mà mức độ phẫu thuật sẽ khác nhau. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể chỉ cần cắt bỏ buồng trứng chứa khối u mà vẫn có thể bảo tồn được tử cung và buồng trứng đối bên. Khi bệnh ở giai đoạn muộn, việc phẫu thuật triệt căn là điều cần thiết để có thể kiểm soát được bệnh. Người bệnh sẽ được cắt tử cung toàn bộ, buồng trứng hai bên, mạc nối lớn, vét hạch và lấy các nhân di căn trong ổ bụng.
Ung thư buồng trứng nói chung và ung thư tế bào mầm buồng trứng nói riêng là loại ung thư nhạy cảm với hóa chất. Thậm chí, người bệnh ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn xa cũng có thể được chữa khỏi.
6. Phát hiện sớm, hiệu quả điều trị cao
Ung thư tế bào mầm buồng trứng nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại kết quả rất khả quan cho người bệnh, thậm chí có thể bảo tồn khả năng sinh sản cho những bệnh nhân trẻ còn nhu cầu sinh con.
So với ung thư biểu mô buồng trứng thì ung thư tế bào mầm buồng trứng có tiên lượng tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề là cần được phát hiện sớm khi bệnh ở giai đoạn sớm. Nhiều người bệnh được phát hiện khi chẩn đoán ban đầu là u nang bì buồng trứng, tuy nhiên sau khi được phẫu thuật cắt u có kết quả giải phẫu bệnh sau mổ khẳng định là ung thư thì có thể sẽ cần phải được phẫu thuật lại một cách đầy đủ và điều trị đúng theo phác đồ.
ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Chị em thường xuyên ăn 4 loại thực phẩm này giúp 'vùng kín' luôn thơm tho, khỏe mạnh
Đánh giá