Vòi trứng còn được gọi là ống dẫn trứng, có vai trò là cầu nối giữa tinh trùng và trứng, đồng thời vận chuyển trứng đã được thụ tinh đến tử cung để làm tổ. Nếu vòi trứng bị viêm, tắc nghẽn và chít hẹp sẽ là nguyên nhân chính khiến tinh trùng khó kết hợp được với trứng và trứng không thể di chuyển về tử cung làm tổ, từ đó dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung hoặc vô sinh. Dấu hiệu của viêm tắc vòi trứng thường là đau vùng bụng dưới, kinh nguyệt bị rối loạn...
Nguyên nhân gây viêm tắc vòi trứng có thể do viêm nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục. Đặc biệt là với phụ nữ có quan hệ tình dục không an toàn, mầm bệnh có thể theo tinh trùng qua cổ tử cung di chuyển vào tử cung, lây lan lên hai vòi trứng gây viêm nhiễm và tắc nghẽn. Các bệnh lây qua đường tình dục này thường do Chlamydia hoặc các loại vi khuẩn lậu. Các viêm nhiễm khác có thể do vệ sinh kém, nhất là vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm âm đạo hay cổ tử cung, nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây viêm nhiễm ngược dòng lên vòi trứng.
Ngoài ra, việc nạo phá thai không an toàn, nạo phá thai nhiều lần cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tắc vòi trứng. Ở nguyên nhân này, thông thường cổ tử cung đóng vai trò ngăn cản vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, khi phụ nữ bị sẩy thai, sinh đẻ hoặc nạo phá thai nhiều lần sẽ gây viêm nhiễm ngược dòng từ âm đạo, lan qua cổ tử cung lên tử cung và hai vòi trứng gây viêm tắc vòi trứng.
Kinh nguyệt bị rối loạn, cần phải đi khám để sớm phát hiện bất thường.
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Vòi trứng có chức năng rất quan trọng trong quá trình thụ tinh, có khả năng đón bắt noãn, di chuyển noãn, tinh trùng và trứng đã thụ tinh vào buồng tử cung để làm tổ. Nếu vòi trứng bị tắc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.
Khi vòi trứng bị tắc sẽ cản trở tinh trùng và trứng gặp nhau, có thể dẫn tới hiện tượng chửa ngoài tử cung hoặc khó thụ thai, hiếm muộn, thậm chí gây vô sinh.
Viêm tắc vòi trứng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chửa ngoài tử cung do khi bị tắc vòi trứng, trứng không thể di chuyển về tử cung để làm tổ mà phát triển ngay tại vòi trứng (trường hợp thường gặp nhất) hoặc bám phía trên buồng trứng, thậm chí nằm trong ổ bụng hay nằm tại cổ tử cung, ở chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung... Khi thai vỡ sẽ gây mất máu nhiều và nhanh, có thể gây tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng có thai sau này.
Dấu hiệu cần đi khám?
Viêm tắc vòi trứng thường không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh cần phải khám chuyên khoa và làm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, nếu có một số biểu hiện nghi ngờ như: kinh nguyệt không đều, khó chịu vùng bụng, khó thụ thai, hiếm muộn..., người bệnh nên đi khám vì đó có thể là dấu hiệu viêm tắc vòi trứng. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Để phòng ngừa viêm tắc vòi trứng, chị em cần giữ vệ sinh vùng kín, vệ sinh kinh nguyệt đúng cách, quan hệ tình dục an toàn để phòng tránh viêm nhiễm và các bệnh lây qua đường tình dục. Khám và điều trị dứt điểm ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm nhiễm sinh dục. Cần áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp để hạn chế mang thai và nạo phá thai ngoài ý muốn...
ThS. Nguyễn Thu Vân
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Selenium yếu tố quan trọng cho hệ miễn dịch khỏe mạnh
Phòng chống té ngã ở người cao tuổi
Cortisol cao làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19
Đánh giá