04 March, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến tử cung là tình trạng thường gặp ở những chị em đã từng sinh nở, nhất là các trường hợp nạo hút thai nhiều lần, sẩy thai... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung như quan hệ tình dục mạnh gây trầy xước, nạo hút nhiều lần làm hủy hoại các lớp mô, niêm mạc bên trong cổ tử cung hoặc sử dụng thuốc tránh thai có chứa nhiều estrogen... Biểu hiện thường gặp của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung là xuất hiện khí hư, dính thành từng mảng, mùi hôi khó chịu, cảm giác đau vùng âm hộ và tăng lên khi đi lại...
Viêm lộ tuyến tử cung làm cho lượng dịch trong âm đạo nhiều hơn mức bình thường khiến cho tinh trùng khó di chuyển lại gần trứng để thụ thai. Mặc khác, viêm lộ tuyến tử cung còn làm thay đổi độ PH trong âm đạo và có thể tiêu diệt tinh trùng khi vừa đến âm đạo. Bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời dẫn đến phụ nữ khó thụ thai, thậm chí dẫn tới vô sinh.
Các giai đoạn viêm nhiễm cổ tử cung.
Viêm buồng trứng
Biểu hiện thường gặp của bệnh viêm buồng trứng là khí hư ra nhiều kèm theo đau vùng hạ vị liên tục, dữ dội, đau ngực dưới, đau hạ sườn phải, kinh nguyệt không đều... Nguyên nhân gây bệnh là do vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ, nhiễm trùng sau phá thai không an toàn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Bệnh viêm buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây vô sinh cho chị em, thậm chí còn dẫn tới ung thư buồng trứng.
Viêm âm đạo
Viêm âm đạo là một bệnh phổ biến gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc sinh con và đời sống vợ chồng. Phần lớn bệnh viêm âm đạo là do nhiễm nấm men Candida, trùng roi, vi khuẩn, lậu cầu hoặc Chlamydia trachomatis... Với biểu hiện âm đạo có tiết dịch bất thường như: có khí hư, có máu, có mùi khó chịu...; cơ quan sinh dục ngứa, rát, đau đỏ hoặc có các nốt hoặc các vết loét; khi đi tiểu thấy đau, buốt; đau bụng dưới hoặc đau trong khi giao hợp...
Viêm âm đạo có biểu hiện như: ngứa ngáy khó chịu vùng âm hộ, khí hư ra bất thường (có màu trắng đục, loãng, mùi khó chịu...). Phụ nữ bị viêm âm đạo thì môi trường âm đạo cũng thay đổi khiến tinh trùng khó tồn tại được. Chính vì vậy, bệnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu viêm âm đạo có thể dẫn tới một vài tác động không tốt tới thai nhi như: động thai, sẩy thai hoặc đẻ non. Những chị em không vệ sinh âm đạo sạch sẽ hằng ngày hay quan hệ tình dục bừa bãi là đối tượng dễ mắc bệnh. Viêm âm đạo nếu không chữa khỏi sẽ lây lan đến buồng trứng gây viêm và cản trở quá trình thụ tinh.
Viêm tắc vòi trứng
Vòi trứng có chức năng rất quan trọng trong quá trình thụ tinh, đó là đón bắt và di chuyển noãn, tinh trùng cũng như trứng đã thụ tinh vào trong buồng tử cung. Nếu vòi trứng bị tổn thương hay bị viêm tắc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ chế rụng trứng, gây rối loạn kinh nguyệt và làm giảm tỷ lệ thụ thai thành công.
Tắc vòi trứng hay còn được gọi là tắc đường ống dẫn trứng, là tình trạng vòi trứng bị hẹp, cản trở sự di chuyển của trứng về tử cung dẫn tới việc khó thụ thai ở chị em. Vòi trứng khi bị tắc làm trứng đã thụ tinh không thể di chuyển được qua vòi trứng để đi vào tử cung làm tổ. Điều này khiến trứng phát triển bên ngoài tử cung dẫn tới việc mang thai ngoài tử cung và có khả năng dẫn tới vô sinh cao.
Trong số các trường hợp hiếm muộn hoặc vô sinh thì bệnh này chiếm đến 40-50%. Tuy nhiên, các triệu chứng của tắc ống dẫn trứng thường không rõ ràng và khó nhận biết nên không phải chị em nào cũng dễ dàng nhận ra. Vì thế, nếu gặp kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, khí hư nhiều hơn bình thường, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi..., chị em nên đi chụp tử cung, vòi trứng để biết mình có đang bị tắc vòi trứng hay không, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
Viêm nội mạc tử cung mạn tính
Viêm nội mạc tử cung (VNMTC) là viêm lớp trong cùng của tử cung. Triệu chứng chung của VNMTC là đau bụng dữ dội trước và trong khi hành kinh, đau khi sinh hoạt tình dục. Bệnh nhân thường thấy mệt mỏi, đau buốt đường tiết niệu, tiêu chảy, táo bón, nôn mửa... Khi bị VNMTC cấp, người bệnh thấy đau bụng dưới, ra nhiều khí hư kèm mủ, sốt. Nếu điều trị không đúng hoặc không chữa trị, bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, mà biểu hiện chính thường là đau bụng dưới, chảy máu tử cung, rối loạn kinh nguyệt.
Nguyên nhân gây VNMTC thường do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, Chlamydia, lao...) hoặc do vi khuẩn lan truyền từ dưới lên trong hoặc sau khi bị viêm cổ tử cung, viêm âm đạo. Tuy vậy, VNMTC thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn sau sẩy thai, đẻ bị sót nhau, bế sản dịch, mổ lấy thai (dụng cụ phẫu thuật không vô khuẩn), vỡ màng ối sớm và chuyển dạ kéo dài thăm khám nhiều lần theo đường âm đạo, đặt dụng cụ tử cung, nạo thai không an toàn)...
VNMTC nếu không được điều trị đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, viêm phần phụ gây dính tắc vòi trứng và hậu quả cuối cùng là vô sinh do tinh trùng không gặp trứng để thụ tinh, trứng đã thụ tinh không về được tử cung làm tổ, tử cung không đảm bảo chức năng cho trứng làm tổ.
BS. SONG NHI
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Thiếu kẽm nguy hiểm thế nào đến sự phát triển của trẻ?
11 điều phụ nữ cần biết khi trải qua giai đoạn mãn kinh
Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung
Hormon giới tính trong thịt và sữa
Đánh giá