Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted infections -STIs), còn được gọi là bệnh lây truyền qua đường tình dục ( STDs ), là những bệnh nhiễm trùng thường lây lan qua hoạt động tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục qua âm đạo, quan hệ tình dục qua đường hậu môn và quan hệ tình dục bằng miệng.
Các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục
Ở Việt Nam, đa số dân chúng có khái niệm rằng các bệnh lây qua đường tình dục chỉ có lậu, giang mai, HIV. Tuy nhiên trên thực tế, các tác nhân gây bệnh gấp nhiều lần số đó. Có thể chia các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục theo các nhóm sau:
- Do Virus: HIV, HPV (virus gây nên các nốt sùi sinh dục); HSV (gây nên các mụn rộp sinh dục); virus viêm gan A, B, C; Molluscum contagiosum virus (U mềm lây).
- Do vi khuẩn: Lậu (Neisseria gonorrhoeae); Giang mai (Treponema pallidum); Chancroid (hạ cam); Chlamydia; Klebsiella granulomatis; Ureaplasma ureaticum; Mycoplasma genitalium, Mycoplasma hominis.
- Do kí sinh trùng: Trichomoniasis: Trùng roi; Ghẻ (Sarcoptes scabiei); Rận mu (Pthirus pubis).
- Do nấm: Candida albican
Các tác nhân lây bệnh là rất đa dạng , phong phú, có thể lây truyền qua nhiều con đường, và có thể gây nên nhiều bệnh lý cho cơ thể từ nhẹ đến rất nặng. Do đó hiểu biết về các tác nhân này, để có hành vi tình dục an toàn là điều rất cần thiết cho mọi lứa tuổi ở cả hai giới.
Các con đường lây truyền
Trong quan niệm của đa số dân chúng, các bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ lây khi có quan hệ tình dục thực sự giữa nam-nữ. Nhưng thực tế , tình trạng lây truyền bệnh diễn ra rất phức tạp và qua rất nhiều con đường mà nhiều khi chúng ta không ngờ tới.
1. Lây qua tiếp xúc bộ phận sinh dục: Đây là con đường lây truyền chính của các bệnh lây truyền qua đường tình dục giữa nam-nữ.
2. Lây qua tiếp xúc miệng – bộ phận sinh dục nam-nam/nữ-nữ/ nam-nữ: Đa số dân chúng không nghĩ đây là con đường có thể lây truyền các bệnh. Nhưng thực tế đây là lại một con đường lây truyền rất hiệu quả và phức tạp, đặc biệt với các dịch vụ mát-xa trá hình.
3. Lây qua tiếp xúc bộ phận sinh dục-hậu môn: Đây là cách lây truyền giữa những người nam-nam đồng giới không sử dụng biện pháp an toàn.
4. Hôn hoặc tiếp xúc gần cơ thể: lây nhiễm rận mu, ghẻ, và u mềm lây.
5. Từ mẹ sang con trước hoặc trong khi sinh: giang mai, herpes, nhiễm Chlamydia, bệnh lậu, vi rút suy giảm miễn dịch của con người (HIV), và u nhú ở người nhiễm (HPV).
6. Cho con bú: Có thể lây nhiễm HIV
Biết được các con đường lây truyền, chúng ta cần hết sức tránh những hành vị có nguy cơ truyền hoặc nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục
Do có rất nhiều tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) với các cách thức lây truyền khác nhau, nên trong thực tế phải cần nhiều loại xét nghiệm chuyên biệt để gọi tên đích danh tác nhân gây bệnh, phục vụ cho chẩn đoán chính xác
Xét nghiệm nước tiểu: Trước các bệnh nhân nghi STDs có rối loạn đi tiểu, xét nghiệm nước tiểu giúp xác định co tình trạng viêm đường tiết niệu kèm theo hay không
Soi tươi dịch niệu đạo, dịch âm đạo: Phát hiện được lậu, phân biệt viêm âm đạo do các loại trùng roi, ghẻ
Xét nghiệm máu: Phát hiện các loại kháng thể được hình thành trong cơ thể khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể nam giới; như các bệnh HIV, viêm gan B-C, Giang mai…
Xét nghiệm khuếch đại GEN (PCR)
+ Dịch niệu đạo: Phát hiện các tác nhân gây nên hội chứng niệu đạo mà soi tươi không thể phát hiện ra như Chlamydia, Ureaplasma, Mycoplasma
+ Dịch tiết vết loét: Phân biệt với virus Herpes sinh dục.
Điều trị
Việc điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục không có một công thức chung, hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả phân lập và xác định tác nhân gây bệnh.
Nếu tác nhân là các vi khuẩn, trùng roi, nấm: có thể điều trị khỏi, tuy nhiên cần lưu ý điều trị tuân thủ chặt chẽ theo kháng sinh đồ, theo guide line hướng dẫn, tránh sử dụng kháng sinh tràn lan, bao vây. Lưu ý xu thế xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm, không nhạy cảm với các loại kháng sinh hiện có
Với các tác nhân là các virus, điều trị tích cực các triệu chứng lâm sàng để tránh lây truyền. Giáo dục đầy đủ cho người bệnh về việc không có thuốc chữa khỏi các virus.
Phòng ngừa
Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa STDs là... không quan hệ tình dục. Tuy nhiên đây là cách không khả thi. Do đó cần:
- Giáo dục kiến thức, tư vấn hành vi tình dục cho tất cả thanh thiếu niên trước khi bước vào thời kì hoạt động tình dục, thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khóa.
- Thực hành tình dục an toàn, hạn chế số lượng ban tình.
- Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây truyền STDs qua đường tình dục là tránh tiếp xúc với các bộ phận cơ thể hoặc chất lỏng có thể dẫn đến lây truyền với bạn tình bị nhiễm bệnh.
- Có các loại vắc-xin để bảo vệ chống lại một số bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi rút, chẳng hạn như viêm gan A, viêm gan B và một số loại HPV. Nên tiêm phòng trước khi bắt đầu quan hệ tình dục để đảm bảo sự bảo vệ tối đa.
- Cắt bao quy đầu được coi là một phương pháp hạn chế sự lấy nhiễm của các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Khám sớm và điều trị kịp thời khi có triệu chứng nghi ngờ, tránh lây nhiễm xung quanh
- Sử dụng bao cao su đúng cách bao cao su nam và bao cao su nữ: Sử dụng bao cao su mới cho mỗi lần quan hệ tình dục. Sử dụng bao cao su đúng kích cỡ. Cẩn thận xử lý bao cao su để tránh làm hỏng bao cao su bằng móng tay, răng hoặc các vật sắc nhọn khác.
Mang bao cao su vào sau khi dương vật cương cứng và trước khi có bất kỳ tiếp xúc bộ phận sinh dục nào với bạn tình. Xác định cách cuộn của bao cao su bằng cách đặt nó lên ngón trỏ và nhẹ nhàng cố gắng kéo nó ra, nhưng chỉ một chút. Nếu nó chống lại, hãy lật nó lại và thử theo cách khác. Sau đó cuộn lại.
+ Đặt bao cao su đã cuộn lên đầu dương vật đã cương cứng.
+ Để 1/2 inch ở đầu bao cao su để lấy tinh dịch.
+ Dùng một tay bóp không khí bị mắc kẹt ra khỏi đầu bao.
+ Nếu chưa cắt bao quy đầu, hãy kéo da quy đầu lại trước khi mở bao cao su.
+ Mặt khác, cuộn bao cao su lên dương vật đến tận gốc của nó và xoa đều bọt khí.
+ Đảm bảo bôi trơn đầy đủ trong khi giao hợp.
+ Với bao cao su latex, chỉ sử dụng chất bôi trơn gốc nước. Chất bôi trơn gốc dầu (chẳng hạn như dầu hỏa, shortening, dầu khoáng, dầu xoa bóp, sữa dưỡng thể và dầu ăn) có thể làm suy yếu mủ và khiến bao cao su bị rách.
+ Giữ chặt bao cao su vào gốc dương vật trong khi rút và rút bao ra khi nó vẫn đang cương cứng để tránh bị tuột bao.
BS. Hạ Hồng Cường
(Khoa Nam học và Y học giới tính, BV Đại học Y Hà Nội)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Mùa lạnh, nên phòng bệnh như thế nào?
3 mốc cần thiết siêu âm dị tật thai nhi
Nhận biết về viêm gan virus B và cách phòng ngừa
Đánh giá