12 July, 2021 0 nhận xét Nhận xét
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (UNFPA) tiếp tục kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần đưa ra các giải pháp, trong đó có giải pháp “Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái” nhân Ngày Dân số Thế giới 11/7/2021.
Bởi vì đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và quốc gia trên thế giới. Trong đó phụ nữ và trẻ em gái là 2 nhóm đối tượng gánh chịu nhiều thiệt thòi, hệ lụy về sức khỏe, tinh thần; các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân bị gián đoạn…
Theo UNFPA, đại dịch COVID-19 có thể có những tác động lâu dài đối với vấn đề dân số.
Với một số người, đại dịch đã dẫn đến quyết định trì hoãn việc có con. Với một số người khác thì do gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên có thai ngoài ý muốn.
Mặc dù chúng ta chưa có được một bức tranh tổng thể về tác động của COVID-19 đối với mức sinh, nhưng xu hướng này đã gây mối quan tâm đáng ngại về khả năng bùng nổ dân số hay sụt giảm tỷ suất sinh.
Điều đáng lo ngại là khi phụ nữ không thể thực hiện được quyền sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Nguyên nhân có thể là do gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc do phân biệt đối xử về giới đã ngăn cản họ trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc quyết định có quan hệ với bạn tình hay không.
Một xã hội lành mạnh và hiệu quả là một xã hội mà ở đó phụ nữ có thể có đầy đủ thông tin để đưa ra lựa chọn của mình liên quan đến SKSS & SKTD và khi họ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho các lựa chọn của mình. Một người phụ nữ khi làm chủ được cơ thể của mình thì đồng thời cũng sẽ đạt được tiến bộ trong học tập, sức khỏe, thu nhập và an toàn. Người phụ nữ cũng như gia đình của mình sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
COVID-19 đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng và sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia và giữa các quốc gia. Khủng hoảng này đã làm cho nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải phải thu hẹp các dịch vụ SKSS &, vốn vẫn thường bị coi là không thiết yếu. Mặc dù các dịch vụ này là quyền con người, nhưng chúng đã bị bỏ qua vì những mối quan tâm “cấp bách” khác. Dưới áp lực kinh tế và cắt giảm ngân sách, có nguy cơ là nhiều quốc gia có thể sẽ không khôi phục lại những dịch vụ này.
Nhân ngày Dân số Thế giới, chúng ta hãy hành động để xóa bỏ những khoảng cách này vì các dịch vụ sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục là hết sức thiết yếu. Thậm chí nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe có bị khó khăn tới đâu thì những dịch vụ này cũng không thể bị coi nhẹ. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Những hậu quả đó có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của họ.
Hãy cùng hành động để bảo vệ quyền được quyết định sinh con và thời điểm sinh. Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Hà Nội, phụ nữ và trẻ em gái luôn được quan tâm đặc biệt. Hàng năm, 30/30 quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tuyên truyền, tư vấn, vận động chị em phụ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai; duy trì và phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.
Đồng thời, Hà Nội tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số; tổ chức học tập, quán triệt và phổ biến nội dung các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về công tác dân số trong tình hình mới đến toàn hệ thống chính trị cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Nâng cao chất lượng dân số, đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển Thành phố Hà Nội nhanh và bền vững.
Thái Bình
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Tại sao đàn ông ít khi đi khám sức khỏe?
5 lời khuyên về ăn uống trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19
Đánh giá