Phó giáo sư Cao Hữu Nghĩa, Trưởng khoa xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP HCM cho biết, ung thư cổ tử cung là một trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu Việt Nam.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 thế giới ghi nhận 570.000 ca ung thư cổ tử cung. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của HPV Information Center năm 2018, ung thư cổ tử cung phổ biến thứ ba ở phụ nữ. Mỗi năm khoảng 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong do căn bệnh này, tức mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt tử vong do ung thư cổ tử cung.
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, có nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình.
Theo Phó giáo sư Nghĩa, nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung chủ yếu liên quan hai chủng HPV 16 và 18. Bệnh không xảy ra đột ngột mà diễn tiến âm thầm, kéo dài 5-20 năm.
Triệu chứng ung thư cổ tử cung thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung, tước bỏ quyền làm mẹ của người phụ nữ. Bệnh gây tử vong khi ở giai đoạn cuối.
Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắcxin ngừa virus HPV cùng với tầm soát định kỳ.
Phó giáo sư Nghĩa cho biết, vắcxin ngừa HPV có hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn... cũng như các mụn cóc sinh dục.
Báo cáo tháng 6/2017 của WHO, các quốc gia đưa vắcxin phòng HPV vào chương trình tiêm chủng đã giảm một nửa tỷ lệ mắc tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ.
Tại Việt Nam, từ năm 2008 đến nay đã có hơn 1,4 triệu liều vắcxin HPV được tiêm chủng, không ghi nhận các phản ứng nghiêm trọng nào.
Mới đây, các nhà nghiên cứu ở Australia công bố có thể loại bỏ căn bệnh này trên toàn cầu. Theo đó, nếu đạt được phạm vi tiêm chủng rộng rãi và mở rộng sàng lọc, sẽ có 149 trên 181 quốc gia loại bỏ ung thư cổ tử cung vào nửa đầu thế kỷ này. Các nhà nghiên cứu cũng dự đoán trong 50 năm tới việc thực hiện tiêm chủng và tầm soát sẽ ngăn ngừa 13,4 triệu trường hợp ung thư cổ tử cung.
Vắcxin ngừa HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi. Vắcxin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định 3 liều, theo đó liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu một tháng và liều ba cách liều hai tối thiểu 3 tháng.
Biểu hiện sớm của rối loạn tự kỷ
Nuôi trẻ khỏe mạnh từ trong bụng mẹ
Đánh giá