23 March, 2022 0 nhận xét Nhận xét
Nhiều phụ nữ phải đối phó với chứng viêm nhiễm âm đạo mạn tính. Một số biện pháp đơn giản bạn có thể tự thực hiện tại nhà để chủ động nâng cao sức khỏe của mình và ngăn ngừa nhiễm trùng trước khi nó xảy ra.
1. Hiểu cơ thể của bạn
Khi phụ nữ trải qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, lượng hormone thay đổi khiến dịch tiết âm đạo cũng thay đổi về kết cấu và mùi. Khá nhiều phụ nữ dường như chưa quan tâm đến chu kỳ hàng tháng của mình. Các chuyên gia sản khoa khuyến khích mọi người nên tự tìm hiểu và theo dõi các quá trình tự nhiên của cơ thể thông qua nhật ký kinh nguyệt.
Không chỉ ghi lại những ngày hành kinh, bạn nên theo dõi và ghi lại những thay đổi trong dịch tiết âm đạo vài ngày một lần. Khi đã quen với việc ghi nhật ký thường xuyên, bạn sẽ nhận ra ngay khi có điều gì đó không bình thường. Những thay đổi về mùi hoặc màu sắc dịch tiết âm đạo có thể báo hiệu sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn âm đạo và có biện pháp can thiệp sớm.
2. Loại bỏ đường tinh luyện
Đây là bước mạnh mẽ nhất mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn xấu trong âm đạo. Việc loại bỏ đường tinh chế có nhiều lợi ích trong việc nuôi dưỡng vi khuẩn thân thiện trong âm đạo. Một chế độ ăn nhiều đường giống như liên tục cho quân địch ăn trong khi bỏ đói hệ thống phòng thủ của chính bạn. Điều đó gây ra sự mất cân bằng trong hệ vi khuẩn, dẫn đến viêm âm đạo.
Những phụ nữ đang chống chọi với bệnh nhiễm trùng mạn tính, nên thử một chế độ ăn kiêng loại bỏ đường, tăng cường ăn các thực phẩm hữu cơ tại địa phương, càng gần với trạng thái tự nhiên của chúng càng tốt.
Nên loại bỏ các loại thực phẩm đã qua chế biến thường chứa nhiều đường, natri và các thành phần gây viêm.
Ngũ cốc, đặc biệt là các sản phẩm ngũ cốc tinh chế như bánh mì, ngũ cốc và mì ống được chuyển hóa thành đường khi chúng ta tiêu thụ chúng và có thể làm mất cân bằng vi khuẩn.
3. Ăn nhiều thực phẩm chứa probiotic
Probiotic đến từ thực phẩm đã được lên men và chứa các vi khuẩn có lợi mà chúng ta đang cố gắng đưa vào cơ thể. Đã có bằng chứng khoa học về mối quan hệ trực tiếp giữa sức khỏe của đường ruột và sức khỏe âm đạo của bạn. Đảm bảo đường ruột được cân bằng tối ưu sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe âm đạo của bạn.
Khi nghe từ "probiotic", mọi người sẽ luôn nghĩ đến sữa chua, nhưng không phải tất cả các loại sữa chua đều được làm giống nhau. Các loại sữa chua probiotic thương mại được bán trong các chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn vì chúng thường chứa nhiều đường và các thành phần nhân tạo. Vì vậy, nên tự ủ sữa chua tại nhà với các loại men tươi.
Một số lựa chọn tốt hơn bao gồm kefir, dưa cải bắp sống, kim chi và trà kombucha. Probiotics cũng có sẵn ở dạng bổ sung và có thể được tiêu thụ bằng đường uống hàng ngày.
4. Không đưa hóa chất vào âm đạo của bạn
Đây có vẻ như là một lời khuyên đơn giản, nhưng có rất nhiều sản phẩm làm sạch ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật tự nhiên của âm đạo.
Một số sản phẩm bôi trơn chứa các thành phần hóa học cũng như glycerin, là một loại đường. Vì vậy sử dụng bất kỳ loại dầu bôi trơn nào có chứa glycerin đều có thể gây ra những tác động xấu tới hệ vi khuẩn âm đạo. Có rất nhiều chất bôi trơn tự nhiên trên thị trường hiện nay là nước, silicone hoặc chiết xuất từ lô hội và thậm chí chứa một số loại thảo mộc thực vật có lợi cho làn da của bạn.
Cần tránh thụt rửa âm đạo bằng các dụng cụ thụt rửa và không sử dụng nước hoa âm đạo. Âm đạo có cơ chế tự làm sạch, bạn không cần phải làm sạch nó bằng những sản phẩm thụt rửa. Sử dụng các hóa chất mạnh làm thay đổi độ pH tự nhiên và tạo ra môi trường nơi vi khuẩn xấu có thể sinh sôi.
Âm đạo khỏe mạnh có mùi tự nhiên, không khó chịu. Nếu bạn nhận thấy âm đạo có mùi khác thường, bạn nên làm theo các hướng dẫn trên cùng với việc sử dụng viên nang lợi khuẩn đặt âm đạo để giúp đưa cơ thể bạn trở lại trạng thái cân bằng thích hợp.
5. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nhiễm trùng âm đạo mặc dù gây khó chịu nhưng thường không gây đau và không nguy hiểm đến tính mạng. Bạn nên gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Tiết dịch âm đạo có mùi hôi hoặc vàng
- Đau bụng hay đau vùng thắt lưng
- Nôn mửa và/hoặc có sốt
- Các triệu chứng thường xuyên lặp lại sau khoảng 2 tháng
- Tiết dịch âm đạo kèm theo chảy máu mà không phải là kinh nguyệt bình thường , bạn cần phải đến đến bệnh viện ngay.
Nhiễm trùng âm đạo là một triệu chứng của sự mất cân bằng vi khuẩn cả trong đường ruột và âm đạo. Cách tốt nhất để hỗ trợ sức khỏe của chúng ta là thông qua chế độ ăn uống các thực phẩm lành mạnh, ít đường, ăn nhiều thực phẩm chứa probiotic và tránh bất kỳ hóa chất nào làm mất cân bằng độ pH của âm đạo.
Thiên Châu
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Đánh giá