20 March, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Tại sao quan hệ tình dục lại có thể gây ra viêm bàng quang? Hormon có vai trò gì? Mối liên hệ giữa viêm bàng quang, vệ sinh vùng sinh dục và tình dục?
Có nhiều yếu tố tham gia vào sự cố dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu, trong đó vai trò của quan hệ tình dục, các hormon và cách thực hành vệ sinh vùng kín thường được nói đến. Sự thực như thế nào? Rất nhiều phụ nữ cho rằng viêm bàng quang sau quan hệ tình dục là chuyện tự nhiên và đổ lỗi cho bạn tình đã truyền bệnh cho mình. Trên thực tế, hiếm khi viêm bàng quang cấp tái diễn lại do vi khuẩn từ quan hệ tình dục nhưng thầy thuốc thường nghĩ tới một bệnh lây truyền qua đường tình dục nào đó khi phát hiện có sự thay đổi bạn tình hay có các dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa (ra khí hư, cảm giác nóng rát, đau...). Vi khuẩn thường gặp là Chlamydia trachomatis và một nguyên nhân hiếm gặp hơn và hay bị bỏ qua là nhiễm virut Herpes sinh dục - bệnh này hay dẫn đến thể giống như viêm bàng quang.
Tuy nhiên, quan hệ tình dục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển viêm bàng quang từ 3 cơ chế sau:
Cơ giới: Niệu đạo bị kéo giãn, viêm ở niêm mạc, vì thế dễ nhiễm các vi khuẩn có ở lối vào âm đạo.
Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn của hệ sinh thái âm đạo có thể không còn bình thường mà trở thành tác nhân kích thích niêm mạc niệu đạo.
Cảm xúc: Trạng thái hưng phấn do quan hệ tình dục làm cho phụ nữ tiết ra chất endorphin, chất này có hại cho khả năng miễn dịch tại chỗ.
Vai trò của hormon như thế nào?
Do nhiễm khuẩn hay xảy ra khi có thai và sau khi mãn kinh cho nên người ta nghĩ rằng có thể có tác động của hormon. Chính xác hơn, sự thiếu estrogen (hormon nữ) có thể bị cho là nguyên nhân.
Sự mất cân bằng về hormon có thể làm cho niêm mạc âm đạo và niệu đạo suy yếu, dễ tổn thương, đồng thời phá vỡ sự ổn định của hệ vi sinh âm đạo bình thường không có hại. Khi đó, một số vi khuẩn có thể sinh sôi và có hại cho các vi khuẩn khác như colibacille, những vi khuẩn có khả năng bảo vệ rất lớn với niêm mạc niệu đạo.
Những nguyên tắc vệ sinh "vùng kín"
Không giữ vệ sinh tốt có thể tạo thuận lợi để vi khuẩn phát triển, rõ nhất là trong những hành kinh. Vì thế, mang tăm-pông, băng vệ sinh quá lâu hay ít rửa vùng sinh dục sẽ dễ gây ra nhiễm khuẩn nhưng vệ sinh quá kỹ cũng có hại. Dùng các dung dịch vệ sinh không thích hợp có thể gây ra những tổn thương cơ học hay hóa học cho chính niêm mạc của cơ quan sinh dục. Hệ vi sinh ở âm đạo và âm hộ là hệ sinh thái rất mong manh, có thể mất cân bằng do rửa quá sâu hay dùng các dung dịch rửa kích thích và như thế hàng rào bảo vệ tự nhiên suy yếu làm cho vi khuẩn có hại phát triển. Quần và đồ lót quá chật, không thấm tốt cũng làm tăng nhiệt và độ ẩm tại chỗ, càng tạo thuận lợi cho nhiễm khuẩn.
Một số lưu ý để phòng ngừa viêm bàng quang
Uống ít nước để không đi tiểu nhiều? Sai. Cần uống đủ nước (ít nhất mỗi ngày 1,5 lít) để nước tiểu không bị cô đặc. Đó là cách để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, nhất là về mùa hè, càng ra nhiều mồ hôi càng có xu hướng ít đi tiểu.
Mang đồ lót làm bằng sợi bông tốt hơn? Đúng. Đồ lót làm bằng sợi tổng hợp dễ gây ra nóng và ẩm ướt trong khi đồ lót làm bằng sợi bông tạo ra môi trường thoáng, khô ráo hơn. Tất nhiên, cần thay đồ lót hằng ngày.
Rửa vùng kín, từ sau ra trước? Sai. Ngược lại, nên đưa tay từ trước ra sau để không đưa vi khuẩn vào âm đạo.
Không được uống rượu vang trắng? Đúng. Rượu vang trắng, sâmpanh và một số món ăn có nhiều gia vị có thể làm thay đổi độ pH của nước tiểu và như thế tạo thuận lợi cho sự sinh sôi của vi khuẩn.
Sau quan hệ tình dục, không nên đi tiểu? Trái lại. Một số phụ nữ hay bị viêm bàng quang tái diễn, nhất là sau quan hệ tình dục (lý do như đã nêu ở trên: chất endorphin làm giảm khả năng miễn dịch tại chỗ). Vì thế nên có thói quen đi tiểu sau quan hệ tình dục để loại trừ vi khuẩn ra khỏi niệu đạo.
Chỉ có phụ nữ mới bị viêm bàng quang? Sai. Đúng là phụ nữ bị viêm bàng quang nhiều hơn nhưng cả nam giới cũng bị, kể cả trẻ em. Nhiều trẻ còn thể hiện cả dị dạng ở đường tiết niệu. Nhiễm khuẩn chủ yếu ở niệu đạo.
Quần bó dễ gây nhiễm khuẩn tiết niệu? Đúng. Quần bó làm ra nhiều mồ hôi và dễ cọ xát, vì thế vi khuẩn phát sinh và gây ra viêm bàng quang.
Có nên giặt ngay đồ bơi sau khi tắm biển? Rất nên. Không nên để bộ đồ tắm tự khô trên thân thể mình, như vậy dễ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Nên tráng ngay bằng nước ngọt dưới vòi hoa sen và giặt đồ bơi.
BS. Xuân Anh
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Cách phòng ngừa bệnh sán lợn ở người
Thực phẩm nên ăn để tăng cường miễn dịch
Đánh giá