Vì vậy việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị tích cực người mắc tiền đái tháo đường sẽ giúp giảm tỉ lệ mắc đái tháo đường tuýp 2 và dự phòng các biến chứng tim mạch, các biến chứng khác do tăng glucose máu.
Việc can thiệp với người tiền đái tháo đường là đưa glucose huyết trở về bình thường; ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển thành đái tháo đường và ngăn chặn, làm giảm các biến chứng do tăng glucose huyết.
Điều này có nghĩa là giảm nguy cơ bệnh tim mạch thông qua phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm.
Một số bí quyết để giúp người bệnh tiền đái tháo đường đạt được mục tiêu điều trị của mình
1. Nguyên tắc thay đổi lối sống
Việc thực hiện nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh là cần thiết, nên để đạt được tối ưu, người bệnh tiền đái tháo đường cần sự tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng. Can thiệp giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực xuyên suốt quá trình điều trị cho người có nguy cơ là cốt lõi nhằm ngăn ngừa diễn tiến đến đái tháo đường đối với người thừa cân, béo phì.
Trên thực tế, chế độ giảm cân thường khó duy trì lâu dài do đó sau những can thiệp tích cực ban đầu, người bệnh cần được tư vấn dùng thực phẩm lành mạnh, thuốc, hỗ trợ tâm lý.
Đối với thực phẩm, các bác sĩ thường đưa ra khuyến cáo áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm chất béo, với mức giảm cân dần dần cho người thừa cân, béo phì.
Việc lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt, giàu chất xơ, rau, hoa quả, không gia công chế biến công nghiệp, chất béo không no (dầu thực vật, cá) cũng được khuyến khích người bệnh tiền đái tháo đường thực hiện.
Bên cạnh chế độ ăn giảm tổng năng lượng, một số thực phẩm được chứng minh có thể giảm nguy cơ tiền đái tháo đường như các loại hạt, dâu, sữa chua, cà phê, trà được khuyến khích sử dụng ở người bệnh.
Ngược lại các thực phẩm mà người bệnh cần hạn chế được khuyến cáo như thịt đỏ, đồ ngọt, nhiều đường, các thức ăn chứa mỡ bão hòa (động vật). Còn đối với người bệnh tiền đái tháo đường có chỉ số cơ thể không thừa cân, béo phì thì không cần giảm cân, chỉ thay đổi sự lựa chọn thực phẩm có lợi cho người bệnh mà thôi.
2. Nguyên tắc tăng cường hoạt động thể lực
Người tiền đái tháo đường cần duy trì tập luyện và hoạt động thể lực. Theo khuyến cáo mục đích tiêu hao khoảng 700kcalo/tuần tương đương với mức độ tập luyện cường độ trung bình 150 phút/tuần như đi bộ nhanh.
Người tiền đái tháo đường cần tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Và lưu ý, mỗi lần không dưới 10 phút để giảm thời gian ngồi tĩnh tại.
Tùy từng cá nhân mà cần lựa chọn bài tập cho thích hợp tăng cường hoạt động trong ngày, kết hợp các loại hình tập luyện: aerobic, đi bộ, thể dục dụng cụ… Vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập luyện giúp tăng độ nhạy insulin, cải thiện lipid máu, giảm huyết áp, cải thiện kiểm soát glucose máu.
Hơn thế nữa luyện tập còn giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân, tăng lượng cơ, tăng sức bền thể lực, ngăn ngừa/làm chậm diễn tiến đái tháo đường tuýp 2.
Riêng với những người bệnh có kèm theo các bệnh lý liên quan như tim mạch, tăng huyết áp thì cần được bác sĩ đánh giá bệnh tình trước luyện tập.
Do vậy, có thể nói không chỉ với người bệnh tiền đái tháo đường mà mọi đối tượng cần được tập luyện thường xuyên. Riêng người bệnh tiền đái tháo đường cần có mục đích cụ thể, để theo tập chương trình lâu dài, không nản và bỏ cuộc. Và các chương trình tập luyện được thay đổi linh hoạt trên khung quy định, tùy từng cá nhân mà có lựa chọn cho phù hợp.
3. Nguyên tắc điều trị bằng thuốc
Người bệnh tiền đái tháo đường có thể được chỉ định dùng thuốc với những người bệnh sau 3 tháng áp dụng chế độ ăn và luyện tập không kiểm soát được HbA1c <5,7%; Những lần theo dõi sau ghi nhận glucose máu tăng dần.
Hoặc với trường hợp người bệnh tiền đái tháo đường có chỉ số cơ thể béo phì, người < 60 tuổi; Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc có cả rối loạn glucose máu lúc đói và rối loạn dung nạp glucose.
Vì vậy, người bệnh cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ từ chế độ ăn, luyện tập và ngay cả phải dùng thuốc ở giai đoạn này.
Nhiều người bệnh vẫn còn quan niệm tiền đái tháo đường không quá lo sợ nên việc dùng thuốc cũng chủ quan không thực hiện chặt chẽ. Và vẫn có người băn khoăn tại sao phải điều trị tiền đái tháo đường?.
Điều này thực sự là một sai lầm, vì trên thực tế bệnh nhân tiền đái tháo đường sẽ diễn tiến thành đái tháo đường nếu không được điều trị. Theo nghiên cứu khoảng 11% người bệnh tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường mỗi năm. Khoảng 15 – 30% người bệnh tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường trong vòng 5 năm và khoảng 50% người bệnh tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường trong vòng 10 năm. Và 70% người bệnh tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường.
Nếu người bệnh mắc tiền đái tháo đường không được điều trị vẫn có thể xảy ra những biến chứng như: tổn thương mạch máu, thận, đột quỵ, mắt, thần kinh và đặc biệt là đối với tim có thể đã bắt đầu có những trục trặc. Theo nghiên cứu, ở nhóm bệnh nhân tiền đái tháo đường các biến chứng này có tần suất xảy ra cao hơn nhóm không mắc bệnh.
Như vậy có thể nói việc người mắc tiền đái tháo đường cũng cần phải thực hiện nguyên tắc kiểm soát bệnh cũng như dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ nhằm ngăn ngừa tiến triển của bệnh thành đái tháo đường thực sự.
4. Nguyên tắc theo dõi và kiểm soát yếu tố nguy cơ
Người bệnh tiền đái tháo đường cần lưu ý khám mỗi tháng 1 lần, xét nghiệm glucose máu đói (HbA1c được thực hiện mỗi 3 tháng 1 lần) và bệnh cần thời gian điều trị lâu dài. Đối với những người có nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường, đái tháo đường nhưng kết quả xét nghiệm glucose máu bình thường: xét nghiệm lại glucose máu hàng năm.
Người bệnh tiền đái tháo đường cần khám định kỳ để kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch theo dõi tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Không hút thuốc lá vì sẽ làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2 và biến cố tim mạch.
Hiện nay các ứng dụng tại điện thoại thông minh cũng có thể hỗ trợ người mắc tiền đái tháo đường duy trì và tuân thủ chế độ can thiệp thay đổi lối sống tích cực là rất cần thiết.
Tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể của từng người ở các độ tuổi, trình độ nhận thức, mức độ kinh tế, sở thích, nghề nghiệp… có thể lựa chọn công nghệ phù hợp. Có thể sử dụng nền tảng web, tin nhắn, mạng xã hội zalo, viber, các ứng dụng chuyên biệt… để cung cấp thông tin, theo dõi nhật ký ăn uống, tập luyện và đưa ra lời khuyên can thiệp, điều chỉnh kịp thời.
Sưu tầm
Theo SKĐS
Đánh giá