Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp thuốc lá đã cố tình sử dụng các chiến thuật tinh vi và dùng nguồn lực lớn để quảng cáo thu hút giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá và nghiện chất nicotin. Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên thế giới đã chi các khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút một thế hệ người dùng thuốc lá mới là giới trẻ, để thay thế cho hàng triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra.
Tại cuộc họp báo thông tin về Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức vừa diễn ra, ThS. Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: Chiến dịch toàn cầu Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020 do Tổ chức Y tế Thế giới phát động nhằm chỉ rõ các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt là các phương thức mà ngành công nghiệp thuốc lá tác động đến thanh thiếu niên nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thuốc lá như: Giới thiệu các sản phẩm thuốc lá điện tử với nhiều kiểu dáng thiết kế “sành điệu”, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi, hương vị mới lạ làm cho giới trẻ coi nhẹ các rủi ro đối với sức khỏe và bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới này.
Cần tuyên truyền về ảnh hưởng của các loại thuốc lá đối với sức khỏe cho giới trẻ.
Quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) là sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường; Tài trợ cho người nổi tiếng/người có ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm thuốc lá mới cho thanh niên; Tài trợ cho các cuộc thi để quảng bá các sản phẩm thuốc lá và sản phẩm nicotin; Tiếp thị, cung cấp các tài liệu và hộp trưng bày thể hiện thương hiệu sản phẩm thuốc lá tại các điểm bán hàng nơi trẻ em thường lui tới như cửa hàng đồ ngọt, đồ ăn nhẹ hoặc nước uống có ga.
Bán thuốc lá dạng điếu rời và các sản phẩm nicotin khác gần trường học để dễ dàng tiếp cận học sinh...
Chiến dịch của Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhằm trang bị các thông tin giúp thanh thiếu niên nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới cũng như bản chất các chiến thuật quảng cáo thuốc lá nhằm lôi kéo các thế hệ hiện tại và tương lai nghiện nicotin và sử dụng thuốc lá, bất chấp việc gây ra hàng triệu ca tử vong sớm do thuốc lá mỗi năm. Đồng thời, huy động và thông qua sự tham gia của những người có ảnh hưởng trong xã hội để tác động, kêu gọi thanh niên tham gia các hoạt động tuyên truyền về ảnh hưởng của nghiện chất nicotin đến thế hệ trẻ.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết: Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5, sáng ngày 29/5, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ mít-tinh với chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”. Tại chương trình, cùng với các nội dung: Phát biểu của lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, đại diện Ban Bí thư TW Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... đã diễn ra chiến dịch truyền thông Cuộc sống không khói thuốc vì thế hệ trẻ.
Cũng nhân dịp này, hàng loạt hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc đã được Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện phong phú, đa dạng như: tổ chức Cuộc thi online “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử - No Smoking Challenge” năm 2020 (Cuộc thi do Cổng Thông tin điện tử Trung ương Đoàn phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies); phối hợp với Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam tổ chức mít-tinh và phát động hưởng ứng toàn dân quyết tâm thực hiện tốt Luật Phòng chống tác hại thuốc lá...
Các chuyên gia y tế cảnh báo, thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, liên quan đến các căn bệnh như phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, ung thư... Có đến trên 90% người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 26 lần so với người không hút thuốc.
Khảo sát trong 15 năm nay cho thấy số người hút thuốc lá ở Việt Nam có giảm, nhưng mức giảm khá thấp. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, những năm gần đây, Bộ Y tế, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đã có rất nhiều hoạt động nhằm làm giảm dần số người hút thuốc, nhưng cố lắm mỗi năm cũng chỉ có thể giảm 1-2%. Nhờ những hoạt động truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá, 50% số người hút thuốc được hỏi cho biết họ đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá từ các thành viên gia đình mình trong vòng 6 tháng trở lại đây (so với 44% năm 2017). 70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc và 61% người không hút thuốc nói rằng họ đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc. Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động và kết quả của hành động còn là một hành trình dài…
Thái Bình
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Tai nạn nguy hiểm chốn khuê phòng
Đến trường mùa nắng nóng: Làm sao để đảm bảo an toàn?
5 chìa khóa để có chế độ ăn uống lành mạnh
Những điều cần biết về... nơi ấy
Đánh giá