18 August, 2021 0 nhận xét Nhận xét
Lo âu là một trạng thái cảm xúc căng thẳng, khó chịu của sự lo sợ và không thoải mái. Nguyên nhân thường không rõ ràng.
Lo âu thường kèm theo những thay đổi về mặt cơ thể và hành vi tương tự như những gì gây ra bởi sự sợ hãi.
1. Rối loạn lo âu lan tỏa
Là dạng rối loạn lo âu biểu hiện bằng lo lắng kéo dài, căng thẳng lo lắng quá mức, mặc dù không có hoặc vấn đề rất nhỏ cũng gây lo âu.
Các vấn đề rất lặt vặt, nhỏ nhỏ nhặt mà bệnh nhân tự biết rằng không đáng phải lo nhưng vẫn gây lo âu, ví dụ như người thân đi về trễ một chút cũng bồn chồn, bất an sợ người thân bị tai nạn, hoặc lo không biết mình có hoàn thành được tốt công việc hay không dù công việc đó đối với họ không quá khó khăn, lo con cái đi học xa nhà có biết sống độc lập hay không…
2. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Cũng là một dạng lo âu biểu hiện bằng những suy nghĩ mình không muốn nhưng cứ lặp đi lặp lại trong đầu mình, hoặc các hành vi lặp đi lặp lại mặc dù mình không muốn thực hiện những hành vi đó (hành vi cưỡng chế).
Thông thường các hành vi cưỡng chế gồm: rửa tay, đếm, kiểm tra, lau dọn. Ví dụ người bệnh sợ bẩn tay, cảm thấy trong người rất lo lắng về tay bị bẩn, nên rửa tay nhiều lần, mục đích là để giảm những lo lắng, tuy nhiên sau khi rửa tay xong chỉ giảm lo lắng được một thời gian ngắn rối lo lắng trở lại.
Một số dạng ám ảnh khác như: bệnh nhân luôn cảm thấy như có gì thôi thúc mình, ví dụ hễ thấy dao là có thôi thúc muốn cầm lên đâm vào người mình, đi ra ngoài đường như có gì thôi thúc mình lao vào ô tô đang chạy, đôi khi bệnh nhân sợ rằng mình không chống lại được thôi thúc đó nên cũng tránh đi ra khỏi nhà.
3. Rối loạn hoảng sợ
Là một dạng rối loạn lo âu biểu hiện bằng những cơn hoảng sợ đến đột ngột và lặp đi lặp lại, trong cơn bệnh nhân cảm thấy sợ hãi tột độ, tay run rẩy, vã mồ hôi, nghẹt thở, đầu óc quay cuồng, đau ngực. Bệnh nhân nghĩ rằng nếu không đi cấp cứu kịp có thể chết ngay, đó chính là lý do bệnh nhân rất thường xuyên đi cấp cứu.
Một đặc điểm khác là cơn hoảng sợ xảy ra ở địa điểm nào thì bệnh nhân thường tránh không dám tới địa điểm đó nữa vì lo rằng cứ tới địa điểm đó là lại xảy ra cơn hoảng sợ, bệnh nhân cũng không dám đi đâu xa một mình vì sợ mình lên cơn sẽ không có ai cấp cứu cho mình.
4. Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
Dạng này là dạng lo âu xảy ra sau khi người bệnh bị một sang chấn về mặt tâm lý: chứng kiến người thân bị tai nạn mất đột ngột, bị cưỡng bức, bị bạo hành, bị chết hụt… Bệnh nhân thường có những cơn trải nghiệm lại, cảm thấy như mình đang sống lại khoảnh khắc kinh hoàng trước đây, hoặc hay mơ lặp đi lặp lại về nội dung sang chấn, hoặc tránh né không muốn nhắc đến sang chấn.
5. Rối loạn lo âu xã hội
Là dạng lo âu biểu hiện bằng lo lắng quá mức trong các tình huống xã hội, thông thường như nói trước đám đông, hoặc ăn uống trước mặt người khác…Bệnh nhân thường làm việc một mình thì hoàn thành rất tốt, nhưng làm trước mặt người khác thường run rẩy, hồi hộp, lo lắng làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Thông thường trong lo âu xã hội, bệnh nhân thường lo lắng rằng liệu mình làm có gì đó sai, làm không tốt bị người khác thấy, mình nói sẽ có gì lỗi trước mặt người khác…
ThS. BS Đàm Văn Đức
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nam giới có dấu hiệu này- Cẩn thận căn bệnh gây nguy cơ hiếm muộn!
Rận mu - Bệnh lây qua quan hệ tình dục
Không chủ quan với nhiễm khuẩn sau sinh bởi nhiều biến chứng nguy hiểm
7 nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng với người cao tuổi
Đánh giá