10 August, 2020 0 nhận xét Nhận xét
Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
Tỉ lệ gặp các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, lo âu, mất ngủ và nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần khác tăng lên và nặng hơn, tạo gánh nặng cho xã hội và gia đình bệnh nhân trong giai đoạn dịch bệnh COVID - 19 đang diễn biến ngày càng phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Những bệnh nhân đã và đang điều trị các bệnh lý về tâm thần sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì điều trị vì những lý do như: Bệnh viện bị cách ly dẫn đến bệnh nhân không tiếp cận được với dịch vụ y tế, bệnh nhân e ngại ra ngoài vì sợ đến những nơi đông người sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh, do giãn cách xã hội, môi trường giao tiếp bị hạn chế, người bệnh bị cô lập là cơ hội để những bệnh lý tâm thần tái phát hoặc bùng phát.
Một yếu tố thúc đẩy những bệnh lý trầm cảm, lo âu nặng hơn hoặc làm cho tỉ lệ mắc tăng cao đó là vấn đề lo lắng về kinh tế. Tỉ lệ mất việc làm, giảm thu nhập tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh, đặc biệt với những ngành nghề dịch vụ như du lịch, nhà hàng ăn uống, khách sạn gần như tê liệt, là một nguyên nhân phổ biến. Thu nhập không có hoặc giảm sút, tình trạng bệnh ngày càng phức tạp, chưa biết bao giờ chấm dứt, làm cho họ phải lo lắng cho tương lai của mình, hình dung ra một viễn cảnh u ám về tương lai. Đây cũng là một yếu tố dễ dẫn đến phát sinh, phát triển các rối loạn về tâm thần.
Tập luyện thể chất giúp nâng cao sức khỏe tinh thần trong đại dịch COVID-19.
Cách nào để vượt qua?
Những bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý tâm thần cần giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ của mình để đảm bảo được duy trì và theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe.
Có lối sống lành mạnh: Chế độ ăn uống hợp lý; không lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích; tập luyện thể dục đều đặn hàng ngày, ít nhất là 30 phút.
Mỗi người có ý thức phòng dịch bệnh chung cho bản thân và cộng đồng bằng cách rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách phù hợp, nhất là ở những vùng có nguy cơ cao. Khai báo y tế trung thực, tuân thủ nghiêm túc nếu có bị cách ly.
Chăm sóc bản thân, ngủ đủ giấc.
Chia sẻ, tìm sự giúp đỡ từ bạn bè gia đình, người thân. Duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với những người thân của mình, giữ liên lạc bằng cách gọi điện, nhắn tin, gọi video hoặc các phương tiện xã hội khác trong trường hợp bị cách ly.
Một điều bạn nên nhớ rằng việc cảm thấy hơi lo lắng, sợ hãi về tình huống dịch bệnh là chuyện bình thường. Hãy chia sẻ những điều bạn băn khoăn suy nghĩ với người mà bạn tin tưởng, điều đó có thể làm bạn bớt lo lắng khi được động viên từ người bạn chia sẻ.
Sức khỏe thể chất là rất quan trọng, trong giai đoạn này bạn thường xuyên theo dõi tình trạng những bệnh lý cơ thể của mình như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành... Giữ liên lạc với bác sĩ và khám bệnh lý này đều đặn, không bỏ thuốc điều trị.
Đừng dành quá nhiều thời gian để đọc các thông tin về sự bùng phát của dịch bệnh, bao nhiêu ca mắc, bao nhiêu ca bệnh nặng… vì điều này có thể làm bạn lo lắng hơn. Bạn chỉ dành thời gian cụ thể ngày hai lần cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, tránh tập trung bàn tán quá nhiều sẽ đem lại cảm xúc tiêu cực, bi quan đối với bạn.
Tập trung vào những sở thích của bạn như đọc sách, viết, chơi các trò chơi như cá ngựa, chơi bài, nghe nhạc, xem phim… giúp bạn tránh được việc quá tập trung lo lắng về tình hình bệnh dịch.
Chia sẻ cảm xúc, tâm sự về những lo lắng của mình với người thân, bác sĩ tâm lý, bạn sẽ có được sự động viên từ họ.
Cuối cùng chúng ta nên nhớ rằng: khi một cánh cửa này khép lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra. Bạn cảm thấy hạnh phúc không phải vì những điều quanh mình đều tốt mà vì bạn có thể nhìn thấy những mặt tốt của những điều đó. Hãy suy nghĩ tích cực!
BS.Yến Nhi
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Vì sao test nhanh Covid âm tính, vẫn không được chủ quan?
Những điều cần làm ngay để tránh ung thư gan
Các thực phẩm hỗ trợ tập luyện yoga hiệu quả
Vitamin D - “lá chắn” kỳ diệu cho sức khỏe
Những loại thuốc không kê đơn đã qua hạn sử dụng có đáng sợ?
Đánh giá