Trong lá gan bình thường của con người đã có sự tồn tại của thành phần chất béo. Với một lá gan khỏe mạnh, có từ 2% - 4% tổng trọng lượng của lá gan là chất béo, khi lượng mỡ trong gan tăng cao và vượt quá 5% sẽ dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Đa phần các trường hợp gan nhiễm mỡ ở vào độ tuổi từ 40 đến 60. Hiện nay, tình trạng trẻ hóa của bệnh gan nhiễm mỡ ngày một gia tăng, khi có sự nhiều thay đổi về lối sống, dinh dưỡng, sinh hoạt.
Gan nhiễm mỡ là một bệnh lý khá phổ biến và đặc biệt dễ gặp những cộng đồng nguy cơ cao như thừa cân, béo phì, đái tháo đường… Các nghiên cứu cho thấy, ở các nước châu Âu, gan nhiễm mỡ chiếm khoảng 30% tổng dân số, cứ khoảng 100 người thì có 30 người bị gan nhiễm mỡ. Ở các nước Châu Á có tới 20% - 25% người dân mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Trong năm 2019, theo thống kê về tình trạng bệnh gan nhiễm mỡ ở nước ta từ bộ Y tế, các bệnh viện cũng như các bác sĩ trực tiếp thăm khám, điều trị cho thấy người mắc bệnh gan nhiễm mỡ chiếm khoảng 30% dân số, tương đương với các nước Châu Âu.
Nguyên nhân gây bệnh
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan tăng cao hơn mức thông thường, một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như:
Chế độ dinh dưỡng không cân đối: Một chế độ dinh dưỡng không cân đối như ăn quá nhiều, gây dư thừa dinh dưỡng, làm tích lũy mỡ. Chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh, sử dụng các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như óc, nội tạng… thường xuyên, cũng có thể gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.
Một nhận định phổ biến, thường thấy là “người ốm, người ăn ít dầu mỡ không bị gan nhiễm mỡ”, đây là một nhận định sai lầm. Khi thực phẩm được tiêu hóa, chất béo sẽ hấp thu tại ruột non và được chuyển hóa tại gan dưới dạng các acid béo (cholesterol, triglyceride...). Các thành phần này muốn hấp thu vào cơ thể cần các lipoprotein để được đưa vào cơ thể và phục vụ quá trình sinh hóa của cơ thể. Với người gầy, người thiếu dinh dưỡng, một chế độ dinh dưỡng kém, thiếu protein dẫn đến suy giảm lượng đạm và từ đó các protein vận chuyển mỡ cũng giảm, do đó dẫn đến dồn ứ mỡ trong gan, dẫn đến nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Uống nhiều rượu bia: Gan là cơ quan lọc và chuyển hóa rượu bia. Khi cơ thể tiêu thụ một lượng bia rượu ở mức vừa phải, khả năng chuyển hóa của gan cũng như khả năng hoạt động bù trừ của gan không bị ảnh hưởng, gan vẫn đảm bảo khả năng hoạt động của cơ quan. Nếu sử dụng quá nhiều bia rượu sẽ làm quá tải khả năng chuyển hóa của gan, có thể làm tổn hại tế bào gan (viêm, xơ hóa), gây tác động xấu đến sức khỏe cũng như khả năng chuyển hóa của gan. Rượu bia còn tác động đến quá trình chuyển hóa mỡ bên ngoài lá gan, các thành phần sau chuyển hóa lại, tác động và tích tụ trong gan, gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.
Người có bệnh lý nền: Một số bệnh lý như rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường hoặc tình trạng thừa cân béo phì là nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Tác dụng không mong muốn của thuốc: Một số loại thuốc có quá trình chuyển hóa được thực hiện tại gan có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo tại gan, việc sử dụng thuốc trong thời gian dài trong điều trị cũng gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Chế độ dinh dưỡng không cân đối làm gan nhiễm mỡ
Triệu chứng và biến chứng
Gan nhiễm mỡ là kẻ thù “giấu mặt”, trong giai đoạn sớm của bệnh, bệnh nhân thường không có triệu chứng, người bệnh vẫn sinh hoạt như bình thường. Một số trường hợp có thể có một số triệu chứng như: mệt mỏi, đầy bụng, đau tức vùng hạ sườn phải, thường dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác. Người bệnh thường chủ quan, không có sự thăm khám, điều trị kịp thời. Khi bệnh diễn tiến nặng, có thể xuất hiện tình trạng vàng da, khi xuất hiện tình trạng vàng da do gan nhiễm mỡ thì đã là giai đoạn trễ của bệnh (gan nhiễm mỡ giai đoạn 3 hoặc nặng hơn), thường ở mức độ viêm do tế bào mỡ, chức năng gan đã suy yếu.
Khi bị gan nhiễm mỡ trong thời gian dài, lượng mỡ trong gan ngày càng lớn, vượt quá khả năng chuyển hóa của gan từ đó dẫn đến nguy cơ viêm gan do thoái hóa mỡ, nặng hơn sẽ dẫn đến xơ gan, thậm chí ung thư gan. Các thống kê cho thấy, 50% người bị gan nhiễm mỡ có nguy cơ chuyển hóa thành viêm gan và xơ gan, 4-5% người xơ gan có nguy cơ chuyển hóa thành ung thư gan.
Điều trị gan nhiễm mỡ - khó mà không khó
Thông thường nếu phát hiện vấn đề gan nhiễm mỡ nhưng các thông số men gan ở mức bình thường, người bệnh thường được khuyến nghị điều chỉnh lối sống, kết hợp thăm khám định kỳ (3-6 tháng); chứ chưa cần dùng thuốc cũng như các biện pháp khác.
Trường hơp các tình trạng gan nhiễm mỡ nặng gây tổn thương gan, ảnh hưởng đến chức năng của gan, cần xác định chính xác nguyên nhân của bệnh cũng như tình trạng tổn thương. Tập trung điều trị nguyên nhân là chủ yếu (điều trị mỡ máu cao, bỏ rượu bia…). Sử dụng các thuốc bảo vệ tế bào gan để tránh làm nặng tình trạng bệnh, xây dựng một lối sống lành mạnh để ổn định tình trạng bệnh.
Với trường hợp diễn tiến nặng sang ung thư, cần có nhiều biện pháp chuyên sâu hơn cũng như xâm lấn hơn, để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Sử dụng quá nhiều bia rượu sẽ làm quá tải khả năng chuyển hóa của gan
Sống lành mạnh giúp phòng bệnh
Là một kẻ thù ”giấu mặt”, nên việc nhận biết và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ kịp thời, nhanh chóng, ít để lại ảnh hưởng là rất khó khăn.
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao với bệnh gan nhiễm mỡ như bệnh nhân đái tháo đường, người thừa cân, béo phì… cần theo dõi sức khỏe định kỳ để tầm soát thường xuyên, nhằm kiểm soát kịp thời bệnh gan nhiễm mỡ khi mới vừa có dấu hiệu. Cần tuân thủ các khuyến nghị của bác sĩ để giảm cân, kiểm soát tốt tình trạng bệnh lý nền; xây dựng một chế độ sinh hoạt, vận động lành mạnh.
Với những người khỏe mạnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn nhiều rau quả xanh, đặc biệt là vitamin A, E. Đạm động vật nên chọn cá, gà hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều cholesterol. Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao, hạn chế bia rượu. Thực hiện việc kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để đề phòng nguy cơ mắc bệnh.
Ths.BS CAO NGỌC TUẤN
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Bệnh trong mùa nắng nóng: Nhìn xa để ngừa gần
Trị chứng tè dầm ban đêm ở trẻ
Đánh giá