18 June, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Khóc là “đặc quyền” của con người
Theo nhà khoa học Charles Darwin, nước mắt là một phản ứng phụ thông thường của việc thay đổi cơ mặt. Đây cũng là một ngoại lệ cho nhận định những chi tiết không cần thiết sẽ bị đào thải trong quá trình con người tiến hóa. Nhưng Giáo sư Sophie Scott, từ Đại học London, Anh cho rằng: Nhiều loài thú có vú như voi, chó hay mèo cũng có khả năng tiết ra chất lỏng có chứa protein, enzyme, lipid và các chất khác trong tuyến lệ tức là chúng cũng có nước mắt nhưng những loài này chỉ có thể làm cho mắt ướt chứ không thể “khóc” ra thành hàng lệ như con người. Hay thậm chí khỉ và tinh tinh là những loài gần gũi với con người cũng không biết khóc, chúng chỉ có thể biểu thị các trạng thái cảm xúc của mình bằng việc sử dụng âm thanh. Trong khi đó, con người biết tiết ra nước mắt khi bụi bay vào mắt để làm sạch mắt hay khóc khi trong trạng thái cảm xúc vui, buồn... Có thể nói, khóc là hành vi chỉ có ở loài người khi biểu thị các trạng thái cảm xúc mà không diễn ra ở các loài động vật khác.
Theo các nhà khoa học khóc là phản xạ do sự thay đổi nhanh chóng của hệ thần kinh giao cảm, nó phát triển khi cơ thể chuyển từ trạng thái “chiến đấu hay bỏ chạy”, được kích thích bởi hệ thần kinh giao cảm sang trạng thái nghỉ và hồi phục của hệ thần kinh đối giao cảm.
Khóc mang lại nhiều lợi ích hơn ta tưởng.
Phụ nữ khóc nhiều hơn nam giới
Có một điều hiển nhiên rằng phụ nữ khóc nhiều hơn nam giới. Các nhà nghiên cứu tâm lý tại Đại học Tilburg, Hà Lan trong cuốn sách “Biểu hiện cảm xúc và sức khỏe” xuất bản năm 2004 phát hiện ra rằng trung bình phụ nữ khóc hai đến năm lần một tháng gấp 3-5 lần so với nam giới. Sự khác biệt này phổ biến không loại trừ quốc gia nào, điều này cho thấy nguyên nhân không phải do sự khác biệt địa lý mà do sự khác biệt về các hiệu ứng văn hóa. Cụ thể, theo các quan niệm truyền thống, vai trò của nam giới luôn độc lập, mạnh mẽ, chủ động giải quyết vấn đề trong khi vai trò của phụ nữ là phụ thuộc vào người khác, tình cảm, yếu đuối. Nhà tâm lý học Nyklicek đồng tác giả nghiên cứu viết: “Khi đàn ông rơi nước mắt, giọt nước mắt đó thể hiện niềm tự hào, dũng cảm, lòng trung thành, chiến thắng hay thất bại”. Trong một nghiên cứu tiến hành với cả đàn ông và phụ nữ Hà Lan sau trận thua của đội tuyển Hà Lan tại bán kết World Cup ở Pháp năm 1998, họ thấy rằng phụ nữ khóc nhiều hơn nam giới. Hơn nữa, 20% phụ nữ khóc trong buổi lễ Olympic và chỉ 8% nam giới thừa nhận điều này. Bên cạnh đó, khi xem một bản tin về vụ cháy gây chết người 12% phụ nữ khóc, 5% nam giới rơi nước mắt. Nhìn chung, phụ nữ và đàn ông khóc vì những lý do tương tự như người thân qua đời, sự đổ vỡ trong tình yêu, nhớ nhà nhưng phụ nữ có thể khóc nhiều vì các lý do khác như buồn chán, ghen tuông, bị chỉ trích...
Ngoài ra, nghề nghiệp cũng đóng vai trò trong sự khác biệt về mức độ khóc giữa hai giới. Phụ nữ thường làm các ngành nghề liên quan đến nhiều tình huống cảm xúc hơn như chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng, viết văn... trong khi nam giới có xu hướng làm việc trong các lĩnh vực kỹ thuật, ít có cơ hội để thể hiện cảm xúc.
Nghiên cứu năm 2012 cho thấy sự khác biệt trong mức độ khóc giữa nam và nữ giới có thể do yếu tố sinh học cụ thể là mức độ hormon: Phụ nữ có prolactin nhiều hơn 60% - đây là một hormon sinh sản kích thích sản xuất sữa của phụ nữ sau khi sinh - so với nam giới. Nước mắt có hàm lượng prolactin cao, điều này có thể giải thích vì sao phụ nữ khóc nhiều hơn nam giới. Mức testosterone cũng có thể khiến đàn ông khóc ít hơn. Những nam giới được điều trị bằng thuốc ung thư tiền liệt tuyến có nồng độ testosterone thấp, dễ khóc hơn so với những nam giới khác.
Lợi ích của nước mắt
Theo các nhà khoa học, nước mắt giúp làm sạch mắt, vì trong nước mắt có chứa lysozyme dạng lỏng chúng có thể tiêu diệt đến 95% các loại vi khuẩn chỉ trong vài phút. Đồng thời khi màng mắt bị khô và thiếu nước dẫn đến thị lực giảm, nước mắt sẽ hoạt động giúp bôi trơn mắt, mí mắt. Khóc cũng ngăn ngừa tình trạng mắt khô do thiếu độ ẩm cần thiết. Quan trọng hơn cả là khóc giúp cải thiện tâm trạng. Đây cũng là lý do tại sao con người luôn khóc khi ở trạng thái vui, buồn, thất vọng, chán nản... Khi nước mắt được tiết ra, cơ thể sẽ giải phóng hormon stress. Nhờ đó các cảm xúc tiêu cực sẽ nhanh chóng được loại bỏ.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chứng minh việc khóc sẽ giúp cải thiện tâm trạng tốt hơn bất kỳ loại thuốc chống trầm cảm nào khác. Vì nước mắt cũng đồng thời giúp loại bỏ cortisol - một loại hormon làm gia tăng căng thẳng.
Minh Huệ
((Theo sciencealert, livescience))
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Ngừa loãng xương bằng thực phẩm
Có nên bổ sung hormon ở phụ nữ tiền mãn kinh?
Nguy cơ do rối loạn nội tiết ở phụ nữ
Sau sinh bao lâu thì “sinh hoạt” trở lại?
Đánh giá