Cho dù bạn lần đầu tiên chụp nhũ ảnh hay đã từng chụp nhũ ảnh trước đó rồi, bạn vẫn nên lưu ý một số điều sau để giúp quá trình chụp diễn ra suôn sẻ hơn.
1. Chụp nhũ ảnh vào thời điểm nào?
Chụp nhũ ảnh có thể tìm thấy các khối u phát triển chậm trong khi chúng vẫn có thể điều trị được. Vì vậy, bạn nên thảo luận với bác sĩ lên lịch chụp nhũ ảnh khi vú của bạn không bị mềm hoặc sưng để giúp giảm bớt sự khó chịu và có được những bức ảnh có độ nét cao.
Tùy từng mục đích của chụp nhũ ảnh mà bạn có thể lên kế hoạch chụp khi nào. Với người lần đầu tiên chụp nhũ ảnh với mục đích chẩn đoán, bạn có thể chụp nhũ ảnh vào bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ kinh nguyệt.
Khi chụp nhũ ảnh tầm soát, tránh chụp nhũ ảnh vào tuần ngay trước kỳ kinh. Sau khi bạn sạch kinh khoảng 1 tuần là thời điểm thích hợp nhất để chụp nhũ ảnh vì lúc này nồng độ estrogen trong máu giảm xuống sẽ khiến tuyến vú bớt căng hơn.
2. Lưu ý khi chụp nhũ ảnh
Nếu bạn đã phẫu thuật nâng ngực hoặc đặt túi ngực trước đó, nên báo cho bác sĩ biết để có chỉ định chụp nhũ ảnh phù hợp.
Chụp nhũ ảnh là một kỹ thuật chụp X-quang đặc biệt dành cho tuyến vú, bạn nên lựa chọn những cơ sở uy tín, tin cậy để đăng ký khám và lên lịch chụp. Hãy đến một cơ sở y tế có đủ máy móc chuyên về chụp X-quang tuyến vú để đăng ký dịch vụ.
Tốt nhất là đến cùng một cơ sở trong mọi lần chụp để có thể dễ dàng so sánh hình ảnh chụp X-quang tuyến vú của bạn từ năm này sang năm khác.
Nếu bạn đã chụp nhũ ảnh ở một cơ sở khác, nên mang theo những hồ sơ đó đến cơ sở mới để những hình ảnh cũ có thể được so sánh với hình ảnh mới.
Nên mang theo hình ảnh chụp X-quang tuyến vú trước đó của bạn để bác sĩ dễ theo dõi kết quả.
Khi đi chụp nhũ ảnh, bạn nên mặc đồ thoải mái, tránh bó sát hoặc nịt ngực quá chặt. Trong quá trình kiểm tra, bạn sẽ phải cởi trang phục phía trên thắt lưng gồm áo và áo ngực để chụp. Vì vậy nên hạn chế mặc váy liền thân sẽ khiến bạn bất tiện khi được yêu cầu bỏ phần trên. Bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn khi mặc váy rời hoặc quần, vì bạn sẽ được nơi chụp cung cấp áo choàng phía ngoài.
3. Khi chụp nhũ ảnh cần kiêng gì?
Nhiều người vẫn thắc mắc liệu có thể ăn nhẹ trước khi chụp X-quang tuyến vú hay không. Tuy nhiên, chụp nhũ ảnh không phải xét nghiệm liên quan đến máu hoặc các chỉ số tuần hoàn khác nên bạn hoàn toàn có thể ăn trước khi chụp nhũ ảnh mà không làm ảnh hưởng đến kết quả.
Các đồ trang sức cũng có thể gây vướng trong quá trình thực hiện kỹ thuật nên kỹ thuật viên có thể yêu cầu bạn tháo bỏ đồ trang sức từ phần cổ cho tới thắt lưng.
Vào ngày chụp, bạn hãy nhớ không bôi chất khử mùi, chất chống mồ hôi, phấn, nước thơm, kem hoặc nước hoa vào vùng dưới cánh tay, trên hoặc dưới bầu ngực của bạn. Một số trong các sản phẩm này chứa các chất có thể hiển thị trên X-quang dưới dạng đốm trắng gây những hình ảnh giả trên phim hoặc che lấp những tổn thương dẫn đến chẩn đoán kém chính xác.
4. Chụp nhũ ảnh có đau không?
Khi thực hiện quy trình chụp, bạn đứng trước một máy X-quang được thiết kế đặc biệt để chụp nhũ ảnh. Bầu ngực của bạn dần dần được ép vào bệ bằng một tấm nhựa trong. Vú của bạn phải được nén để làm đều độ dày của nó và cho phép tia X xuyên qua mô vú.
Áp lực cũng giữ vú của bạn nằm yên để giảm mờ do chuyển động và giảm thiểu liều lượng bức xạ cần thiết. Trong thời gian ngắn tiếp xúc với tia X, bạn sẽ được yêu cầu đứng yên và nín thở. Áp lực không có hại, nhưng nó có thể gây ra một số khó chịu. Nói với kỹ thuật viên nếu cảm giác khó chịu trở nên quá nhiều.
Để giúp đảm bảo bạn có một bức ảnh chụp X-quang tuyến vú chất lượng tốt, hãy nói với kỹ thuật viên thực hiện chụp nhũ ảnh:
- Về bất kỳ thay đổi hoặc vấn đề nào ở vú mà bạn đang gặp phải;
- Nếu bạn có cấy ghép ngực;
- Nếu bạn gặp khó khăn khi đứng và giữ yên một mình (không có gậy hoặc khung tập đi hỗ trợ);
- Nếu bạn đang cho con bú hoặc nếu bạn có dấu hiệu mang thai;
- Nói với kỹ thuật viên ngay lập tức nếu bạn bắt đầu cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt trong quá trình chụp.
Toàn bộ thủ tục thường mất ít hơn 30 phút. Sau đó, bạn có thể mặc quần áo và tiếp tục các hoạt động thường ngày của mình.
Sưu tầm
Theo SKĐS
Đánh giá