Đây là nguyên nhân hàng đầu của tàn tật và tử vong trên toàn thế giới. Vậy cần có chế độ ăn như thế nào để phòng ngừa đột quỵ?
Hậu quả sau đột quỵ
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, có tỉ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Phục hồi sau đột quỵ ở từng người là khác nhau. Một số người có thể phục hồi hoàn toàn trong khi những người khác sẽ bị khuyết tật nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng. Hậu quả cụ thể trên một người sống sót sau đột quỵ sẽ phụ thuộc vào vị trí và phạm vi của đột quỵ và việc người đó đã được điều trị nhanh như thế nào.
Những người đột quỵ thiếu máu não có nhiều cơ hội sống sót hơn những người bị đột quỵ xuất huyết. Đột quỵ xuất huyết không chỉ phá huỷ tế bào não mà còn gây ra các biến chứng khác, bao gồm tăng áp lực nội sọ và co thắt mạch, cả hai đều rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy các trường hợp sống sót của đột quỵ xuất huyết có cơ hội lớn hơn trong việc hồi phục chức năng so với các trường hợp sống sót của đột quỵ nhồi máu.
Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, yếu nửa người… cần đi khám ngay để tầm soát đột quỵ.
Mặc dù không có người nào sống sót sau đột quỵ có tổn thương hoặc khuyết tật giống hệt nhau, nhưng những triệu chứng thể chất, nhận thức và cảm xúc chung của những người này thường là:
Tê liệt hoặc yếu: Thường là ở một bên cơ thể, bao gồm cả mặt và miệng. Bệnh nhân có thể bị khó nuốt hoặc bị bỏ mặc một bên.
Vấn đề thị giác: Bệnh nhân có thể không tập trung nhìn được, có thể có điểm mù hoặc có vấn đề với tầm nhìn ngoại vi.
Khó khăn trong giao tiếp: Mất ngôn ngữ là khái niệm được dùng để mô tả tập hợp sự thiếu hụt về giao tiếp, bao gồm gặp vấn đề khi nói, hiểu, đọc và viết.
Rối loạn cảm xúc: Biểu hiện không kiểm soát, không lý giải được của hành động khóc, tức giận hoặc cười mà có thể ít có liên hệ đến trạng thái cảm xúc hiện tại của bệnh nhân. Những biểu hiện này thường đến và đi nhanh chóng và có thể giảm dần theo thời gian.
Trầm cảm: Lo âu (đặc biệt là về khả năng gặp một cơn đột quỵ khác) và trầm cảm không phải là hiếm gặp sau đột quỵ.
Cục máu đông trong lòng động mạch dẫn đến đột quỵ.
Vai trò của dinh dưỡng trong dự phòng đột quỵ
Kiểm soát lượng thức ăn của mỗi khẩu phần ăn
Ăn quá no có thể dẫn đến việc bổ sung nhiều calo hơn mức cần thiết. Nên dùng đĩa hoặc bát nhỏ để giúp kiểm soát khẩu phần ăn. Bổ sung nhiều hơn các loại thực phẩm ít calo, giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như trái cây, rau, và các phần nhỏ hơn các loại thực phẩm giàu calo và muối như thức ăn tinh chế, chế biến sẵn hoặc các loại thức ăn nhanh.
Ăn nhiều rau và trái cây
Rau và trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất, giàu chất xơ và ít calo, chứa các chất có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Ăn nhiều trái cây và rau quả hơn có thể cắt giảm lượng thực phẩm có hàm lượng calo cao, chẳng hạn như thịt, pho mát và đồ ăn nhẹ.
Nên chọn bữa ăn có rau hoặc trái cây làm nguyên liệu chính, chẳng hạn như món rau luộc/xào hoặc trái cây tươi trộn thành món salad. Tuy nhiên, có một số loại rau và trái cây nên hạn chế: Dừa, rau với nước sốt kem, trái cây đóng hộp, đóng gói trong siro, trái cây đông lạnh có thêm đường…
Chọn ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, có vai trò trong việc điều hòa huyết áp và sức khỏe tim mạch. Có thể tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn uống thay thế cho các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
Hạn chế chất béo không lành mạnh
Hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là một bước quan trọng để giảm lượng cholesterol trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ. Giảm lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn bằng cách chọn loại thịt nạc. Nên kiểm tra nhãn thực phẩm của một số bánh quy, bánh ngọt, kem phủ, bánh quy giòn và khoai tây chiên. Những loại thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa thường được ghi nhãn với cụm từ “hydro hóa một phần” trong danh sách thành phần.
Ngũ cốc nguyên hạt rất tốt trong chế độ ăn ngừa đột quỵ.
Chọn chất béo lành mạnh
Chất béo không bão hòa đơn, như dầu ô liu hoặc dầu hạt cải. Chất béo không bão hòa đa được tìm thấy trong một số loại cá, quả bơ, quả hạch và hạt, cũng là những lựa chọn tốt để phòng tránh bệnh tim và đột quỵ. Khi được sử dụng thay cho chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có thể giúp giảm tổng lượng cholesterol trong máu. Nhưng bổ sung chất béo không bão hòa nên được duy trì ở mức điều độ bởi tất cả các loại chất béo đều chứa nhiều calo.
Chọn nguồn protein ít chất béo
Cá hồi có lượng axit béo omega-3 cao có thể làm giảm chất béo trong máu. Thịt nạc, thịt gia cầm và cá, các sản phẩm từ sữa ít béo và trứng là các nguồn cung cấp protein tốt nhất. Nên chọn sữa tách kem thay vì sữa nguyên chất và ức gà không da hơn là các miếng gà rán. Các nguồn thực phẩm khác là hạt lanh, quả óc chó, đậu nành và dầu hạt cải. Các loại đậu như đậu Hà Lan và đậu lăng cũng là những nguồn cung cấp protein dồi dào và chứa ít chất béo, không có cholesterol, là những thực phẩm thay thế tốt cho thịt.
Giảm muối trong khẩu phần ăn
Mặc dù giảm lượng muối thêm vào thức ăn là một bước cần thiết, nhưng phần lớn lượng muối đến từ thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn. Khi ăn thực phẩm tươi và món ăn tự nấu có thể làm giảm lượng muối ăn vào.
5 yếu tố của lối sống lành mạnh, ngừa đột quỵ là: Không hút thuốc, uống rượu vừa phải, chỉ khối cơ thể BMI<25, hàng ngày tập thể dục trong 30 phút và chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm 80% đột quỵ so với những người không đạt được
TS.Đinh Hải Hà
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Sinh lý và tình dục của người bệnh viêm gan
Đánh giá