Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi, bao gồm: tăng huyết áp thai phụ, nguy cơ tiền sản giật cao hơn, tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 ở người mẹ sau sinh, trẻ sinh ra quá cân, sinh non... Không phải mọi thai phụ đều có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ nhưng một số cách dưới đây có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên có cân nặng phù hợp và lối sống lành mạnh. Nghiên cứu từ Hiệp hội Tiểu đường Mỹ năm 2018 kết luận thừa cân là yếu tố rủi ro đáng kể của tiểu đường thai kỳ. Các nhà nghiên cứu chỉ ra, phụ nữ có chỉ số BMI cao hơn 25 có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, thay đổi chế độ ăn uống sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ.
Một số biện pháp giúp giữ cân khỏe mạnh như: hạn chế thực phẩm đóng gói và đồ ăn vặt; chọn protein nạc như cá, đậu phụ để no lâu hơn; tăng lượng chất xơ bằng cách ăn nhiều rau và ngũ cốc...
Ăn uống đầy đủ
Khi mang thai, cảm giác ốm nghén, thèm ăn có thể khiến thai phụ khó duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Tuy nhiên, chế độ ăn uống cân bằng cho mẹ bầu là một phần quan trọng để ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ. Ăn uống hợp lý còn giúp đảm bảo tăng cân trong mỗi tam cá nguyệt.
Một số lựa chọn thực phẩm lành mạnh bao gồm: protein nạc như đậu, cá, đậu phụ, thịt gia cầm, các loại hạt, dầu ô liu, dầu dừa và ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, mì ống, bột yến mạch, bánh mì... Song song đó, mẹ bầu nên hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường...
Tập thể dục
Tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ cả trước và trong khi mang thai. Khi vận động, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với insulin mà tuyến tụy tạo ra, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Những người có lối sống ít vận động thì đi bộ hoặc đạp xe đi làm; leo cầu thang, tập yoga... có thể hữu ích.
Phụ nữ muốn ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ nên cố gắng tập thể dục cường độ vừa phải trong khoảng 30 phút vào 4-5 ngày trong tuần. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên trao đổi với bác sĩ về chế độ tập luyện mới để đảm bảo an toàn khi thực hiện.
Tăng cường chất xơ
Kết quả nghiên cứu từ Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy những thai phụ tăng tổng lượng chất xơ hàng ngày lên 10 g có thể giảm 26% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Phụ nữ ăn chế độ ăn ít chất xơ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao gấp đôi. Một số thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: quả mâm xôi, lê, cam, đậu, đậu lăng, bông cải xanh, lúa mạch, bột yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt...
Đi khám định kỳ
Phụ nữ mang thai cần đi khám bác sĩ định kỳ trong giai đoạn mang thai để được chăm sóc và phát hiện các bất thường sớm. Từ tuần 24 đến 28, thai phụ sẽ được khám sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ. Nếu kết quả dương tính, bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ ăn uống và tập luyện để ngăn ngừa các biến chứng nặng.
Medshopvn sưu tầm
Theo Vnexpress
Đánh giá