06 November, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người mắc bệnh SXH sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi truyền bệnh là Aedes aegypti (muỗi vằn) và Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á), gọi chung là muỗi vằn.
Cách nhận biết muỗi vằn
Muỗi vằn có màu đen, chân, thân, bụng có khoang đen trắng rõ rệt. Đặc biệt, vùng ngực có các vảy trắng xếp thành hàng, trên lưng có hình chiếc “đàn hai dây” màu trắng. Đây là loại muỗi có khả năng mang virut SXH và truyền từ người này sang người khác thông qua nốt đốt và hút máu người. Nếu trong máu người đó có virut SXH, khi muỗi vằn đốt và hút máu người lành khác (nếu người lành này chưa có miễn dịch với bệnh SXH) sẽ truyền virut bệnh SXH.
Muỗi vằn thường sống trong nhà, gần người, trú đậu nơi có ánh sáng yếu, thường là các góc hoặc xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà, trên tường nhà nó đậu cao tới 2 mét. Đặc biệt chỉ có muỗi vằn cái đốt và hút máu người vào cả ban ngày lẫn ban đêm, thông thường từ 9 đến 10 giờ sáng, nhưng đốt và hút máu mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng bay rất nhanh, nếu tìm thấy người là lao vào đốt và hút máu ngay, đồng thời bám theo người rất dai và chỉ bay đi khi đã hút no máu.
Quá trình muỗi truyền bệnh.
Hoạt động tìm người để hút máu của muỗi vằn thường phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường sống (trong nhà và ngoài trời). Nếu nhiệt độ môi trường dưới 23oC, muỗi vằn hầu như không có khả năng hoạt động hút máu. Vì thế, muỗi vằn thường phát triển mạnh nhất vào mùa mưa (có nhiều nơi đọng nước sạch), thời tiết nóng ẩm, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20ºC như thời tiết hiện nay (miền Bắc hiện mưa nắng thất thường, miền Nam đang là mùa mưa). Đây là mùa rất thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.
Chu kỳ phát triển của muỗi vằn
Chu kỳ phát triển của muỗi vằn truyền SXH từ lúc đẻ trứng đến khi phát triển thành bọ gậy (lăng quăng) trung bình là 7 ngày và thời gian phát triển từ bọ gậy thành muỗi trưởng thành chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày. Muỗi cái chuyên đi hút máu người có thể sống từ 20 - 40 ngày (muỗi đực không hút máu người, chỉ hút nhựa cây). Muỗi vằn thường đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể đựng nước sạch, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây hoặc các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chân giường, tủ, lốp xe, vỏ dừa, lon bia, lon nước ngọt... có chứa nước sạch.
Cách phòng tránh muỗi vằn đốt
Cho đến nay, ở Việt Nam ta chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Vì vậy, phòng bệnh chung trở nên cấp bách và cần thiết. Trong công tác phòng bệnh chung có nhiều biện pháp khác nhau nhưng với bệnh SXH biện pháp diệt muỗi và con đẻ của muỗi (lăng quăng) là hết sức quan trọng và cần thiết. Nếu làm triệt để, bệnh sẽ không phát triển và lan rộng. Do đó cần dùng mọi biện pháp từ dân gian đến các loại hóa chất, đặc biệt ở các ổ, các vùng đang có dịch xảy ra. Diệt muỗi, ngoài các biện pháp dân gian như xua, bẫy, vợt để diệt và đuổi, diệt muỗi bằng hương diệt muỗi, phun hoá chất diệt muỗi là một biện pháp rất có hữu hiệu. Vì vậy, khi có chủ trương phun hoá chất diệt muỗi, làm thế nào để mọi người dân hưởng ứng, ủng hộ, cùng tích cực tham gia và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ y tế thực thi nhiệm vụ. Cần lưu ý là phun thuốc diệt muỗi phải tiến hành đồng bộ cho tất cả các gia đình trong cùng một tổ dân phố (thôn, bản, xã), không thực hiện riêng lẻ từng hộ nhằm mục đích không cho muỗi có cơ hội trốn, ẩn nấp. Nếu không làm được điều này, phun muỗi bằng hoá chất cho dù máy phun thuốc có hiện đại đến mấy cũng không đưa lại kết quả (không diệt được muỗi).
Cần tránh muỗi đốt bằng cách nằm màn cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm. Nếu có điều kiện, nên tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi. Ở công sở nên đi giày, tất và mặc quần dài ống để tránh hở da vùng chân. Những gia đình có điều kiện nên làm lưới chắn muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ và cửa thông gió. Để diệt lăng quăng cần phải thau rửa chum, vại, các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt phải có nắp đậy cẩn thận để muỗi không vào đẻ trứng. Thay nước lọ hoa hàng ngày, lật úp các dụng cụ phế thải có chứa nước (lon bia, lốp xe, vỏ quả dừa...). Có thể nuôi các loài cá có khả năng ăn được nhiều lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước sinh hoạt (chum, vại, bể chứa nước). Cần vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, ao, hồ không để nước đọng...
TTƯT. PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Dấu hiệu tăng huyết áp do mang thai
Đánh giá