11 April, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Rối loạn kinh nguyệt không những khiến chị em cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn tới khó có thai, thậm chí vô sinh.
Chào bác sĩ, em năm nay 22 tuổi, đã lập gia đình 2 năm nhưng chưa có thai. Em đã đi khám và kết quả là bị rối loạn nội tiết tố, kinh nguyệt không đều. Sau đó em đã uống thuốc điều hòa nội tiết, chu kì kinh nguyệt đã tương đối đều trở lại nhưng em lại thấy mình luôn mệt mỏi. Bác sĩ cho em hỏi, như vậy là em bị làm sao? Liệu em có thể có thai khi sức khỏe như vậy hay không? Em cảm ơn bác sĩ! (H. Liên)
Trả lời:
Bạn H. Liên thân mến!
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi thắc mắc đến chuyên mục. Vấn đề của bạn cũng là vấn đề mà không ít phụ nữ gặp phải trong cuộc sống hiện đại. Hệ thống nội tiết trong cơ thể có nhiệm vụ tiết ra các hormone và phối kết hợp với hệ thống thần kinh để điều chỉnh sự chuyển hóa và các chức năng sinh lý của cơ thể. Khi sự các hormone được tiết ra không cân bằng (quá ít hoặc thừa một số hormone) sẽ dẫn đến sự rối loạn nội tiết.
Rối loạn nội tiết là một trong những yếu tố dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Rối loạn nội tiết tố ở người phụ nữ có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên lý do chủ yếu vẫn là sự mất cân bằng giữa 2 hormone chính là progesterone và estrogen. Một số yếu tố dẫn đến sự mất cân bằng này bao gồm: Căng thẳng, stress, dùng quá nhiều thuốc tránh thai, chế độ dinh dưỡng kém, sống trong môi trường ô nhiễm...
Rối loạn nội tiết là một trong những yếu tố dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt không những khiến chị em cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn tới khó có thai, thậm chí vô sinh.
Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt có thể bao gồm:
+ Chu kỳ kinh quá dài hoặc quá ngắn: chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 25 ngày hoặc dài trên 35 ngày
+ Thời gian hành kinh quá ngắn (dưới 3 ngày) hoặc quá dài (trên 7 ngày)
+ Lượng kinh nguyệt ra cho mỗi lần quá nhiều hoặc quá ít
+ Có các triệu chứng khác như đau bụng mỗi khi có kinh, đau lưng, mệt mỏi…
Để điều trị rối loạn kinh nguyệt, bác sĩ sẽ tiến hành khám, khai thác tiền sử bệnh lý, khám phụ khoa nhằm phát hiện các bệnh phụ khoa (nếu có). Trong quá trình khám các bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em những thông tin về sức khỏe phụ khoa và phương pháp điều trị thích hợp.
Như trường hợp của bạn, bác sĩ đã cho dùng thuốc điều hòa nội tiết và chu kì kinh nguyệt đã ổn định trở lại thì bạn cũng không cần lo lắng quá. Còn nếu thường xuyên thấy mệt mỏi thì bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ điều trị cho mình để biết có phải bạn mệt do thuốc đang dùng và có cần thay đổi đơn thuốc cho phù hợp hay không.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ bởi trong nhiều trường hợp, chị em quá lo lắng, ăn uống thất thường hoặc làm việc quá sức mà dẫn đến mệt mỏi nhưng lại không nhận ra.
Còn về vấn đề bạn hỏi liệu có thể có thai khi sức khỏe như vậy hay không thì tốt nhất bạn cần nghỉ ngơi cho khỏe trở lại và nên đi khám sức khỏe phụ khoa. Muốn có thai và thai kì khỏe mạnh thì trước hết người mẹ cũng cần khỏe mạnh, điều này rất quan trọng. Hiện tại, kinh nguyệt của bạn đã đều hơn thì khả năng có thai cũng sẽ cao hơn trước đây. Tuy nhiên, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ cũng còn nhiều vấn đề khác, vì vậy, đi khám phụ khoa sẽ giúp bạn biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe sinh sản của mình và kịp thời có biện pháp can thiệp nếu cần.
Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!
Theo Afamily
Các bài gần đây
Vì sao nên đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc?
Phân biệt đau nửa đầu và đau đầu
Ứ mật trong gan khi mang thai có nguy hiểm?
Thường xuyên uống nước ngọt có gas, trẻ dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Dấu hiệu cảnh báo thiếu sắt ở trẻ em
Chăm sóc trẻ mắc tay - chân - miệng
Không có con - “Trăm dâu đổ đầu... vợ”?
Chứng minh xoa bóp giúp giảm đau lưng mãn hiệu quả
Nhận biết suy dinh dưỡng ở người cao tuổi
Sốt xuất huyết giảm, bệnh ho gà tập trung ở khu vực miền Bắc
Đánh giá